| Hotline: 0983.970.780

Tăng lợi nhuận, tốt môi trường từ 300 ha lúa hướng hữu cơ

Thứ Tư 30/11/2022 , 10:27 (GMT+7)

Đồng Tháp Cánh đồng lúa trải dài tít tắp đang chín, xuyên giữa màu vàng ruộm một góc trời ấy là con đường bê tông 2 bên nở đầy các loại hoa. Khung cảnh đẹp như tranh.

Đó là cánh đồng lúa hơn 300ha canh tác theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Cánh đồng lúa bờ hoa của HTX Nông nghiệp Phú Thọ đẹp như tranh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cánh đồng lúa bờ hoa của HTX Nông nghiệp Phú Thọ đẹp như tranh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo chân một số thành viên HTX tham quan đồng lúa, tôi được anh Nguyễn Văn Tâm, 49 tuổi, thành viên HTX Nông nghiệp Phú Thọ cho biết, gia đình anh có hơn 13ha đất lúa, trong đó có hơn 9ha tham gia 3 mô hình canh tác theo hướng hữu cơ của 3 đơn vị. Cụ thể, 3,7ha canh tác theo quy trình hữu cơ sinh học, đây là dự án trồng lúa sạch của phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông, 4,5ha tham gia “mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP” (The standards of sustainable rice platform). Đây là dự án do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Đồng Tháp thực hiện cùng sự tham gia của một số tổ chức khác. Ngoài ra, còn 1ha khác cũng canh tác theo hướng hữu cơ, nhưng do một doanh nghiệp ở phía Bắc thực hiện. Ngoài ra, anh còn có 4ha lúa khác ở một cánh đồng 2 vụ, canh tác theo quy trình truyền thống.

Anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ: 'Mô hình sản xuất lúa sạch cho thấy rất nhiều lợi ích lâu dài'. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ: "Mô hình sản xuất lúa sạch cho thấy rất nhiều lợi ích lâu dài". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Tâm cho biết, các mô hình này anh và các thành viên HTX đã tham gia từ 2-4 vụ. Nhờ được tài trợ từ 30 - 50% kinh phí tuỳ chương trình, đặc biệt là được hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình, nên lợi nhuận đạt cao hơn. “Riêng mô hình lúa hữu cơ sinh học, canh tác theo quy trình hữu cơ, không dùng bất cứ chế phẩm gì, nên năng suất không cao. Ngoài ra, có lẽ mô hình của đơn vị nhà nước, không có chức năng kinh doanh nên không bao tiêu sản phẩm. Vì thế, dù lúa sạch, nhưng chưa có thương hiệu nên đầu ra vẫn theo thị trường. Trong khi tham gia mô hình của doanh nghiệp, ngoài việc được bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp còn hỗ trợ bà con thêm 10% giá thị trường”, anh Tâm nói.

Theo anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội nông dân xã An Long, cái lợi lớn nhất của bà con khi canh tác theo các quy trình này là sẽ cho sản phẩm lúa ngày càng sạch hơn. Vì không dùng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, môi trường ngày càng sạch hơn, càng giảm độc hại cho con người. Nếu cứ canh tác theo hướng này, không lâu nữa sẽ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. “Tham gia mô hình này, bà con được hỗ trợ kỹ thuật gieo sạ cụm. Ngày xưa bà con sạ tay, người thích dày, người thích mỏng, một sào lớn (1.300m2), có người sạ 20, 25kg, thậm chí có người sạ tới 30kg giống. Trong khi sạ cụm bằng máy, định lượng mỗi cụm chỉ từ 7-10 hạt giống, vì thế, 1ha chỉ tốn từ 50 - 60kg giống. Ngoài ra, tham gia mô hình, ví dụ như SRP, bà con sẽ được cấp giấy chứng nhận lúa canh tác theo quy trình sạch, tức sản phẩm có thương hiệu. Từ đó, giúp đầu ra sản phẩm thuận lợi hơn nhiều”, anh Tánh nói.

Hệ thống cảm ứng về giám sát sâu rầy ở đồng lúa HTX Phú Thọ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hệ thống cảm ứng về giám sát sâu rầy ở đồng lúa HTX Phú Thọ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Trần Văn Dí, thành viên HTX cho biết, HTX có 36 thành viên, tổng diện tích ban đầu 350ha, nhưng có một số hộ móc hầm nuôi cá, nên diện tích hiện con khoảng 340ha. Giống lúa chính của HTX là Đài thơm 8, OM 5451 và nếp, gieo sạ hàng 120kg/ha. Các mô hình đã canh từ 3-4 vụ, năng suất khá cao, đạt từ 7 - 8 tấn/ha, tuỳ vụ Hè - Thu hay Đông - Xuân.

“Khi tham gia mô hình, bà con được hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng các loại phân bón, thuốc trừ sâu mà hồi canh tác truyền thống bà con vẫn dùng. Ngoài ra, phương thức sản xuất này còn giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt ngay từ đầu. Dù không phun xịt gì nhưng rất ít sâu bệnh. Tham gia mô hình, dự các lớp tập huấn, hướng dẫn, chúng tôi mới hiểu thêm nhiều vấn đề. Quan trọng nhất trong số những lợi ích đạt được là giúp môi trường đất sạch hơn, vi sinh vật có lợi phát triển tốt, sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cũng ổn định hơn”, ông Dí nói.

Anh Nguyễn Văn Tâm, thành viên HTX Phú Thọ: 'Từ nay tôi sẽ canh tác lúa, trồng cây ăn trái theo hướng sạch, dù có sự hỗ trợ của các chương trình hay không'. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Nguyễn Văn Tâm, thành viên HTX Phú Thọ: "Từ nay tôi sẽ canh tác lúa, trồng cây ăn trái theo hướng sạch, dù có sự hỗ trợ của các chương trình hay không". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nhận định về hiệu quả quy trình sản xuất lúa sạch, anh Đinh Công Tánh cho biết, cánh đồng mô hình của HTX Phú Thọ từ mấy năm nay, nhất là khi tham gia mô hình sản xuất hữu cơ, luôn đạt năng suất cao hơn từ 10 - 15% so với cách canh tác cũ. Như vụ hè thu 2021, năng suất đạt từ 6,5 - 6,7 tấn/ha; vụ đông xuân 2021 – 2022, đạt 8 tấn/ha. Ngoài ra, canh tác theo hướng hữu cơ còn cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh, trổ tập trung..., đất và môi trường ngày càng được cải thiện hơn.

“Theo đề án của tỉnh, huyện là sẽ phát triển thêm nhiều diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ, tiến tới hữu cơ. Một yếu tố quan trọng là địa phương có những cánh đồng lúa tập trung rộng hàng trăm ha, nên việc phát triển các mô hình sản xuất lúa sạch cũng tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo quy trình của mô hình đã chứng minh năng suất không giảm, trái lại còn cao hơn. Trong khi chi phí lại giảm. Đây là những tiền đề rất tốt để hướng tới một nền nông nghiệp sạch”, anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng thêm 2.000ha chuối trong năm 2024

TP.HCM Bầu Đức cho biết, năm 2024 không thoái vốn, cố gắng xóa nợ và rất thận trọng trong đầu tư, tiếp tục kiên trì với 'hai cây, một con' gồm chuối, sầu riêng và heo.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất