| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa mỗi năm 3 vụ ở Nam Trung bộ không hiệu quả

Thứ Ba 07/04/2020 , 11:01 (GMT+7)

Sản xuất 3 vụ lúa/năm, nông dân quá vất vả còn đất thì bị vắt kiệt dinh dưỡng, sâu bệnh sinh sôi, sản lượng lúa thu về chỉ ngang làm 2 vụ/năm.

Trên chân ruộng SX 2 vụ lúa/năm, ngành nông nghiệp huyện Phù Cát - Binh Định cơ cấu giống BC15 năng suất đạt trên 75 tạ/ha. Ảnh: Ngọc Thăng.

Trên chân ruộng SX 2 vụ lúa/năm, ngành nông nghiệp huyện Phù Cát - Binh Định cơ cấu giống BC15 năng suất đạt trên 75 tạ/ha. Ảnh: Ngọc Thăng.

Đất bị vắt kiệt dinh dưỡng

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện tỉnh này vẫn còn khoảng 10.000ha diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm, tập trung tại 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

Kết thúc sản xuất vụ ĐX 2019 – 2020, chúng tôi có dịp dạo quanh những cánh đồng canh tác lúa để ghi nhận hoạt động sản xuất của nông dân.

Một điều dễ nhận thấy là ở những chân ruộng 3 vụ, lúa vừa thu hoạch là ngành thủy lợi cấp tập xả nước vào để nông dân tiếp tục sản xuất vụ mới. Ruộng vừa đủ nước là những chiếc máy cày to đùng hối hả xuống đồng cày xới.

Những mảnh đất tươi rói vừa vắt kiệt dinh dưỡng nuôi cây lúa vụ đông xuân giờ nằm lật mình chuẩn bị đón giống vụ hè, đất chưa kịp hồi phục đã lại phải tiếp tục nuôi cây lúa mùa vụ mới.

“Cứ như vậy liên tục trong năm. Vừa thu hoạch vụ đông xuân là chúng tôi bắt tay sản xuất ngay vụ hè. Rồi sau khi thu hoạch lúa vụ hè là cày đất ngay để kịp sản xuất vụ 3. Mấy năm nay nắng nhiều mưa ít, hạn hán thường xuyên xảy ra, các hồ chứa nước chẳng mấy khi đầy, nên nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn thiếu hụt”, nông dân Lê Văn Hùng ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, bộc bạch.

Trong khi đó, ở những vùng ruộng canh tác 2 vụ lúa/năm nhịp độ sản xuất rất thư thả. Lúa vụ đông xuân thu hoạch xong, nông dân cũng liền tiến hành làm đất, nhưng không phải là để gieo sạ ngay mà là để cày ải.

Những lát đất được máy cày lật lên, gốc rạ phơi dày dưới nắng mục ra tạo thành phân bổ sung dinh dưỡng vào đất. Hơn 1 tháng sau đất ấy được nông dân cày lại 1 lần nữa, gọi là cày trở, sau đó mới tiến hành gieo sạ vụ thu.

Trên chân ruộng SX 3 vụ lúa/năm, vừa thu hoạch lúa vụ ĐX 2019 – 2020 nông dân không cho đất nghỉ, làm đất ngay để thời gian còn lại đủ chia cho vụ hè và vụ 3. Ảnh: Ngọc Thăng.

Trên chân ruộng SX 3 vụ lúa/năm, vừa thu hoạch lúa vụ ĐX 2019 – 2020 nông dân không cho đất nghỉ, làm đất ngay để thời gian còn lại đủ chia cho vụ hè và vụ 3. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, phân tích lợi hại của cơ cấu sản xuất 3 vụ và 2 vụ lúa/năm: Sản xuất 3 vụ lúa/năm đất hầu như không được ngơi nghỉ, dinh dưỡng trong đất bị vắt kiệt. Nếu SX 2 vụ lúa/năm, chỉ làm vụ đông xuân và vụ thu, sau khi thu hoạch vụ đông xuân đất được nghỉ ngơi được hơn 1 tháng.

Trong khoảng thời gian đất được phơi mà nông dân gòi là “ải” sẽ được tăng độ phì. Đất nằm phơi nắng phơi mưa cả hơn 1 tháng nên tất cả chất độc hại trong đất được hóa giải hết, phèn trong đất cũng lắng xuống.

Khi độ mầu mỡ trong đất tăng lên thì qua vụ sản xuất sau, nông dân sẽ ít tiêu tốn chi phí phân bón mà lúa còn phát triển tốt hơn.

Lợi bất cập hại

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết ở các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ trong những năm qua diễn biến rất bất thường. Các địa phương trong khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài, gây bất thuận cho sản xuất nông nghiệp, Bình Định không ngoại lệ.

Trong khi đó, lúa là loại cây trồng làm tiêu hao lượng nước tưới nhiều nhất, nên thường gây áp lực lớn cho ngành thủy lợi, nhất là trong vụ hè thu các hồ chứa trên địa bàn thường cạn kiệt.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Cty TNHH KTCTTL Bình Định, phân tích: “Sản xuất 3 vụ lúa/năm thì sẽ mất thêm 1 vụ nước tưới.

