Toàn cảnh buổi hội thảo |
Báo cáo lần thứ nhất của Bộ TN-MT công bố vào năm 2014 cho thấy, tổng phát thải nhà kính năm 2010 riêng lĩnh vực nông nghiệp là 88,3 triệu tấn CO2, tương đương với 32,2% tổng lượng phát thải nhà kính của toàn quốc gia. Trong đó, phát thải từ canh tác lúa chiếm cao nhất với 50,49%, từ chăn nuôi là 10,72%; quản lý phân bón 9,69%; từ đất nông nghiệp là 26,95%...
Nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa đã được nêu lên tại hội thảo. Trong đó, giải pháp được các đại biểu thống nhất cao là áp dụng hình thức tưới rút nước giữa vụ. Thực tế cho thấy, ở các vùng trọng điểm sản xuất lúa như: ĐBSH và ĐBSCL đều có kinh nghiệm với việc rút nước phơi khô mặt ruộng. Vấn đề đặt ra là kỹ thuật canh tác và hạ tầng thủy lợi có đáp ứng để nông dân nhân rộng cách làm này hay không.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trổng trọt cho rằng, phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa nước sinh ra chủ yếu do quá trình ruộng lúa bị ngập nước và khi nước bao trùm lên toàn bộ bề mặt thì quá trình phản ứng hóa học xảy ra ở dưới đất, gọi là quá trình ôxi hóa khử, quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, quang hợp của cây lúa, của hệ vi sinh vật “yếm khí” nằm dưới đất sẽ sinh ra khí làm tăng hiệu ứng nhà kính như: N2O, Mê-tan….
Một số đại biểu quốc tế cho rằng, ngoài những chính sách liên quan đến việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, đối với giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng nông nghiệp theo hướng lồng ghép kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, nghiên cứu khả thi các phương án đầu tư sản xuất lúa phát thải thấp góp phần rất lớn vào thúc đẩy thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo” hỗ trợ luận cứ để hoàn thiện các đề xuất đầu tư tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu cho các dự án đầu tư sản xuất lúa phát thải thấp phù hợp với lộ trình tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2030, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.
Theo đó, những phương án đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp cần phải được xem xét một cách thận trọng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, tăng tính cạnh tranh phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các giải pháp giảm phát thải nhà kính tăng cường hấp thụ các bon thông qua các hoạt động sản xuất của ngành có vai trò hết sức quan trọng trong nỗ lực quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Pari mà cụ thể thực hiện cam kết đóng góp quốc gia tự nguyện trong nông nghiệp.