| Hotline: 0983.970.780

Sáng lên dưới những cánh rừng: [Kỳ cuối] Tuổi 80 vẫn vác rựa vào chăm rừng gỗ quý

Thứ Tư 30/10/2024 , 07:09 (GMT+7)

Quảng Bình Hơn 30 năm cần mẫn trồng rừng, chăm sóc rừng gỗ quý, ông Đinh Xuân Niên đã có được 'vốn' rừng mà trị giá khó có thể nói lên được…

Trong một lần về xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), anh Trần Nhân Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa, bảo rừng gỗ quý của ông Đinh Xuân Niên (ở bản Hà, xã Thanh Hóa), là mô hình rừng hiếm có. “Không chỉ là tuổi đời cây rừng trên 30 năm với nhiều loại cây gỗ quý hiếm mà điều đáng ghi nhận ở đây là cánh rừng nà đang được "trông coi”, chăm sóc bởi cụ ông đã ngoài tuổi tám mươi”, anh Trần Nhân Sơn nói thêm.

Đường vào khu rừng của ông Đinh Xuân Niên. Ảnh: T. Đức.

Đường vào khu rừng của ông Đinh Xuân Niên. Ảnh: T. Đức.

Trồng rừng từ thời trai trẻ…

Chúng tôi ngồi dưới mái hiên được lợp lá rừng với những cơn gió rừng áo ạt chạy qua. Ông Niên (người dân trong vùng vẫn quen gọi ông là ông Diện, theo tên con đầu lòng của ông), rót nước mời khách, giọng ông hào hứng: “Lá cây trên rừng đó. Uống vô mát và tẩm bổ. Tui hơn tám mươi tuổi đi rừng được là nhờ quanh năm uống nước nấu lá rừng chơ”.

Ban đầu, nhìn ông người thấp nhỏ chúng tôi cũng ngại ngần khi định bụng mời ông đi lên thăm rừng. Nhưng khi thấy ông gọn gàng trong bộ quần áo xanh, vai vác cây rựa đi xe lên phía đồi sau lưng nhà thì mọi lo lắng như đã bị tan biến. Vừa đi, ông vừa rủ rỉ trò chuyện, những khi cao hứng lên, giọng ông vang vang rộn cả cánh rừng.

Ông kể cái thời đi bộ đội đánh giặc, sau khi thống nhất đất nước mới về quê lấy vợ. “Hồi nớ khổ lắm. Đói ăn đến rạc rài con người. Ai cũng vác rìu vô rừng đốn gỗ làm kế sinh nhai. Mà hồi đó gỗ rừng nhiều vô kể, toàn là những loại gỗ tốt như lim, sến, táu, hương… thôi. Tôi cũng theo bạn bè lên rừng. Gỗ kéo về bán cho người ta lấy tiền mua gạo mắm cho vợ con, cho mình đi chuyến gỗ hôm sau chớ có làm giàu, làm có chi đâu”, ông Niên vẫn đều giọng kể lại.

Hết rừng gần đến rừng xa, hết năm này sang năm khác… Gỗ quý trong rừng cứ lùi dần, lùi dần vào tận những vùng hiểm trở, những vùng lèn đá cao chắn lối… Khi đó nhìn lại thì những vạt rừng sau lưng nhà ông cũng chẳng còn. Hết lấy gỗ, người chặt củi, hết chặt củi thì chỉ còn trơ lại gốc cây với những chồi mầm lên chưa quá đầu người lớn đã bị chặt tiếp. Ông Niên chiều chiều vác rựa nhìn lên, nhìn những vạt đất màu cỏ úa loang lổ dưới nắng. “Phải trả nợ cho rừng thôi”, ông bảo lòng mình vậy.

Ông Niên bên một gốc cây lim lớn trong rừng. Ảnh: T. Đức.

Ông Niên bên một gốc cây lim lớn trong rừng. Ảnh: T. Đức.

Rồi cứ mỗi sáng, ông vác cuốc, vác rựa lên mấy quả đồi sau lưng nhà để chăm rừng. Những chồi cây lim, dẻ, táu… được ông kiếm cành khô cắm cho chặt rồi buộc lại. “Phải làm thế để người ta có lên đây thì biết là có người chăm rồi, họ không chặt mầm”- ông Niên nhớ lại. Hết chăm cây, ông Niên lại đeo gùi, cơm nắm đạp sâu vào những cánh rừng già kiếm cây non về trồng. Cứ như vậy, ông cần mẫn đi theo những mùa mưa. Mưa thì trồng cây mới sống được. Không quản sên vắt, mưa lũ rừng…Có chuyến đi xa quá, ông làn lán ngủ qua đêm giữ rừng, mai lại đeo gùi đi tiếp.

