Hội nghị thượng đỉnh ảo liên minh các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra vào thứ Hai (4/5), có khả năng bao gồm cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, dự kiến sẽ cam kết gây quỹ 8,2 tỷ USD ban đầu nhằm nghiên cứu, phân phối công bằng vacxin cũng như các phương pháp điều trị dịch Covid-19.
Hội nghị diễn ra với hy vọng các nỗ lực nghiên cứu quốc gia sẽ được sắp xếp hợp lý giúp vacxin được sản xuất nhanh chóng, có thể đến với cả những nước nghèo chứ không chỉ vì lợi ích của các nền kinh tế giàu có sản xuất ra chúng.
Đáp lại lời kêu gọi, ngay tại hội nghị, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đưa ra cam kết trao 1 tỷ đô la hỗ trợ trên toàn thế giới cho bất kỳ loại vacxin nào được phát triển chống lại Covid-19 cũng như các bệnh khác.
“Đây là một vấn đề toàn cầu, cần các giải pháp chung giữa các quốc gia, không chỉ là phân phối, để mọi người đều được tiếp cận với vacxin”, bà Solberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn trước hội nghị.
Khoản tiền 1 tỷ USD sẽ được chuyển đến GAVI, Liên minh toàn cầu về vacxin và tiêm chủng, một quan hệ đối tác toàn cầu của các tổ chức tư nhân và tổ chức công tập trung vào tiêm chủng trên toàn thế giới, dưới dạng tài trợ trực tiếp cho giai đoạn 2021-2030. Na Uy đã tài trợ cho GAVI kể từ khi thành lập năm 2000.
Uy tín và lợi nhuận khổng lồ chắc chắn sẽ thuộc về quốc gia và công ty giành chiến thắng trong cuộc đua vacxin, nhưng việc cạnh tranh lại có nguy cơ trùng lặp những nỗ lực nghiên cứu, dẫn đến làm chậm quá trình và thêm chi phí.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều không tham dự sáng kiến vacxin toàn cầu được lắp ráp vội vàng trước đó do Tổ chức Y tế Thế giới khởi xướng.
Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, người luôn chỉ trích WHO và Trung Quốc về những gì ông gọi là một âm mưu nhằm che giấu nguồn gốc của virus, được kêu gọi ủng hộ hội nghị thượng đỉnh. Nhưng sự lạc quan rằng Hoa Kỳ có thể tin tưởng và tham gia sáng kiến đã suy yếu vào sáng thứ Hai (4/5).