| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Liên kết, làm mới thấy khó

Thứ Ba 07/06/2022 , 06:16 (GMT+7)

Con đường xây dựng liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị từ thực tiễn nâng quy mô trên cánh đồng lớn có nhiều cách làm, nhưng thất bại cũng không ít.

Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Ảnh: LHV.

Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Ảnh: LHV.

Làm bài bản vẫn khó

Về đồng ruộng An Giang xanh ngát, mát mắt. Các cán bộ nông nghiệp trong vùng thừa nhận phần lớn nông dân An Giang có tinh thần hợp tác, giỏi trồng lúa nhờ nhanh nhạy trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Hơn nữa, tỉnh An Giang có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thực lực, năng động đầu tư liên kết với nông dân.

Vào những năm đầu khởi xướng phong trào liên kết sản xuất, Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty CP BVTV An Giang) tiên phong tham gia phong trào xây dựng cánh đồng lớn không chỉ ở địa bàn tỉnh An Giang mà còn có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu sang nhiều tỉnh khác trong vùng ĐBSCL.

Từ năm 2011, Tập đoàn Lộc Trời triển khai kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn, hình thành vùng nguyên liệu lúa gạo theo chuỗi giá trị sản xuất. Cụm nhà máy sấy, xay xát chế biến gạo bài bản được xây xựng tại mỗi cánh đồng lớn với quy mô hàng trăm ha. Tập đoàn Lộc Trời lên kế hoạch xây dựng 12 nhà máy, hình thành cánh đồng lớn trên quy mô diện tích 170.000ha. Dựa vào thế mạnh sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, Lộc Trời đảm bảo nguồn cung phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên những cánh đồng liên kết và thu mua lúa vào cuối vụ.

Trong 6 năm đầu tiên, cánh đồng lớn đã chứng minh về mặt lợi ích xã hội, nông dân được khách hàng đánh giá cao, tín nhiệm. Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời được người tiêu dùng trong nước lựa chọn, thu hút thêm nhiều đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt chất lượng lúa sản xuất trong cánh đồng lớn luôn có giá bán cao hơn ruộng lúa đối chứng bên ngoài.

Tuy nhiên, chuỗi liên kết của Lộc Trời cũng dần dà bộc lộ khó khăn hơn dự liệu ban đầu. Trong đó có nguyên nhân khách quan có năm tình hình thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cánh đồng lớn không đạt như kế hoạch đề ra. Phương thức thu mua lúa của Lộc Trời hồi 5 năm trước là phù hợp, nhưng về sau, theo một cán bộ phụ trách ngành lương thực của chính tập đoàn này, không điều chỉnh kịp là thất bại. Giữa tập đoàn và người nông dẫn đã chấp nhận phương thức thu mua lúa theo thời giá thị trường để cùng chia sẻ hài hòa lợi ích hoặc rủi ro.

Trong 5 năm (2011 - 2016), Lộc Trời xây dựng được 5 nhà máy và vùng nguyên liệu cánh đồng lớn tại các địa phương, với khoảng 55.000ha. Tuy vậy, chủ trương của tập đoàn từ năm 2017 điều chỉnh giảm quy mô, diện tích cánh đồng lớn, giảm còn khoảng 33.000ha để tập trung nâng chất, chọn lọc những nông dân tâm huyết làm đối tác. Riêng về phương thức thu mua, tập đoàn và nông dân sẽ thỏa thuận một mức giá chuẩn từ đầu vụ, đến cuối vụ sẽ thu mua theo giá thị trường và mỗi bên cùng chia sẻ 50% lợi ích hoặc rủi ro theo biên độ trượt giá tăng hay giảm.

Ví dụ về tổ chức liên kết sản xuất của Lộc Trời để thấy việc xây dựng cánh đồng lớn trên thực tế không hề dễ. Theo Sở NN-PTNT An Giang, trong 5 năm đầu (2011 - 2015), An Giang xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 48.700ha. Có 20/28 doanh nghiệp thực hiện hợp đồng với 14 hợp tác xã nông nghiệp, 21 tổ nông dân hợp tác.

