| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tư duy để đột phá trong nghiên cứu khoa học, công nghệ

Thứ Năm 16/01/2025 , 19:39 (GMT+7)

Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Thừa nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là động lực phát triển giải pháp sáng tạo, đề xuất đột phá.

 

Các diễn giả tham gia tọa đàm trong khuôn khổ toạ đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

Các diễn giả tham gia tọa đàm trong khuôn khổ toạ đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 16/1, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm “Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá” nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ. 

Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong chính sách và bộ máy tổ chức để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 

Theo ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là luồng gió mới, mang động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là luồng gió mới, mang động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại tọa đàm, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" là một luồng gió mới, mang đến động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học và các tổ chức khoa học công nghệ”.

Không chỉ cởi trói cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng mức đầu tư công cho nghiên cứu khoa học công nghệ, Nghị quyết 57 cho phép các viện trường thành lập doanh nghiệp. Như vậy, tác giả của giống cây trồng, công nghệ, hoặc các viện, trường có thể trực tiếp thành lập doanh nghiệp, áp dụng cơ chế thị trường để chuyển giao sản phẩm mà không gặp phải rào cản.

Trên cơ sở đó, GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đề xuất xem xét trao nhiều quyền hơn để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có thể chủ động trong triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

“Bên cạnh ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp, các cơ quan, tổ chức cần mở rộng hợp tác công - tư, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

Thời gian tới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ tập trung phát triển công nghệ gen để tạo ra giống cây rừng mới năng suất cao, chống chịu tốt các điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhân giống cây rừng và đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý", GS.TS Hải thông tin.

Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 57, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, xác định 4 nội dung trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, tiếp tục rà soát và tổ chức lại bộ máy theo tinh thần của Nghị định 19; tăng cường giải pháp khai thác nguồn lực đầu tư; thay đổi năng lực quản trị trong các đơn vị và tập trung quản trị các sản phẩm khoa học và công nghệ để đảm bảo chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu trong thực tiễn.

“Để thực hiện những nội dung trên, các cơ quan, tổ chức cần bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phát huy tối đa năng lực của mình. Nếu công việc chưa được thực hiện tốt, cần phải xem xét lại và có sự điều chỉnh hợp lý. Chỉ những cá nhân làm việc không hiệu quả mới cần phải rời đi, như vậy mới đảm bảo một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả”, GS.TS Sơn nói.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phế phẩm thành chính phẩm

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất nâng cao trình độ nhân lực thông qua đào tạo sau đại học gắn liền với nghiên cứu cơ bản. Ảnh: Tùng Đinh.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất nâng cao trình độ nhân lực thông qua đào tạo sau đại học gắn liền với nghiên cứu cơ bản. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, tỉ lệ chế biến nông sản ở Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 12%, trong khi thiệt hại sau thu hoạch lại rất cao, đặc biệt trong ngành trồng rau quả và thủy sản (từ 20-30%). Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất nâng cao trình độ nhân lực thông qua công tác đào tạo sau đại học gắn liền với nghiên cứu cơ bản.

“Mặc dù công nghệ bảo quản thủy sản đã đạt được một số thành công, nhưng áp dụng trên quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời phát triển các nhà sơ chế phục vụ nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến, không chỉ chú trọng vào chế biến chính phẩm mà ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phế phẩm thành chính phẩm", PGS.TS Tuấn nói.

Thay đổi tư duy để hợp tác cùng phát triển

Theo GS.TS Trần Đình Hoà, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, chấp nhận rủi ro là động lực phát triển các giải pháp đột phá trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo GS.TS Trần Đình Hoà, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, chấp nhận rủi ro là động lực phát triển các giải pháp đột phá trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong lĩnh vực thủy lợi, đặc biệt là phòng chống thiên tai, rủi ro là yếu tố không thể tránh khỏi. Vì vậy, GS.TS Trần Đình Hoà, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, bày tỏ vui mừng khi Nghị quyết 57 đã thừa nhận yếu tố rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Ông Hoà khẳng định: Đây là động lực cho các nhà khoa học mạnh dạn đưa ra những sáng tạo, đề xuất mang tính đột phá.

 “Tuy nhiên, nếu các cơ quan quản lý ngần ngại thực hiện các đề xuất táo bạo vì sợ rủi ro, những ý tưởng này sẽ khó được áp dụng rộng rãi và thực sự tạo ra thay đổi. Để đạt được thành công và vượt qua các điểm nghẽn trong công tác phòng chống thiên tai, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khoa học công nghệ”, GS.TS Hoà chia sẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu, GS.TS Hoà đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng một chiến lược khoa học công nghệ phù hợp với tình hình mới, trong đó các nhiệm vụ phải mang tính đột phá bám sát yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng áp dụng các công nghệ tiên tiến một cách ổn định và bền vững. 

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mong muốn các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu thay đổi tư duy, sẵn sàng mở lòng để hợp tác cùng phát triển. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mong muốn các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu thay đổi tư duy, sẵn sàng mở lòng để hợp tác cùng phát triển. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, KHCN đã được áp dụng mạnh mẽ trong ngành thủy sản, tạo ra nhiều con giống mới chất lượng cao như giống tôm sú, tôm chân trắng và cá biển. 

Hiện nay, ngành thủy sản còn thiếu nguồn lực tham gia nghiên cứu khoa học trình độ cao, chưa được đào tạo bài bản, vì vậy, các viện, trường cần xem xét, cử nhân lực đi đào tạo nâng cao trình độ. Thời gian tới, các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu KHCN cần thay đổi tư duy, sẵn sàng mở lòng để liên kết, hợp tác cùng phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng nhóm nghiên cứu sâu, phát triển thương hiệu cho nhóm nghiên cứu nói riêng và Viện nói chung.

Về định hướng, kế hoạch phát triển đột phá trong ngành thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết sẽ tập trung ứng dụng KHCN và công nghệ gen để tạo ra các giống thủy sản có giá trị, chất lượng cao, kháng bệnh. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, kết hợp các phương pháp nuôi thâm canh, nuôi tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. PGS.TS Đặng Thị Lụa đề xuất tiếp tục phát triển nuôi biển, trong đó tập trung đa dạng loài nuôi và xây dựng chiến lược theo hướng tiếp cận doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác nguồn lợi và mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hãy để khoa học gặp gỡ cuộc sống

Chia sẻ với các nhà khoa học ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, đừng dừng lại ở mục tiêu nghiên cứu mà hãy nhìn về lợi ích của nông dân.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bộ TN-MT phản hồi về đề xuất dẫn nước sông Hồng cải tạo sông Tô Lịch

Bộ TN-MT cho rằng, đề xuất bổ cập nước sông Hồng sang sông Tô Lịch là rất cần thiết, cấp bách nhưng giải pháp này chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy.