Liên kết 5 tỉnh, xây dựng 34 chuỗi cung ứng thịt heo cho thành phố
Chiều 14/8, Sở Công Thương TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã ký kết hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo TP.HCM.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, nếu 1 ngày người dân TP.HCM dùng 100gr thịt, tương đương với toàn thành phố sẽ tiêu thụ 120.000-130.000 tấn thịt/ngày (heo, bò, gà).
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ 10.000 con heo (tương đương 800 tấn thịt); 400-500 con bò (tương đương 120 tấn) và 125.000 con già cầm (tương đương 250 tấn). Trong đó, thịt heo chiếm 75%.
Với 5 cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp, mỗi ngày có thể giết mổ 5.000-5.500 con heo cung ứng cho toàn thành phố với quy trình đảm bảo ATTP, nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thú y chặt chẽ...
"Như vậy, đặt ra câu hỏi, còn lại khoảng 4.500 con heo của các tỉnh thành thì ai sẽ kiểm soát", ông Phú nói và cho biết thêm, Sở NN-PTNT đã làm việc với 5 tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang để xây dựng 34 chuỗi cung ứng thịt heo cho thành phố.
34 chuỗi cung ứng này mỗi ngày giải quyết được gần 1.500 con heo ở các tỉnh thành đưa về. Vẫn còn 3.000 con heo chưa tham gia chuỗi, khiến cho các trạm kiểm dịch ở các đầu mối cửa ngõ giao thông của thành phố phải làm nhiệm vụ kiểm soát cao hơn, nghiêm ngặt hơn", Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM phân tích và cho biết, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu tiếp tục xây dựng những chuỗi thịt heo để từ người chăn nuôi tại các tỉnh thành khác khi chuyển về thành phố tiếp tục được giám sát chặt chẽ.
Giúp người chăn nuôi tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, hiệu quả của sàn giao dịch thịt heo sẽ khắc phục được việc phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, nông dân được quyền quyết định giá bán. Hàng hóa thông qua sàn sẽ đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cao hơn.
"Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt heo rất lớn. Nếu chúng ta có chiến lược sản xuất, khai thác cung ứng thì Trung Quốc cũng sẽ là nơi hỗ trợ chăn nuôi của Việt Nam. Sàn giao dịch chính là nơi hỗ trợ xuất khẩu tốt nhất”, ông Phương cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, phương thức giao dịch hàng hóa qua sàn đã được TP.HCM và một số tỉnh thành triển khai nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi đóng cửa vì chưa mang lại hiệu quả.
“Việc Sở Công thương TP.HCM hợp tác với Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam triển khai các sàn giao dịch hàng hóa, trước mắt là sàn giao dịch thịt heo sẽ mang lại nhiều lợi ích như hạn chế tầng lớp trung gian; tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu; bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa…”, ông Hòa nhìn nhận.
Theo ông Hòa, TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi khi mở sàn giao dịch thịt heo. Đó là thành phố có chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo; có 2 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền; có kênh phân phối hiện đại; tập trung những công ty, trang trại nuôi heo lớn. Khi lên sàn, giá cả được công khai trên sàn, người có đủ điều kiện giao dịch đều tham gia vào đây.
“Đây là hướng đi đúng và cần được triển khai nhanh. Tuy nhiên, để tổ chức được sàn giao dịch thịt heo thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan”, ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sàn giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho hay, lợi ích của sàn giao dịch thịt heo giúp cho người chăn nuôi tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo; được định hướng sản xuất phù hợp thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhận được lợi ích nhiều hơn từ chuỗi giá thị các mặt hàng thịt heo.
Thương nhân kinh doanh thịt heo, được cung cấp công cụ giao dịch mua - bán theo phương thức hiện đại, hiệu quả; tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng mặt hàng thịt heo.
Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm, đúng giá trị sản phẩm…
"Sàn giao dịch thịt heo vận hành theo phương thức tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, tương thích và có thể liên thông thị trường hàng hóa thế giới. Vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thực trạng chăn nuôi và kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP.HCM, khu vực phía Nam và cả nước.
Qua đó, sẽ giúp nâng cấp thị trường thịt heo; bình ổn thị trường thông qua quy luật cung cầu, thông tin minh bạch; kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm; kiểm soát kiểm dịch thú y và tăng thu ngân sách từ chuỗi cung ứng các mặt hàng thịt heo…", ông Dũng cho hay.