| Hotline: 0983.970.780

Sánh vai núi Chư Prông 'đứng bên mặt trời'

Thứ Sáu 21/07/2023 , 06:00 (GMT+7)

Câu chuyện có thật, đang diễn ra, được đồng bào Jrai, Bahnar, Êđê… ở Chư Prông xác nhận: cây cao su giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, ấm no hơn 40 năm qua.

Ở huyện Chư Prông (Gia Lai) có một đỉnh núi cùng tên đã đi vào trong lời hát. Nhưng, dù không có tên trong lời hát, núi Chư Prông ngàn đời nay vẫn đứng bên mặt trời. Những vườn cao su của Chư Prông cũng sánh vai nhau dưới trời cao nguyên, mạnh mẽ như núi!

Thêm một công nhân cao su, giảm bớt một hộ nghèo

Khác với Chư Mom Ray, Sa Thầy, Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông là một trong những đơn vị có bề dày lịch sử của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại Tây Nguyên. Thành lập từ năm 1977 tiền thân là nông trường quốc doanh Chư Prông quản lý, chăm sóc và khai thác những lô cao su già cỗi được trồng từ giai đoạn trước 1975, đến nay, Chư Prông đã trồng mới, phát triển quy mô lên hơn 9.000ha cao su trong nước, 4.100ha cao su tại Vương quốc Campuchia. Ngoài ra, công ty thêm 500ha diện tích cà phê, chuối và cây gối vụ. Với quy mô bề thế, Công ty cao su Chư Prông có 10 đơn vị trực thuộc gồm 7 nông trường cao su; một xí nghiệp chế biến mủ cao su, một xí nghiệp chế biến gỗ và 1 trung tâm y tế với 60 giường bệnh.

Vườn lưu niệm trong trụ sở Công ty Cao su Chư Prông. Ảnh: Kiên Trung.

Vườn lưu niệm trong trụ sở Công ty Cao su Chư Prông. Ảnh: Kiên Trung.

Điều đặc biệt hơn, cao su Chư Prông đang tạo công ăn việc làm cho 2.500 lao động, trong đó người dân tộc thiểu số, đồng bào ở Gia Lai là hơn 1.500 người, chiếm gần 62% lao động toàn công ty, chủ yếu là đồng bào Jrai. Nhiều năm qua, ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, cao su Chư Prông còn đồng hành cùng chính quyền địa phương đảm nhiệm công tác an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, bảo vệ môi trường, trồng rừng - giữ rừng và an ninh quốc phòng khu vực vùng biên.

Đi giữa rừng cao su thuộc Nông trường Thống Nhất, ông Trần Văn Tiến (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Chư Prông) nói vắn tắt với tôi những thông tin trích ngang về đơn vị cùng tên với đỉnh núi Chư Prông “đứng bên mặt trời” ở đất Gia Lai.

Điều khiến tôi nhớ hơn cả, đó là nhận định như được đúc kết từ gan ruột của người cán bộ có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với cây cao su Chư Prông: “Ở Tây Nguyên, có thêm một công nhân cao su đồng nghĩa với việc giảm bớt một hộ nghèo”, ông Tiến nói.

Cao su của Nông trường Thống Nhất (Công ty Cao su Chư Prông). Ảnh: Kiên Trung.

Cao su của Nông trường Thống Nhất (Công ty Cao su Chư Prông). Ảnh: Kiên Trung.

Đó không phải là khẩu hiệu, không phải là những sử thi, huyền thoại bên bếp lửa, trong ngôi nhà Rông, nhà Dài già làng kể Khan cho nhau nghe. Đó là câu chuyện có thật, đang diễn ra, được người Jrai, Bahnar, Êđê… khắp các buôn làng Tây Nguyên xác nhận: cây cao su đã giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, ấm no trong hơn 40 năm qua.

9h sáng. Rừng cao su Nông trường Thống Nhất lặng im. Chỉ có gió và tán lá xào xạc. Con đường đất đỏ xuyên qua cánh rừng được lúc thư thái, như người nằm im tắm nắng sớm. Những hàng cao su đều tăm tắp của nông trường đều được trồng đồng loạt trong hai năm 2006, 2007 đang lên bời bời. Mới qua đợt thay lá sau tháng 4, tiếp tục được những cơn mưa đầu mùa tưới tắm khiến chúng trở nên mỡ màng, bóng bẩy, hệt như những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đang căng tràn nhựa sống.