Trong khi đó, mỗi héc ta lúa làm tiêu tốn 8.000 khối nước/vụ. Nếu trong thời gian tới Bình Định chuyển hết 10.000ha đang sản xuất 3 vụ lúa/năm sang còn làm 2 vụ/năm chắc chắn mỗi năm Bình Định sẽ tiết kiệm được 8 triệu khối nước. Lượng nước này sẽ giải quyết cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp khác, đồng thời làm giảm áp lực cho ngành thủy lợi”.

SX 3 vụ lúa/năm cây lúa phát sinh nhiều sâu bệnh, nông dân tốn nhiều chi phí mua thuốc BVTV phun phòng trừ lúa. Ảnh: Ngọc Thăng.

SX 3 vụ lúa/năm cây lúa phát sinh nhiều sâu bệnh, nông dân tốn nhiều chi phí mua thuốc BVTV phun phòng trừ lúa. Ảnh: Ngọc Thăng.

Cảm tính thì sản xuất 3 vụ lúa/năm sẽ thu được nhiều lúa hơn làm 2 vụ/năm. Thế nhưng thực tế không phải vậy, nguyên nhân được ông Võ Đình Trí, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, địa phương còn đến 1.767ha diện tích đang sản xuất 3 vụ lúa/năm, phân tích: “Cơ cấu giống cho những chân ruộng SX 3 vụ lúa/năm ở Phù Cát là các giống trung ngày như: Vụ ĐX thì sử dụng ĐV108, VD8, KD18… các giống này năng suất cao lắm chỉ từ 60 – 65 tạ/ha.

Còn cơ cấu giống cho những chân ruộng SX 2 vụ lúa/năm hầu hết bố trí giống BC15, cho năng suất rất cao, trên 70 tạ/ha. Làm 3 vụ năng suất đạt thấp, còn làm 2 vụ năng suất đạt cao, bù qua sớt lại sản lượng gần tương đương”.

Trong khi đó, sản xuất 2 vụ lúa/năm tỷ lệ ăn chắc cả 2 vụ rất cao, còn sản xuất 3 vụ lúa/năm thì rủi ro chia đều cho cả 3 vụ.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, phân tích thêm: “Nếu canh tác 3 vụ lúa bắt buộc vụ đông xuân nông dân phải gieo sạ sớm, để thời gian còn lại trong năm đủ chia đều cho 3 vụ sản xuất, nhất là để vụ thứ 3 thu hoạch sớm nhằm né mùa mưa bão.

Thế nhưng thời tiết ở Bình Định rất bất thường, sau mùa mưa lũ chính, bước sang năm mới âm lịch trên địa bàn thường xuyên xảy ra lũ muộn. Khi ấy hạt giống vụ đông xuân trên chân ruộng 3 vụ mới được gieo sạ, nên thường bị lũ muộn gây hư hỏng hoặc làm trôi mất giống.

Còn vụ 3 chưa chắc đã được ăn, nếu gặp năm bão lũ đến sớm, cây lúa vụ 3 sẽ bị mưa gió quăng quật làm mất năng suất, thậm chí lúa chưa kịp thu hoạch đã bị mưa lũ “nuốt” mất, nông dân mất cả chì lẫn chài”.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN - PTNT Bình Định, khẳng định thêm những bất cập trong sản xuất 3 vụ lúa/năm: “Trong vụ hè thu năm 2019, Bình Định gieo sạ 42.500ha lúa và hơn 10.200ha cây trồng cạn. Đến thời điểm hạn gắt thì có 11.445ha lúa thiếu nước tưới; trong đó có 4.545ha phải áp dụng nhiều giải pháp để chống hạn và 6.900ha phải bơm tưới vượt định mức.

Ấy vậy mà vẫn có trên 1.000ha lúa bị chết khô trên đồng, 4.064ha khác bị thiếu nước vào cuối vụ làm mất năng suất. Năm đó chúng tôi đã phải đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ khoản kinh phí chống hạn tới gần 56 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định còn nêu thêm một bất cập khác: Sản xuất 3 vụ lúa/năm, cây lúa nối tiếp nhau thường xuyên đứng trên đồng, khiến sự phát triển của sâu bệnh hại không có thời gian “cách ly”. Vì thế sâu bệnh từ cây lúa vụ này nối tiếp sang cây lúa vụ kia thoải mái phá hoại. Khi ấy nông dân phải tốn nhiều công sức và chi phí mua thuốc BVTV để phun phòng trừ cứu lúa.

"Bình Định hiện còn khoảng 10.000ha diện tích SX 3 vụ lúa/năm. Mỗi héc ta lúa sẽ sử dụng 3kg thuốc BVTV/ha/vụ. Nếu 10.000ha kia chuyển sang làm 2 vụ lúa/năm, cắt bớt 1 vụ lúa thì sẽ tiết kiệm được 30.000kg thuốc BVTV/vụ. Hiệu quả thiết thực là nông dân được giảm bớt chi phí SX, môi trường nông thôn sẽ trong sạch hơn khi lượng thuốc BVTV được sử dụng ít đi".

(Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.