Con vịt nhỏ mà dựng cơ đồ lớn
Nhiều người biết đến làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) qua nghề may áo dài đã thành danh bấy lâu ở đất Kinh Kỳ nhưng ít ai biết đến ở đó còn có cặp vợ chồng 30 năm nuôi vịt cỏ, vịt trời hiếm khi nào thất bại.
Một buổi trưa đầu đông, tôi gặp họ trong khu trang trại mênh mông tới 3 ha, trên bờ trồng cây nuôi vịt, dưới ao cấy lúa thả cá. Cá trôi, cá rô Phi ăn phân vịt, cá trắm ăn lúa, cá chép ăn trứng ốc bươu vàng và ốc bươu vàng kích cỡ nhỏ, vòng tuần hoàn cứ thế mà tiếp diễn. Nhờ đó, sau bao năm tích lũy họ không chỉ xây được một căn nhà đàng hoàng, mua được một mảnh đất “giắt lưng” mà còn nuôi hai đứa con đều đi du học, lao động bên Nhật.
Trong lúc chờ bữa cơm rau hái trong vườn, vịt bắt dưới ao, tôi nghe chị Phạm Thị Lan thủng thẳng kể chuyện 30 năm về trước, khi mình lấy anh chăn vịt Nghiêm Văn Dân, gia cảnh nghèo khổ thế nào. Lúc đó, cả hai phải sống trong một túp lều tạm bợ chừng hơn 10m2 dựng ven bờ mương, chật đến nỗi chỉ kê được mỗi cái phản, khi họ có con thì bên dưới phản chồng nằm, bên trên phản vợ bồng con mà đu đưa võng. Cả gia tài lúc đó của họ chỉ có đàn vịt cỏ 300 con nuôi theo dạng thả đồng, mỗi năm được hai vụ.
Vịt con được gột đến hơn 20 ngày trong chuồng thì thả ra đồng để ăn hạt thóc rụng, con cua, con ốc, đến khi người ta làm đất, chuẩn bị cấy vụ lúa mới lại lùa về. Hơn 20 ngày trên đồng không phải cho ăn nên chỉ tính mỗi ngày mỗi con đỡ được 1.000đ tiền cám là đã lãi lớn.
Thêm vào đó, đồng xưa sạch, không có thuốc trừ ốc, ít thuốc trừ sâu nên vịt phát triển khỏe mạnh, chẳng phải tiêm vacxin hay uống thuốc bao giờ. Nay cánh đồng lắm thuốc trừ sâu, thuốc trừ ốc, nước ô nhiễm thành ra vợ chồng chị nuôi vịt tại khu đất đấu thầu ngay đầu làng, ngoài giống vịt cỏ nức tiếng của Vân Đình họ còn nuôi thêm cả vịt trời để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách.
Đàn vịt của vợ chồng chị lúc nào cũng có 5.000-7.000 con, nếu thiếu thì phải đi bắt thêm của những hộ đã nuôi được cỡ 2 tháng 10 ngày rồi về lọc ra, con cái bán luôn cho các bà ngồi vỉa hè với giá 80.000 - 90.000đ/con, còn con đực để lại nuôi tiếp 1,5 - 2 tháng sau khi lông đầu, lông cổ của chúng chuyển xanh mới bán cho cánh nhà hàng với giá 180.000 đồng/con.
Bên mái hiên lộng gió đồng, anh Dân đon đả gắp vào bát tôi cái đùi vịt: “Chú ăn đi chứ vợ chồng tôi ăn nhiều cũng chán. Đi đình đám bần cùng lắm tôi mới đụng đến miếng thịt vịt bởi một khi đã ăn vịt của nhà nuôi rồi sẽ chán tất cả các loại vịt khác do chúng không thể thơm, ngọt bằng”.
Mơ được có thương hiệu
Vịt cỏ, vịt trời tuy sức đề kháng tốt nhưng nuôi kiểu tập trung như vậy cũng dễ mắc các bệnh như đi ỉa, tả, sưng đầu, mắt trắng, phân xanh, phân trắng. Để phòng bệnh, từ lúc bóc trứng đến khi xuất bán người ta phải tiêm đủ các loại vacxin.
Nhưng cũng có những lúc trở trời, trái gió, nhiều hộ nuôi không cẩn thận là tiêm vịt bại cả tay mà sau đó vẫn hoa cả mắt nhìn vịt quay mòng mòng ra rồi chết, phải chôn từng bao tải một. Gặp tình huống như vậy thuốc chỉ là vô vọng. Bởi thế, bí quyết để cho vịt khỏe mạnh của vợ chồng chị là chuồng sạch, nước sạch.
