| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở mái kè gây nguy cơ xâm nhập mặn

Thứ Ba 12/09/2023 , 06:10 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Người dân đã nỗ lực gia cố mái kè nhưng nếu không được khắc phục sửa chữa kịp thời, nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào vùng sản xuất nông nghiệp hiện hữu.

Tuyến kè đê tại xã Triệu Phước sạt lở cục bộ với chiều dài 1km. Ảnh: Võ Dũng.

Tuyến kè đê tại xã Triệu Phước sạt lở cục bộ với chiều dài 1km. Ảnh: Võ Dũng.

Theo thống kê của UBND xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tính đến thời điểm này, mái kè các tuyến đê bao quanh vùng sản xuất nông nghiệp của các thôn Bắc Phước, An Cư, Lưỡng Kim đã bị sạt lở cục bộ với tổng chiều dài khoảng 1km. Đây là những tuyến đê Quốc gia, mái kè được xây dựng cách đây 20 năm, bao quanh các khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp.

Bài liên quan

Do kinh phí đầu tư sửa chữa rất lớn và phải chờ ngành chức năng xử lý, người dân lo lắng nên tự gia cố mái kè đê bằng những vật liệu tạm thời. Nếu không được khắc phục kịp thời, mùa mưa lũ sắp tới, nguy cơ xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền khiến vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nguồn nước khu dân cư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Triệu Phước là vùng trũng, nằm ở cuối nguồn sông Thạch Hãn, mùa mưa thường xuyên bị ngập úng chia cắt. Sau các đợt mưa lũ năm 2020, một số đoạn mái kè đê đã bị sạt lở, nước mặn tràn vào, địa phương chưa đánh giá được mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ 150ha nuôi trồng thủy sản, 90ha đất nông nghiệp và các khu dân cư sẽ bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống”, ông Trương Văn Nhân, công chức địa chính - nông nghiệp xã Triệu Phước cho hay.

Nhiều điểm sụt lún chân đê. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều điểm sụt lún chân đê. Ảnh: Võ Dũng.

Theo quan sát của PV NNVN, trên tuyến đê bao quanh làng Hà La (thôn Bắc Phước), nhiều điểm mái kè bị sụt lún chân khay khoét sâu vào chân đê; bề mặt nghiêng bị sạt lở. Những điểm sạt lở, xuống cấp này chỉ cách các cánh đồng canh tác lúa và khu nuôi trồng thủy sản của người dân Triệu Phước một con đường nhỏ. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng vì ngoài việc lũ lụt khiến nước mặn tràn qua thân đê thì về lâu về dài, nguồn nước mặn sẽ thẩm thấu qua thân đê, xâm nhập sâu vào vùng sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, người dân làng Hà La cho hay, tình trạng sạt lở mái kè các tuyến đê đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng mà nguồn nước sinh hoạt vốn đã bị nhiễm mặn nay sẽ đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.

“Chúng tôi mong muốn các cấp ngành nhanh chóng có các biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở kè các tuyến đê. Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng tiến sâu vào đất liền. Nếu không khắc phục sớm thì những cánh đồng lúa và hoa màu chỉ vài năm nữa sẽ không thể sản xuất được. Đời sống kinh tế của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nếu sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn nặng thì cuộc sống sẽ rất cơ cực”, ông Chiến lo lắng.

Nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Đại diện UBND xã Triệu Phước cho hay, nguồn nước sinh hoạt của người dân thôn Bắc Phước rơi vào tình cảnh khó khăn. Cả thôn hiện có 660 hộ dân thì toàn bộ giếng khoan, giếng khơi đều bị nhiễm mặn. Ngoài ra, ở các thôn khác, tình trạng nước nhiễm phèn cũng phổ biến.

Tuy nhiên, xã Triệu Phước hiện chưa có công trình nước sinh hoạt tập trung. Một số hộ dân xây dựng bể lọc thô để sử dụng nhưng nước vẫn mặn, chủ yếu chỉ để sử dụng tắm rửa, giặt giũ. Một số hộ mua thêm máy lọc RO nhưng những hộ khó khăn chủ yếu trữ nước mưa, mua nước đóng bình về sử dụng.

Hiện nay, mái kè một số đoạn đê đang trong giai đoạn sửa chữa, một số đoạn đã có kế hoạch, nguồn vốn sửa chữa. Tuy nhiên, theo đại diện UBND xã Triệu Phước, công tác khắc phục cần nhanh chóng thực hiện trước mùa mưa bão để tránh tình trạng nước biển đánh tan những tuyến đê kè xuống cấp khiến xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.