Ông Tiến giải thích: “Thời điểm thu mủ tốt nhất của cây cao su là trong đầu giờ buổi sáng. Theo đặc điểm sinh học của cây, đây là thời điểm cây đẩy mủ nhiều nhất, chất lượng mủ cao nhất. Chính vì thế, công nhân thường bắt đầu đi cạo từ 3h sáng, mỗi người mang trên đầu một chiếc đèn pin như đèn của người thợ mỏ.

Rừng cao su của Nông trường Thống Nhất (Công ty cao su Chư Prông). Ảnh: Kiên Trung.

Rừng cao su của Nông trường Thống Nhất (Công ty cao su Chư Prông). Ảnh: Kiên Trung.

Rơ Lan Hbem, cô gái Jrai 24 tuổi, nhà ở làng Ó, xã Ia Drang - công nhân thu mủ của Nông trường Thống Nhất. Ảnh: Kiên Trung.

Rơ Lan Hbem, cô gái Jrai 24 tuổi, nhà ở làng Ó, xã Ia Drang - công nhân thu mủ của Nông trường Thống Nhất. Ảnh: Kiên Trung.

Việc cạo mủ phải kết thúc trước khi mặt trời lên, chừng 6 - 7h sáng. Chừng vài tiếng sau, từ khoảng 9h trở đi là công đoạn thu mủ, các xe chở mủ chuyên dụng sẽ đến điểm tập kết mủ để tiếp nhận, đưa về khu chế biến. Người công nhân cạo mủ hoàn tất việc vào khoảng 11h trưa, buổi chiều họ được nghỉ. Quy trình này lặp lại vào sáng ngày hôm sau”.

Đó là lý do, ba chiếc lán dựng giữa rừng cao su ngay ngã tư có tấm biển “Nông trường Thống Nhất” - vị trí đẹp nhất của con đường đất đỏ mịn màng này, không khí thật yên bình. Chỉ một lát nữa thôi, những công nhân xong phần việc buổi sáng sẽ mang các dụng cụ lao động về cất trong kho chứa dụng cụ, khung cảnh sẽ nhộn nhịp tựa như những chú ong thợ ào về tổ…

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn công ty cao su Chư Prông. Ảnh: Kiên Trung.
Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Chư Prông bên miệng cạo. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Chư Prông bên miệng cạo. Ảnh: Kiên Trung.

Rơ Lan Beng, thiếu nữ Jrai 24 tuổi, nhà ở làng Ó, xã Ia Drang. Rơ Lan Beng làm công nhân thu mủ của nông trường được 4 năm. Khoảng thời gian đợi công nhân dồn mủ cao su từ các lô về kho chứa, và đợi xe téc thu mủ của công ty đến, Beng được dịp nghỉ ngơi. Em ngồi trên chiếc ghế đá giữa rừng, gương mặt thiếu nữ Jrai xinh đẹp ngắm vô ưu những tán rừng cao su đã quá đỗi thân thuộc, những con đường cao su trở nên hun hút, thăm thẳm. Phía trước, phía sau, bên phải, bên trái Rơ Lan Beng, đâu cũng là những vạt cao su mơn mởn.

Được một lát, xe thu mủ đi tới, Rơ Lan Beng rời chiếc ghế đá, sải những bước mạnh mẽ và dứt khoát ra chỗ đống mủ khô tích thành một đống lớn từ sáng tới giờ trên nền sân láng xi măng khu vực kho tập kết. Chỗ mủ này ước chừng hơn 2 tấn, đóng thành từng cục trắng xốp và dẻo, với mùi khăn khẳn đặc trưng của nhựa cây đang phân hủy, lên men. Đã quen với công việc, Rơ Lan Beng cùng một công nhân khác nhặt từng tảng nhựa ném lên thùng xe, gọn gàng và chính xác...

Rơ Lan Beng (bên phải) trong vườn cao su.