Năm 2016, diện tích cánh đồng lớn ở An Giang giảm còn 36.220ha và 18 doanh nghiệp tham gia. Mặc dù phong trào xây dựng cánh đồng lớn được cổ vũ mạnh mẽ, nông dân và doanh nghiệp đồng tình tham gia liên kết sản xuất, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân tựu chung chỉ vì lý do giá cả thị trường lúa gạo biến động, các doanh nghiệp và nông dân chưa thương lượng tìm ra tiếng nói chung. Trong khi hợp đồng ký kết giữa hai bên chưa rõ ràng, lỏng lẻo nên ảnh hưởng đến chuyện làm ăn lâu bền.

Tìm cách thức liên kết mới

Nhìn sang liên kết sản xuất trong ngành hàng cá tra hay trái cây, hợp đồng ký kết nuôi cá gia công có các điều khoản quy định rõ ràng, từ yêu cầu vùng chăn nuôi, trồng trọt có cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi (vật tư, thức ăn thủy sản đối với cá tra có tỷ lệ quy ước) và quy cách thu mua sản phẩm khá rõ ràng, ít xảy ra tình trạng “bẻ kèo”, thưa kiện.

Trong khi đó, trong ngành hàng lúa gạo, khi nông dân thành viên trong hợp tác xã, tổ hợp tác có xu hướng tăng và tốt dần lên thì sự liên kết giữa họ với doanh nghiệp vẫn còn chậm. Con số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn chưa nhiều. Hơn nữa, doanh nghiệp nếu có tham gia ký kết hợp đồng với các hợp tác xã còn theo mùa vụ, đặt hàng sản xuất giống lúa và kèm điều kiện kỹ thuật canh tác, sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu mới thu mua.

Nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở Cần Thơ. Ảnh: LHV.

Nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở Cần Thơ. Ảnh: LHV.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho rằng, thành phố có 77.000 ha đất lúa, trong đó vùng trồng lúa chuyên canh 55.000ha tập trung quanh các quận, huyện ngoại thành. Nếu tính từ vụ hè thu 2011, Cần Thơ sớm triển khai hoạt động liên kết sản xuất, hình thành cánh đồng lớn với 400ha. Đến vụ đông xuân 2014 - 2015, trải qua 12 vụ lúa Cần Thơ hình thành được 75 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 17.600ha.

Trôi qua nhiều năm, cánh đồng lớn ở Cần Thơ duy trì mỗi vụ chưa tới 20.000ha. Tuy nhiên đến mấy năm gần đây, Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo có dấu hiệu tăng lên, hiện có 34.000ha cánh đồng lớn. Sự chuyển đổi chủ thể tham gia liên kết đang thay đổi. Mặc dù doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn tham gia liên kết sản xuất còn ít nhưng số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp vệ tinh là các doanh nghiệp tư nhân, chủ nhà máy xay xát lúa gạo đang tăng lên.

Các doanh nghiệp nhỏ tìm đến đặt hàng nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ lúa cuối vụ. Mỗi doanh nghiệp đặt hàng khoảng 500ha đến trên 1.000 ha/vụ. Cách thức liên kết sản xuất đơn giản hơn. Hợp đồng thông qua “giấy tờ” không còn quá chú trọng, phổ biến, không “đặt nặng” chuyện ký kết mà là thỏa thuận các điều kiện sản xuất, đặt niềm tin vào uy tín: Từ đặt hàng giống lúa trước khi vào vụ, yêu cầu hợp tác xã cam kết về kỹ thuật canh tác. Nông dân thành viên phải đảm bảo theo quy chuẩn sản xuất lúa tiên tiến và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của ngành nông nghiệp. Cuối vụ, doanh nghiệp đặt hàng cử nhân viên tới đồng ruộng thăm đồng lúa, kiểm tra trước khi thu mua. 

Với cách thức thay đổi này, nông dân trong các hợp tác xã có thể chủ động, “không ràng buộc” trong cách tự lựa chọn vật tư nông nghiệp đầu vào (thông thường là qua “mối lái, mua chịu” lâu nay), cung cấp từ các cửa hàng hay doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp tại địa phương. Về điều khoản mua bán thỏa thuận theo thời giá thị trường nên giảm bớt tình trạng “bẻ kèo” giao ước từ đầu vụ. Trên hết là dựa vào uy tín làm ăn giữa hai bên, “thương lượng” lợi ích và rủi ro cùng chia sẻ đảm bảo liên kết lâu bền trong tương lai. 

Theo Sở NN-PTNT Cần Thơ, hướng phát triển dâu dài là TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 5/7/2018) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó thành phố sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác nông dân, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện linh hoạt hơn để các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.