Một năm, rồi hai năm, ba năm… Mấy quả đồi sau nhà ông đã phơn phớt màu xanh. Nhưng chồi mọc lên từ gốc cũng vươn cao trong nắng gió. Những cây non đưa về trồng cũng bén rễ, đâm chồi. Những quả đồi rộng mấy chục ha không chỗ nào thiếu bàn chân ông đã đi. Đi nhiều thành lối nhỏ. Cái lối nhỏ ấy cứ vòng vèo qua hết khoảng rừng này lại vắt chéo lên đỉnh sang khoảng rừng đồi bên kia. Rành tới mức, ngồi ở nhà mà ông có thể nhắm mắt nhớ khoảng rừng nào có cây đang lên chồi, có cây cần cắm cọc buộc để gió khỏi làm gãy vì đang yếu quá…

Mười năm, hai mươi năm rồi ba mươi năm lặng lẽ qua đi dưới tán rừng. Bây giờ hơn chục ha rừng của ông như đã thành rừng tự nhiên bởi chỉ rặt toàn những loại cây bản địa quý hiếm. Trừ những lối đi ngang dọc, còn lại cây dây leo, cây sinh địa bám vào thân cây rừng. Bởi khi cây khép tán, cũng là lúc quần thể cây rừng tự nhiên hồi sinh và chim chóc, sóc rừng kéo về làm nơi trú ngụ như vương quốc riêng của mình.

Rừng quý cho mai sau…

Cũng không ít lần, tôi ghé thăm rừng của ông Niên. Lần nào ông cũng vác rựa đi trước mở đường. Mỗi lần, rừng như mỗi lạ đi vì cây dây leo rậm rạp hớn, cây rừng lớn hơn và đám chim chóc, sóc bay, gà rừng…như nhiều hơn lên.

Vùng rừng dưới chân đồi thoai thoải đẹp như trong tranh. Ảnh: T. Đức.

Vùng rừng dưới chân đồi thoai thoải đẹp như trong tranh. Ảnh: T. Đức.

Đưa chúng tôi lên mỏm đồi cao nhất, ông Niên khoát tay chỉ một vòng tròn rồi bảo hiện trong rừng có đến khoảng 2.000 cây lim, 500 cây sưa (gỗ huê), 500 cây vàng tâm cùng nhiều cây gỗ bản địa quý hiếm khác. Ông Niên bộc bạch: “Cây lim ở đây có hai nguồn. Đó là cây mọc chồi từ gốc mẹ là những cây lớn bằng vòng tay ôm của người lớn. Những cây tôi cất công đi kiếm về trồng nhỏ hơn chút, nhưng cũng có tuổi bằng nửa đời ngươi rồi. Có nhiều cây lim trị giá cũng đến vài chục hoặc gần cả trăm triệu đồng. Nói về cây lim thì tôi sở hữu về số lượng, cây có gốc lớn cũng xếp vào hàng nhất nhì trong tỉnh này”.

Điều thú vị là vào rừng ông Niên thấy như được “quy hoạch” rất rõ ràng. Vùng cây gần với mỏm đồi cao theo lối đi ngược lên dốc là nơi có nhiều cây dẻ mọc. Những gốc dẻ mẹ đẻ đến hai, ba chồi sau nhiều năm thân cây cũng lớn bằng cột nhà rường. Ra phía đồi phía sau là nơi quần thể rừng lim. Những cây lim lớn cao vọt lên phải ngửa cổ mới nhìn thấy ngọn. Từ mỏm đồi cao đi xuống qua hướng bên trái là nơi “đại bản doanh” của quần thể cây vàng tâm. Những cây vàng tâm đã bạc phếch, tán xanh rờn trước gió.

Ông Đinh Xuân Niên: 'Cây gió trầm này người ta trả rất nhiều tiền mà tôi chưa muốn bán'. Ảnh: T. Đức.

Ông Đinh Xuân Niên: “Cây gió trầm này người ta trả rất nhiều tiền mà tôi chưa muốn bán”. Ảnh: T. Đức.

Bây giờ thì ông Diện đã có thể yên tâm giao rừng cây cho con trai Đinh Xuân Diện. Anh Diện sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở các tỉnh phía Nam chẳng dành dụm được của nả gì nên về làng. Ông Niên cắt miếng đất sát nhà mình cho con. Dựng nhà thì đã có gỗ trên rừng. Những lúc trời đẹp, anh Diện theo cha lên rừng để học cách “nói chuyện”, chăm sóc rừng.

“Tôi nghe theo lời cha, tìm kiếm những cây non như lim, dẻ, táu non được nẩy mầm lên hay mọc dày thì bứng đưa đến trồng chỗ đang thưa cây. Sau này rừng sẽ đều và đẹp”, anh Diện nói.

Mấy năm gần đây, gia đình ông Niên cũng đã có thêm nguồn thu từ các sản vật rừng. Trước đó, có người đã đặt mua nấm lim xanh với giá cao. “Mỗi tháng cũng nhặt được vài ký nấm, bán giá cũng được 3 - 4 triệu đồng mỗi ký. Rừng cũng đã có nhiều cây dược liệu quý, tôi cũng đã ươm trồng thành từng vùng để cho phát triển nhiều lên là có thu nhập thôi”, ông Niên nói trong niềm vui.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Sản phẩm OCOP vươn ra thế giới nhưng lại 'mặc kẹt' ở địa phương

Nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét, bàn hành cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bình luận mới nhất