Thông tin trên do Trung tâm Giới thiệu Trưng bày Đặc sản và Du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội cung cấp.
Theo đó, Dự án được hình thành với mục tiêu kết nối tất cả các thành phần tham gia trong vòng tuần hoàn lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung với các đầu mối thương mại trên cả nước từ đó tạo ra một nền tảng công nghệ hữu ích và mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho cây lúa.
Khi Dự án chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn cho ngành lúa gạo và mang lại các lợi ích thiết thực cho các đơn vị, doanh nghiệp tham ra giao dịch trên Sàn. Trong đó nổi bật là các lợi ích như cung cấp thông tin mua bán minh bạch, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tối ưu chi phí kho bãi và vận chuyển, cung cấp các giải pháp tài chính đảm bảo giao dịch an toàn và đúng pháp luật.
Dự án sẽ quy tụ sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất , chế biến và kinh doanh lúa gạo và sản phẩm chế biến sâu từ phụ phẩm ngành gạo.
Dự án được đầu tư và vận hành bởi Công ty Cổ phần Chỉ số Nông nghiệp (Agri index). Sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ được tư vấn mô hình hoạt động bởi Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp và hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nghiệp tham gia bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp.
Dự án đã có 6 tháng nghiên cứu tiền khả thi trước khi chính thức công bố xây dựng mô hình. Trong giai đoạn này Ban điều hành Dự án đã tổ chức nhiều cuộc họp với các thành phần kinh tế tham gia trong vòng tuần hoàn giá trị của cây lúa bao gồm: doanh nghiệp sản xuất và chế biến lúa gạo, doanh nghiệp ép dầu cám gạo, doanh nghiệp sản xuất trấu viên và các doanh nghiệp thu mua phụ phẩm ngành gạo để chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Bên cạnh đó Ban điều hành cũng lập các đoàn công tác xuống trực tiếp các doanh nghiệp để tìm hiểu về nhu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên giữa các doanh nghiệp trong vòng tuần hoàn từ đó nghiên cứu xây dựng nền tảng công nghệ hỗ trợ tốt nhất giúp tối ưu chi phí cho các doanh nghiệp.
Sau 6 tháng nghiên cứu tiền khả thi, Ban điều hành đã thuyết phục được 125 doanh nghiệp phía Nam và 16 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phía Bắc tham gia xây dựng Dự án với vai trò đóng góp ý kiến để hoàn thành mô hình Sàn giao dịch thương mại điện tử. Sự tham gia đông đảo và tích cực của các doanh nghiệp đã chứng tỏ tính thiết thực của việc vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử Gạo và phụ phẩm ngành Gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, Lễ công bố khởi động Dự án được tổ chức vào ngày 19/12 tới đây tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự đồng hành của tập thể hơn 100 doanh nghiệp trong việc cùng nghiên cứu xây dựng mô hình và vận hành thử nghiệm để tối ưu hóa các chức năng của Sàn giao dịch thương mại điện tử trong tương lai.
Trong buổi lễ các đơn vị tham gia xây dựng Dự án sẽ được cấp tài khoản để đăng nhập và sử dụng thử nghiệm các tính năng của Sàn trong giao dịch hàng hóa. Điểm đặc biệt của buổi thử nghiệm này là các doanh nghiệp tham gia buổi lễ sẽ lên đơn và tìm kiếm sản phẩn theo đúng nhu cầu mà doanh nghiệp mình mong muốn và toàn bộ quá trình giao dịch sẽ được hỗ trợ bởi các tính năng thông minh được lập trình trên Sàn giao dịch thương mại điện tử.
Kết quả của phiên giao dịch thử nghiệm sẽ phản ánh được rõ nét tính khả thi của mô hình Sàn giao dịch thương mại điện tử tuần hoàn. Giai đoạn vận hành thử nghiệm sẽ diễn ra trong 6 tháng với lượng giao dịch hạn chế trong quy mô các doanh nghiệp tham gia vận hành thử nghiệm. Kết thúc giai đoạn thử nghiệm giao diện hoàn thiện cuối cùng sẽ được gửi xin đăng ký cấp phép Sàn giao dịch thương mại điện tử với Bộ Công Thương trước khi chính thức ra mắt thị trường.
Dự kiến, tháng 6/2023, sau khi hoàn thiện các tính năng và được cấp phép bởi Bộ Công Thương, Sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ chính thức đi vào vận hành và được công bố rộng rãi trong Lễ ra mắt Sàn.