Rơ Lan Beng (bên phải) trong vườn cao su.

Giữ nồi cơm đồng bào luôn đầy

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty cao su Chư Prông, trong những năm qua, cao su Chư Prông luôn nhất nguyên các chính sách để tạo công ăn việc làm ổn định, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại địa phương.

Nữ công nhân người Jrai hoàn thành công việc cuối giờ sáng sau khi đã thu mủ cao su. Ảnh: Kiên Trung.

Nữ công nhân người Jrai hoàn thành công việc cuối giờ sáng sau khi đã thu mủ cao su. Ảnh: Kiên Trung.

“Mấy năm gần đây, mặc dù giá mủ cao su luôn ở mức thấp và không ổn định, suất đầu tư cho cao su bị cắt giảm, phải tiết giảm các chi phí không thiết yếu để giảm giá thành sản phẩm nhưng Chư Prông vẫn cố gắng giữ nguyên đơn giá tiền lương để đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Đối với công nhân là người đồng bào dân tộc (chủ yếu là người Jrai tập trung trên địa bàn huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai), các chính sách ưu tiên khi tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực. Chúng tôi thường xuyên mở các lớp đào tạo tay nghề để đồng bào dân tộc tại chỗ gắn bó với doanh nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ đúng quy trình kỹ thuật, dạy đồng bào các phương pháp áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh vườn cây để tăng sản lượng, tăng năng suất lao động từ đó tăng thu nhập cho người lao động”, ông Kiên trao đổi.

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Chư Prông tới thăm gia đình công nhân nông trường Thống Nhất tại làng Ó, xã Ia Drang. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Chư Prông tới thăm gia đình công nhân nông trường Thống Nhất tại làng Ó, xã Ia Drang. Ảnh: Kiên Trung.

Sáng kiến “giúp nhau làm công nhân giỏi” đang được đẩy mạnh tại Công ty Cao su Chư Prông. Người có ý tưởng này là ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch công đoàn Công ty. Đứng giữa rừng cao su Nông trường Thống nhất do Đội sản xuất số 8 quản lý, ông Tiến giải thích: “Thực tế, đồng bào địa phương tay nghề, năng suất bao giờ cũng thấp hơn, chậm hơn so với mặt bằng chung. Một người thợ khá giỏi có thể cạo được 90 lít mủ, nhưng người đồng bào chỉ đạt 60 lít.

Khoảng cách chênh lệch khá lớn đó chính là chênh lệch về thu nhập, bởi tất cả các đơn vị cao su tại Tây Nguyên đều đang thực hiện cơ chế giao khoán lô, khoán đầu cây để chăm sóc, thu cạo và giao khoán sản lượng. Sản lượng thấp, thu nhập sẽ không cao. Nếu đồng bào không hiểu sẽ nghĩ công ty có sự thiên vị hay đối xử không công bằng. Quan trọng nhất, đó là làm mọi cách để giữ cho nồi cơm của đồng bào luôn đầy”.

Một trong những kế sách “giữ cho nồi cơm đồng bào luôn đầy” đó là phong trào giúp nhau về kỹ thuật, người thợ giỏi, khá được giao kèm cặp, chỉ dẫn, dạy những người yếu hơn trong việc cạo mủ, chăm sóc cây.

Thiếu nữ Jrai ở làng Ó, xã Ia Drang. Ảnh: Tùng Đinh.

Thiếu nữ Jrai ở làng Ó, xã Ia Drang. Ảnh: Tùng Đinh.

Các tổ đội sản xuất sẽ giao mỗi công nhân khá giỏi kèm cặp 2 - 3 công nhân yếu để giúp nhau cùng nâng cao tay nghề, cùng trở thành thợ khá, giỏi. Đây cũng được đưa thành chỉ tiêu để đánh giá, bình xét cuối năm để xếp loại công nhân. Người được giao kèm cặp công nhân yếu kém mà không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được khen thưởng cuối năm. Chưa hết, mỗi tổ sản xuất giữ lại 5% thu nhập của mỗi công nhân để làm phần thưởng cho công nhân có thành tích theo tháng, theo quý. Ai không muốn “mất” 5% số tiền bị giữ lại, sẽ cố gắng không bị tụt lại thành công nhân yếu kém.

