| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi Bình Định dốc toàn lực chống hạn

Thứ Hai 29/07/2019 , 11:29 (GMT+7)

Suốt 1 tháng qua, ngành thủy lợi tỉnh Bình Định đã dốc toàn lực để cứu hàng ngàn héc ta lúa vượt qua cơn đại hạn chờ ngày thu hoạch.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, cơn đại hạn diễn ra làm 481ha lúa vụ hè thu năm 2019 ở các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Tây Sơn bị “khai tử”, cháy khô trên đồng và 4.064ha khác đang đứng trên nền ruộng khô khốc chờ nước tưới.

Khai thông kênh dẫn để đưa nước về những vùng ruộng khô hạn cứu lúa.

Nhiều diện tích thuộc vùng tưới do Cty TNHH KTCTTL Bình Định đảm trách cũng đang khốn đốn vì các công trình thủy lợi do đơn vị này quản lý cũng đang cạn nguồn nước.

Trước bối cảnh trên, Cty đã dốc toàn lực chống hạn, cứu được hàng ngàn héc ta lúa. Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH KTCTTL Bình Định, hơn 20 ngày qua 60ha lúa vụ hè thu ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đứng trơ trên đồng chờ nước tưới. Thời điểm số diện tích lúa nói trên bị đứt nước là lúc cây lúa đang làm đòng.

Để cứu lúa, Cty đã khẩn cấp phối hợp với địa phương thành lập các đội thủy nông tổ chức nạo vét các tuyến kênh dẫn, lấy nước từ sông Kôn dẫn nước về tưới lúa bằng những máy bơm dầu và những trạm bơm điện dã chiến. Hiện 60ha lúa ở đây đã “vượt hạn” và an toàn chờ ngày thu hoạch.

“Trong bối cảnh hạn hán đang diễn ra khốc liệt, nhiều hồ chứa đã trơ đáy, đối với diện tích lúa thiếu từ 1 - 2 đợt tưới thì chúng tôi chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương cố gắng bơm nước cứu lúa; những diện tích thiếu từ 4 - 6 đợt tưới thì vận động người dân bỏ lúa không tưới nữa và hỗ trợ thiệt hại cho dân. Sở Tài chính đã hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để ứng phó với hạn hán, địa phương nào thiếu thì báo cáo tỉnh để xem xét hỗ trợ”, ong Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Vùng tưới đầm Trà Ổ với 236ha lúa nằm trên địa bàn các xã Mỹ Lợi, Mỹ Lộc và thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ) do Cty KTCTTL Bình Định đảm trách hiện tưới cũng đang bị thiếu nước nghiêm trọng.

“Thời điểm nắng nóng cao độ, mực nước trong đầm Trà Ổ xuống rất thấp nên không thể lấy nước trong đầm cứu lúa. Cty phải khẩn trương phối hợp với các địa phương nạo vét các tuyến mương dẫn từ trạm bơm Chánh Khoan bơm tưới cho 236ha lúa, nhưng đến ngày 25/7 vừa qua là đứt nước, trong khi những diện tích lúa nói trên còn cần tưới 4 lứa nước nữa mới có thể vượt hạn.

Hiện trong vùng tưới này đã có khoảng 70ha bị chết khô do nằm cuối nguồn tưới của trạm bơm. Nếu 5 - 10 ngày tới mà trên địa bàn này không có mưa thì diện tích lúa bị chết cháy nằm trong vùng tưới này sẽ tăng đến 200ha, chỉ có thể cứu được 36ha nằm gần trạm bơm Chánh Khoan. Vùng tưới này không thể dùng nước ngầm cứu lúa, bởi giếng khoan đến 2m là nước đã bị nhiễm mặn”, ông Phú cho hay.

Nhiều hồ chứa ở Bình Định trơ đáy.

Huyện Hoài Nhơn có đến 1.000ha lúa trên địa bàn 15 xã, thị trấn “ăn” nước của khu tưới đập Lại Giang cũng bị thiếu nước tưới nghiêm trọng suốt 1 tháng qua. Do nắng nóng kéo dài, dòng chảy cơ bản của sông Lại Giang xuống thấp, hụt mất 8cm nước so với mực nước dâng bình thường nên nước không thể tự chảy vào ruộng. Bên cạnh đó, lưu lượng nước trên sông Lại Giang giảm chỉ còn 2 m3/s dẫn tới 1.100ha lúa không có nước tưới.

Cách đây 1 tháng, trước tình hình hạn gay gắt, Cty KTCTTL Bình Định đã phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn mời chính quyền các địa phương về họp để thống nhất phương án chống hạn cứu lúa. Theo đó, Cty đã lắp đặt 14 trạm bơm dã chiến, mỗi trạm đặt từ 2 đến 4 máy dầu và 3 trạm bơm điện để bơm nước cứu lúa. Nhờ đó, 1.000ha nằm trong vùng tưới đập Lại Giang đã được cứu. Chỉ cần duy trì khoảng 15 ngày nữa là số diện tích lúa nói trên có thể cắt nước và an toàn chờ ngày thu hoạch.

“Tính đến nay, Cty đã chi ra 4 tỷ đồng để mua sắm thiết bị lắp đặt các trạm bơm di động, thuê công nạo vét kênh mương và chi phí nhiên liệu, tiền điện để chống hạn, kết quả đã có hàng ngàn héc ta lúa thoát cảnh bị chết cháy trên đồng”, ông Nguyễn Văn Phú cho biết.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.