| Hotline: 0983.970.780

Sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chính sách mới cho ngành cao su

Thứ Tư 06/11/2019 , 19:53 (GMT+7)

Những chính sách mới này nhằm giúp ngành cao su tiếp tục phát huy tốt thế mạnh vốn có của mình...

Ngày 6/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Phát triển cao su Việt Nam hiệu quả, bền vững đến năm 2030”.

Ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương - phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao su ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông lâm nghiệp Việt Nam, là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Phát triển cây cao su còn giúp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và vùng Tây Bắc.

Tuy nhiên, ngành cao su ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức: diện tích cao su tăng nhanh, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp, có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn, như gió, bão, rét đậm kéo dài; giá cao su trên thị trường thế giới từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp, đang là thách thức đối với ngành cao su. Sản phẩm cao su chế biến của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc....

Ngành cao su có vị trí, vai trò quan trọng nên cần có chính sách phát triển phù hợp với tình hình mới.

Với vị trí và tầm quan trọng của ngành cao su Việt Nam, đặt ra yêu cầu cần đề xuất chủ trương, chính sách phát triển ngành cao su bền vững, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của ngành cao su trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách đối với ngành cao su. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có những quyết sách nhằm tiếp tục phát triển bền vững ngành kinh tế quan trọng này.

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã nêu 8 kiến nghị với Ban Kinh tế Trung ương, cụ thể:

Về quy hoạch diện tích cao su: Giữ nguyên quy hoạch phát triển cao su theo quyết định 750/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển cao su đến năm 2020; giảm diện tích cao su ở những khu vực có điều kiện thuận lợi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn và phát triển các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ ở các địa phương.

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG nêu kiến nghị, giải pháp cho ngành cao su.

Về quỹ khắc phục thiên tai, phòng chống bão lụt: Kiến nghị cho phép sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tập đoàn (khoảng từ 3 -5%) hình thành nên quỹ tập trung (nằm trong quỹ đầu tư phát triển) nhằm mục đích hỗ trợ không hoàn lại các doanh nghiệp trong vùng cao su thông qua việc hỗ trợ thu nhập cho người lao động, các hoạt động an sinh xã hội, công tác an ninh quốc phòng, công tác khắc phục thiên tai cho các công ty của Tập đoàn, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn khó khăn.

Về hạch toán bán gỗ, củi cây cao su: Kiến nghị xem xét và chấp thuận cho các công ty thành viên Tập đoàn được phép hạch toán các khoản thu từ bán gỗ, củi cao su sau khi thu hoạch mủ chỉ là sản phẩm thông thường như những cây rừng khác … (sản phẩm lâm nghiệp) cũng như được ưu đãi về thuế như sản phẩm mủ cao su (nếu có).

Sản phẩm cao su xuất khẩu của VRG.

Về hỗ trợ tài chính các dự án đầu tư: Kiến nghị các đơn vị có dự án đầu tư tại nước ngoài được phép vay vốn của các ngân hàng thương mại trong nước là đồng USD, sau đó tái cho vay qua nước ngoài với lãi suất tương ứng thì sẽ giảm thiểu chi phí tài chính cho doanh nghiệp (thực chất là lợi ích từ việc chênh lệch lãi suất vay giữa các quốc gia).

Về miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản từ năm 2021 trở về sau.

Về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn:  Tiếp tục thực hiện các chính sách hổ trợ cho người lao động Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, không giới hạn thời gian chỉ hỗ trợ 5 năm như hiện nay.

Sản phẩm lốp xe chất lượng cao của VRG.

Về chuyển đổi các công ty khu vực miền núi phía Bắc thành doanh nghiệp xã hội: Kiến nghị được áp dụng cơ chế doanh nghiệp xã hội đối với các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc để giảm áp lực trong việc đánh giá việc sử dụng vốn của các cổ đông và có điều kiện để hỗ trợ tốt hơn cho địa phương và người lao động.

Về chuyển đổi quỹ đất trồng cao su cho các mục đích khác: Đối với các dự án thực hiện trên đất cao su, kiến nghị được chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án khi các công ty cao su đủ năng lực thực hiện dự án, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo tinh thần điều 57, 58,59 của luật đất đai 2013...

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.