Phong trào đó đã mang lại hiệu quả thực sự. Một không khí giúp nhau thành thợ giỏi đã lan tỏa khắp các nông trường. Đến nay, 100 thợ yếu kém đã được đồng nghiệp dìu dắt trở thành công nhân giỏi. Công ty cũng bố trí kinh phí 1,2 tỷ đồng mỗi năm dành cho việc đào tạo nghề cho công nhân và gia đình công nhân là người đồng bào địa phương.

Hình ảnh đời thường của các công nhân Nông trường Thống Nhất.

Hình ảnh đời thường của các công nhân Nông trường Thống Nhất.

Trong những ngày nghỉ hè, bé gái Jrai theo mẹ vào vườn cao su. Ảnh: Kiên Trung.

Trong những ngày nghỉ hè, bé gái Jrai theo mẹ vào vườn cao su. Ảnh: Kiên Trung.

Những đàn ong trên Nông trường Thống Nhất từ các lô cao su đổ về khu vực lán trại tập kết của nông trường. Ảnh: Kiên Trung.
'Những đàn ong' trên Nông trường Thống Nhất từ các lô cao su đổ về khu vực lán trại tập kết của nông trường. Ảnh: Tùng Đinh.

"Những đàn ong" trên Nông trường Thống Nhất từ các lô cao su đổ về khu vực lán trại tập kết của nông trường. Ảnh: Tùng Đinh.

“Công ty hiện nay đã có nhiều gia đình 2 - 3 thế hệ làm công nhân trong nông trường. Giai đoạn trước năm 1990, đồng bào vẫn con tập tục du canh du cư, thế nhưng, khi có cây cao su, có công việc ổn định, tập tục này đã được xóa bỏ.

Có những gia đình đồng bào Jrai ở làng Ó, làng La, làng Tung (xã Ia Drang), các buôn K Lũ, K Lá, người dân vào nông trường từ năm 1977. Khi công ty mở hai nông trường mới An Phú, An Biên tại các xã giáp biên, cách xa buôn 50 - 60km, đồng bào vẫn xung phong vào nông trường mới. Điều đó cho thấy nhận thức của người dân đã thực sự thay đổi, chính sách an sinh xã hội đã thẩm thấu, thấm nhuần và mang lại hiệu quả thực chất”, Chủ tịch Công đoàn công ty Cao su Chư Prông Trần Văn Tiến chia sẻ.

Lá cờ đầu của ngành cao su

Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Công ty cao su Chư Prông đang là lá cờ đầu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Năm 2005, Công ty được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Huân chương Độc lập hạng Nhì (2014), hạng Ba (2006); Huân chương Lao động hạng Nhất (2003), hạng Nhì (1996), hạng Ba (1993); các Huân chương Chiến công; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.

Trong 3 năm liên tiếp từ 2020 đến nay, cao su Chư Prông luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng do Tập đoàn đặt ra. Năm 2020 đạt 7.166,1 tấn (vượt 103,8% kế hoạch giao, về đích sớm 15 ngày). Năm 2021, sản lượng đạt 8.145 tấn, vượt 116,36% kế hoạch, về đích trước 38 ngày. Năm 2022 đạt sản lượng 9.374,7 tấn đạt 124,3% kế hoạch, về đích sớm 52 ngày. Tổng sản lượng mủ cao su năm 2022 thu hoạch 24.540 tấn, tổng doanh thu gần 1.000 tỷ trong đó doanh thu cao su đạt 679,14 tỷ đồng.

Công ty hiện có 2.500 lao động, trong đó hơn 63% là đồng bào người Jrai, Bahnar, Êđê và đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mường, Tày, Nùng... Mức lương bình quân năm 2022 mỗi công nhân đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng; tổng thu nhập bình quân 9,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thu nhập từ cao su, công ty động viên người lao động tăng gia làm kinh tế, trồng các loại cây lâm nghiệp như cà phê, điều, tiêu... để có thêm thu nhập, từng bước làm giàu trên đất Tây Nguyên.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.