Trong ao họ thường xuyên làm sạch đáy bằng chế phẩm rồi khử khuẩn nước. Những ngày trời trở cơn mưa họ trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho vịt phòng bệnh ỉa chảy. Những ngày trời nóng họ trộn chất giải nhiệt, giải độc gan vào thức ăn cho vịt phòng sốc nhiệt.
Trong quá trình nuôi họ thường xuyên phải phun khử khuẩn, diệt ruồi muỗi để ngăn tác nhân gây bệnh và con nào bị bệnh thì nhốt riêng để cách ly, không lây lan sang con khác. Mỗi lần xe đến đều phải rửa sạch, phun khử trùng, tiêu độc để không tha lôi dịch về nhà.
Trong làng nhiều người thấy vợ chồng chị Lan nuôi vịt thành công cũng tấp tểnh học theo nhưng chỉ được 1-2 tháng hay 1-2 lứa là bỏ, phần bởi dịch bệnh, phần bởi lãi thấp, có lúc bỏ công ra nuôi 500-700 con mà chỉ được lãi mỗi mấy con bớt lại thịt. Năm 2022, huyện Ứng Hòa và thành phố Hà Nội làm mô hình giữ gen vịt cỏ, có hai hộ tham gia, được cấp 50% con giống, 50% thức ăn nhưng hết hỗ trợ chỉ có vợ chồng chị Lan trụ lại được.
Anh Dân giải thích với tôi: “Chúng tôi tự sản, tự tiêu mới có lãi nhiều chứ họ chỉ mỗi sản xuất không được lãi mấy. Mỗi con vịt chỉ cần chở ra tới nội thành là đã lãi thêm được ít nhất 10.000 đồng rồi mà có nhà hàng nhập một lần tới 300-400 con. Lúc đầu hai vợ chồng tôi phải chở vịt bằng xe máy đến cho các nhà hàng, giờ thuê xe ôm và có thêm cái xe tải của thằng con nữa. Ngoài ra vịt còn được đi xe giường nằm vào tận Đắk Nông, Đắk Lắk.
Số lượng vịt lúc nào cũng đông 5.000 - 7.000 con nên với 3 lao động là vợ chồng tôi và thằng con trai thì không đủ sức làm nên thường xuyên phải thuê thêm 4 lao động, tháng trả mỗi người 10 triệu đồng. Ngày nào chúng tôi cũng quay cuồng với 10 bao ngô, 10 bao cám cho vịt ăn rồi dọn rửa chuồng trại.
Nuôi nhiều, lãi nhiều nhưng nếu không tính kỹ cũng dễ lỗ to. Bởi thế phòng bệnh vẫn là điều quan trọng nhất. Cứ mỗi tháng 2 lần chúng tôi phun khử trùng tiêu độc rồi rắc vôi lên nền chuồng. Ngay cả nước trong ao cũng phải đề phòng bẩn do chất thải của vịt ngày nào cũng phải cắm 3 cái máy để bơm vào, tháo ra liên tục. Cẩn thận thế nên mới thành công được. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi tháng chúng tôi cũng lãi được 40-50 triệu đồng”…
Cũng có một số lần chính quyền động viên vợ chồng chị Lan thành lập HTX bảo tồn, phát triển gen vịt cỏ để góp phần xây dựng thương hiệu vịt cỏ Vân Đình cho đúng nghĩa bởi bây giờ gần như 99% các quán trưng biển vịt cỏ ở thị trấn đều dùng vịt bầu cánh trắng, thịt không thể thơm ngon bằng. Tuy nhiên phần vì đam mê mỗi người mỗi khác, phần vì không phải ai cũng tự sản tự tiêu được như nhà chị được nên chuyện hợp tác đó vẫn chưa thành.
Vịt cỏ Vân Đình là giống vịt cỏ bản địa được chăn thả theo hình thức truyền thống trên các đồng chiêm của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Vịt cỏ Vân Đình đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, vốn xưa nay được kinh doanh không những ở Vân Đình, mà còn là món ẩm thực Hà thành đã có trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, chúng là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon mà theo người dân địa phương là không có nơi nào có thể ngon hơn điều này khiến Hà Nội được xem là thủ phủ vịt cỏ.