| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Liên kết khó từ đâu?

Thứ Tư 08/06/2022 , 07:28 (GMT+7)

Ở ĐBSCL, chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn chưa chặt chẽ, còn mang tính thời vụ, lợi ích cục bộ và chưa bền vững. Vì sao?

Nhiều năm qua, Công ty CP Trung An bền bỉ liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Nhiều năm qua, Công ty CP Trung An bền bỉ liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn, nhưng…

ĐBSCL, trong 5 năm qua, các địa phương trong vùng ra sức củng cố, hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã (HTX), Tổ nông dân hợp tác... thông qua lồng ghép các chương trình dự án. Nhất là tại một số tỉnh, thành, nhờ có Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), các HTX nông nghiệp kiểu mới bắt nhịp hoạt động năng nổ, đầu tư nhà kho, máy sấy, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất trên đồng ruộng để đáp ứng các điều kiện liên kết sản xuất (LKSX) với doanh nghiệp (DN).

Hiện tại, TP Cần Thơ có khoảng 20 DN cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và thu mua lúa. Các DN tham gia cánh đồng lớn (CĐL) thu mua cao hơn giá thị trường từ 50-150 đồng/kg. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các HTX phát triển CĐL, mỗi vụ trên 34.000 ha với trên 23.500 hộ nông dân tham gia. Nông dân tham gia CĐL được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến.

Thế nhưng, vấn đề cốt lõi là làm thế nào thu hút DN tham gia LKSX và hỗ trợ các HTX nông nghiệp kiểu mẫu? Vì vậy, Sở NN-PTNT Cần Thơ chọn được 4 HTX đối tác như: Khiết Tâm, Hiếu Bình, Thịnh Phát, Nhân Lợi tham gia sản xuấ lúa theo kỹ thuật SRP (Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế) đáp ứng yêu cầu tiêu thụ theo tiêu chí của Tập đoàn xuất khẩu gạo Olam.

Một số địa phương khác trong vùng ĐBSCL nhận thấy không có nhiều DN kinh doanh lúa gạo trên địa bàn nên đã năng động kêu gọi DN hợp tác LKSX. Điển hình mới đây, tỉnh Sóc Trăng mời gọi nhiều DN trong và ngoài tỉnh tham gia mở rộng quy mô CĐL. Trong đó đặc biệt chú trọng vào lợi thế nhóm các giống lúa đặc sản của tỉnh, như: Nhóm giống lúa ST (nhất là các giống lúa ST24, ST25), lúa Tài Nguyên mùa, Thơm nhẹ.

Dù có nhiều lợi thế, nhóm giống lúa đặc sản của Sóc Trăng vẫn chưa đủ điều kiện phát triển. Sản lượng lúa toàn tỉnh trên 2 triệu tấn/năm, trong đó nhóm giống lúa thơm đặc sản chiếm trên 53%. Trong khi đó, trong tỉnh chỉ có 3 DN chế biến lúa gạo xuất khẩu với quy mô khoảng hơn 20.000 tấn/năm và 19 nhà máy, cơ sở xay xát chế biến lúa gạo. Tổng sản lượng sản phẩm sơ chế, chế biến các sản phẩm từ gạo  khoảng 50.000 tấn/năm. Vì vậy, Sóc Trăng rất cần các DN ngoài tỉnh về tham gia LKSX với các HTX trong tỉnh để mở rộng CĐL.

Có thể nhận ra rằng, điểm lại trong hơn 10 năm qua, số DN “đại bàng” tham gia LKSX lúa gạo bền bỉ ngay từ buổi đầu đến nay như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Trung An… vẫn chưa nhiều. Vì sao?

Một cán bộ có thâm niên công tác trong ngành nông nghiệp tại địa phương nhận xét: Điểm mấu chốt khó nhất ở các địa phương là chưa có nhiều các DN “đầu đàn” và DN “chim sẻ” cùng tựu về tham gia LKSX. DN nào cũng cần có vùng nguyên liệu ổn định.

Trong khi đó, một số DN lại gặp khó về vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng theo mùa vụ khi đồng loạt thu hoạch lúa vào mùa chín rộ, như phương tiện vận chuyển, hệ thống thiết bị sấy, nhà kho tồn trữ đảm bảo chất lượng chế biến gạo.

Đó là chưa tính đến nhu cầu số vốn vay lưu động. Nếu DN liên kết CĐL trên 1.000 ha, sản lượng lúa thu mua 6.000-7.000 tấn/vụ, thì số vốn vay lên tới trên 40-45 tỷ đồng. Các DN “lớn thuyền” viện dẫn đó là một trong các lý do khó khăn.

Trở ngại, tồn tại từ đâu?

Theo Cục Trồng trọt, kết quả thực hiện CĐL thông qua LKSX giữa DN và các HTX ở vùng ĐBSCL có suy giảm về diện tích. Trong vụ Thu Đông 2021 chỉ đạt trên 93.470 ha, bằng 66,7% so với mức ổn định 140.000 – 150.000 ha của các vụ trước đây.

Thương lái về thu mua lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Thương lái về thu mua lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Một số khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện LKSX lúa rơi vào điều kiện SX tại một số địa phương, như: Vào vụ thu hoạch, do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi, dẫn đến các DN gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy, kho chứa đựng nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4-5 ngày mới được thu gom hết. Một số diện tích lúa quá thời điểm thu hoạch, cần 7-10 ngày công mới được cắt nên ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng.

Một vấn đề tồn tại khá phổ biến là mặc dù giữa nông dân và DN có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp DN thu mua không kịp thì nông dân bán cho thương lái bên ngoài.

Bên cạnh đó, còn có yếu tố lực lượng thương lái thu mua lúa vẫn chưa được chú trọng, chưa được gắn kết vào chuỗi LKSX ngành hàng lúa gạo.

Về các hợp đồng LKSX, hiện vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân. Ví dụ cụ thể là hợp đồng ký kết chưa được rõ ràng với nông dân; Trong hợp đồng không có sự thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ, tạp chất, thiếu chế tài khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng.

Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế, do đó tính pháp lý không cao, các bên dễ vi phạm hợp đồng.

Trong khi đó, một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình SX do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ, dẫn đến việc khó khăn trong triển khai chính sách. Từ các yếu tố trên, có thể nói, trong SX chưa có sự liên kết chặt giữa nông dân và DN.

Theo ý kiến đề xuất của Cục Trồng trọt, để việc hợp tác, LKSX đạt kết quả tốt, thời gian tới cần rà soát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; Phát triển các vùng SX nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức SX theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tỉnh Sóc Trăng xác định hiện có 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản, xây dựng 17 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Toàn tỉnh tổ chức sản xuất trên 240 CĐL với 371 tổ hợp tác và 54 HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết tiêu thụ với tổng diện tích hơn 53.170ha. Toàn bộ diện tích nói trên được sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng mô hình sản xuất lúa đặc sản theo hướng hữu cơ đang được nhân rộng với trên 2.400ha.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.