| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Tháo gỡ, mở rộng liên kết sản xuất

Thứ Năm 09/06/2022 , 06:35 (GMT+7)

Vùng ĐBSCL chắc chắn sẽ có thêm nhiều hoạt động hợp tác liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nhất là sau khi đúc kết từ cả những thành công và thất bại.

Liên kết sản xuất lúa, mở rộng cánh đồng lớn ở ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn. Ảnh: Hữu Đức.

Liên kết sản xuất lúa, mở rộng cánh đồng lớn ở ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn. Ảnh: Hữu Đức.

ĐBSCL, đã qua hơn 10 năm thực tiễn thể nghiệm tiến trình liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Nhiều nông dân trong các hợp tác xã và doanh nghiệp đã và đang bắt tay hợp tác nhận rõ sự cần thiết cùng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường. Tuy nhiên, cần tháo gỡ trở ngại cho các chủ thể chính tham gia liên kết để cùng phát triển lâu dài. Điều đó không còn riêng là nỗi trăn trở của các hợp tác xã và doanh nghiệp trên con đường chuẩn hóa, phát triển ngành hàng, xây dựng thương hiệu.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An:

Cánh đồng lớn đã chứng minh hiệu quả

Trải qua hơn 10 năm, Công ty CP Trung An bền bỉ thực hiện liên kết sản xuất với nông dân các HTX, Tổ hợp tác sản xuất, hình thành mở rộng nhiều cánh đồng lớn với hơn 10.000ha ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Tôi cho rằng, liên kết sản xuất chính là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam. Nhất là trong xu thế tạo dựng thương hiệu lúa gạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cần phải bắt đầu và làm tốt từ khâu trồng trọt, sản xuất từ ngoài đồng ruộng.

Qua thực tế doanh nghiệp liên kết sản xuất với các hợp tác xã cho thấy phần lớn nông dân thành viên rất đồng tình. Lợi ích trước mắt là nông dân liên tham gia kết được doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào, được yểm trợ kỹ thuật thực hiện theo quy trình sản xuất và đặc biệt là an tâm khâu tiêu thụ khi đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp đặt hàng.

Hiện nay, ở ĐBSCL lúa gạo hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Doanh nghiệp cần nông dân để xây dựng và tạo nguồn liệu, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng cao, đủ số lượng để chủ động hàng hóa xuất khẩu. Thông qua con đường liên kết cho thấy chất lượng lúa gạo trong cánh đồng lớn không ngừng nâng cao, đạt giá trị cao. Vì lẽ đó, qua thăm dò tâm lý nhiều nông dân bên ngoài muốn vào hợp tác xã để trồng, bán lúa được giá tốt hơn.

Vừa qua ở một vài địa phương liên kết sản xuất còn gặp trục trặc là do thị trường nhất thời không ổn định. Doanh nghiệp muốn đầu tư lò sấy, silo trữ lúa hay trả tiền thu mua lúa cùng một lúc cho nông dân thì… thiếu vốn, cần vay. Song, trên hết cần thấy rằng liên kết sản xuất là nhu cầu của giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, hai bên cần nhau để cùng xây dựng cánh đồng lớn. Chúng tôi tin chắc rằng hiện tại và trong tương lai cánh đồng lớn sẽ tiếp tục mở rộng, đây là hướng sản xuất bền vững.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng:

Liên kết sản xuất, tiêu thụ tôm có bước thụt lùi

Từ năm 2014, Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Tất cả doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều tham gia. Đối tác là các hợp tác xã và tổ hợp tác của người nuôi tôm. Ban đầu tỉnh hình thành được trên 20 mối liên kết sản xuất và tiêu thụ, đến nay chỉ duy trì được 4 đầu mối. Tuy nhiên, một số hợp tác xã còn giữ liên kết bền nhằm đạt chứng nhận nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council).

Điều khó nhất trong triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nuôi tôm là có quá nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Trong khi đặc điểm thu hoạch tôm của các hộ không thu đồng loạt để đủ cho một chuyến xe tải (2 - 3 tấn/xe) của nhà máy chế biến. Hơn nữa đường nông thôn về vùng nuôi tôm còn khó khăn. Nhà máy chế biến thủy sản đã đặt hệ thống đại lý thu mua tôm tại các địa phương.

Dù vậy, vừa qua Công ty Út Xi và Hợp tác xã Nuôi tôm Toàn Thắng có sự liên kết khá suôn sẻ khi nông dân bán tôm thông qua đại lý ủy nhiệm của công ty. Liên kết sản xuất trong nuôi tôm cần có chính sách khuyến khích nông dân vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Giảng viên cao cấp Khoa Phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Giảng viên cao cấp Khoa Phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Giảng viên cao cấp Khoa Phát triển nông thôn – Trường Đại học Cần Thơ:

Bán cổ phần cho nông dân là ý tưởng hay

Trong thời gian qua, vấn đề đau đầu nhất trong liên kết sản xuất hợp tác trên cánh đồng lớn là kiểu mạnh ai nấy làm. Hai bên chủ thể chính là doanh nghiệp và hợp tác xã, có thể do giá cả thị trường nông sản bấp bênh, tăng giảm nên tạo ra mối nghi ngại của một trong hai bên, làm lung lay mối liên kết.

Tôi nghĩ rằng với ý tưởng về sự liên kết gắn với quyền lợi, lợi ích giữa hai bên với nhau, nếu thắng cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ thì liên kết mới bền vững. Muốn vậy cần có doanh nghiệp không chỉ đủ thực lực mà còn có cái tâm.

Mặt khác, có thể hiện thực hóa ý tưởng doanh nghiệp bán cổ phần cho nông dân tham gia liên kết. Đó là một cách làm gợi mở ra hướng liên kết bền chặt.

Muốn liên kết thật sự đi vào chiều sâu cần chú trọng áp dụng theo quy trình kỹ thuật sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thì mới tạo khác biệt có ý nghĩa. Còn nếu không chẳng khác nào hợp đồng “mua đứt, bán đoạn”. Ngoài chuyện làm ăn, cả doanh nghiệp và nông dân thành viên trong các hợp tác xã cần có tinh thần trách nhiệm, tạo uy tín hường đến hợp tác lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Phú Son, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

PGS.TS Nguyễn Phú Son, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

PGS.TS Nguyễn Phú Son - Khoa kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ:

Điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ

Thực tế đến nay, số lượng các liên kết thành công vẫn còn rất khiêm tốn và hầu như chưa có được một điển hình liên kết nào mang tính hiệu quả và bền vững thực sự.

Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề định giá thu mua lúa và giá cả cung cấp các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc BVTV). Đây là một bài toán chưa có lời giải trong nhiều năm qua.

Ở địa phương, các cơ quan quản lý nên phối hợp nghiên cứu, xác định cơ chế định giá sản phẩm đầu vào và đầu ra trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp và hợp tác xã (có thể chọn ở Đồng Tháp) trong một giai đoạn 2 - 3 năm. Kết quả của nghiên cứu này, theo chúng tôi, mang ý nghĩa thực tiễn lẫn ý nghĩa khoa học, không chỉ cho Đồng Tháp mà kỳ vọng sẽ được nhân rộng cho cả vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm