| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở nghiêm trọng ở sông Ba

Thứ Năm 26/09/2013 , 09:11 (GMT+7)

Nguồn lợi sông Ba vô cùng, nhưng không thể không nhắc đến những mối ẩn họa... Đó là nạn sạt lở bờ sông vào mùa mưa.

Bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plong (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy qua nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên rồi đổ ra biển Đông. Nguồn lợi sông Ba vô cùng, nhưng không thể không nhắc đến những mối ẩn họa...

Đó là nạn sạt lở bờ sông vào mùa mưa Tây Nguyên.

Gia Lai là một trong ba tỉnh được hưởng lợi trực tiếp từ dòng sông Ba (cùng với khởi nguồn là tỉnh Kon Tum và điểm cuối là tỉnh Phú Yên). Krông Pa (tỉnh Gia Lai) được xem là một trong những huyện được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng sông này. Chưa kể đến những nét văn hóa đặc thù của các dân tộc cư trú bên lưu vực dòng sông từ ngàn đời nay, chưa kể đến nguồn lợi về thủy sinh, môi trường, khoáng sản… thì hàng năm, trước khi đổ ra cửa biển Tuy Hòa để hòa vào biển Đông, sông Ba đã để lại một lượng phù sa lớn, bồi đắp cho vùng đất này để từ đây, bời bời những ruộng mè (vừng), thuốc lá sợi vàng, ngô lai, đậu đỗ các loại…



Đất sản xuất bị cuốn trôi

Tuy nhiên mỗi khi bước vào mùa mưa, chính quyền và nhân dân ở đây lại luôn nơm nớp với nỗi lo sạt lở. Sạt lở ở bờ sông Ba đã diễn ra từ rất lâu, tuy nhiên mấy năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra càng nghiêm trọng hơn. Mùa khô, thủy điện An Khê - KaNăk tích nước, nhiều đoạn sông phía hạ du chỉ còn trơ sỏi đá và mùi hôi thối; về mùa mưa, cùng với việc xả lũ của công trình thủy điện này, sông Ba trở nên hung dữ hơn. Nước cuồn cuộn gào thét, cuốn phăng tất cả những gì nó gặp phải như đất đá, cát sỏi, rồi nhà cửa, ruộng vườn, gia súc… Đã có không ít mạng người cũng bị cuốn theo dòng lũ dữ.

Tại xã Chư R’Căm (huyện Krông Pa), cứ sau mỗi mùa mưa lũ là dòng chảy bị biến đổi, sông Ba “ăn” vào 3 - 4 m, hàng chục ha đất sản xuất, đất ở bị sạt lở và cuốn trôi, nhiều hộ dân cũng theo đó mà thiếu đất ở, đất sản xuất. Từ nhiều năm nay, khó mà thống kê cho chính xác diện tích đất canh tác - kể cả đất ở của bà con trong buôn làng J’rai này bị sạt lở và cuốn theo dòng lũ. Không những thế mà tính mạng của người dân nơi đây - cũng giống như những cành củi bé nhỏ đang xoay tít trong cuộn đỏ thác lũ sông Ba. Nhà chị Vũ Thị Phương ở thôn Quỳnh Ba, ngày trước muốn ra sông phải đi bộ mất một đoạn đường, bây giờ nhà chị đã nằm sát mép sông. Đến bây giờ, chị vẫn không thể quên những hình ảnh khủng khiếp của trận lũ lịch sử năm 2011: Xác người chết trôi đến tấp vào bờ sông, ngay bên cạnh nhà chị, rồi xác trâu bò, lợn gà, có cả cái trống to đùng của trường học nào đó phía thượng nguồn cũng dập dềnh trong dòng nước xiết…

Buôn H’lang nằm phía trên và cũng sát mép nước như thôn Quỳnh Ba. Tại khu nhà mồ của buôn này, mỗi năm lũ sông Ba lại cuốn trôi một số ngôi nhà mồ. Trận lũ năm 2011, có nhiều xác chết mới được chôn ở đây cũng bị lũ cuốn trôi, trước sự bất lực của người thân và dân làng. Anh Rơ - O - Thuyên (thôn phó buôn H’lang), ngậm ngùi nói: “Ban đầu khu nhà mồ này có 30 hộ (30 ngôi mộ - PV). Mỗi năm, nhất là trận lũ năm 2011, nước sông Ba dâng cao làm sạt lở và cuốn trôi đi nhiều ngôi mộ, giờ chỉ còn vài ba ngôi mộ mới chôn thôi. Bà con chỉ biết nhìn những ngôi mộ của người thân bị lũ cuốn trôi mà khóc bởi dòng nước chảy quá mạnh…”.

Cũng như Chư R’căm, xã Chư Gu (huyện Krông Pa) cũng chịu ảnh hưởng rất lớn mỗi khi sông Ba “nổi giận” vào mùa mưa. Thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm có hàng chục ha đất của bà con nông dân trong xã bị sông Ba làm sạt lở và cuốn trôi. Phía bên bồi của dòng sông lại là những bãi cát mênh mông, không thể canh tác được. Ông Bùi Hữu Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu, cho biết: “Trong nhiều diện tích đất mà sông Ba làm sạt lở và cuốn trôi của bà con trong xã, có không ít đất sản xuất chủ lực, làm nhiều hộ dân mất đất sản xuất. Tuy nhiên biện pháp để khắc phục tình trạng này thì chưa có, vì nguồn kinh phí không đủ để xây bờ kè ngăn chặn sạt lở”.

Những năm gần đây, sông Ba đã có sự biến đổi dòng chảy rất lớn, tạo nên những đoạn xung yếu có chiều dài bất thường, gây sạt lở nghiêm trọng và kéo dài. Trước thực trạng trên, những năm qua, huyện Krông Pa cũng đã xây dựng phương án di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở. Tuy nhiên, kinh phí địa phương không đủ để hỗ trợ cho dân; nhiều hộ được di dời lại thuộc diện nghèo nên không đủ điều kiện di dời và làm nhà tại nơi ở mới.

Ông Hà Văn Đường - Phó Chủ tịch UBND xã Chư R’căm, cho biết: Với mức hỗ trợ ít, những hộ thuộc diện nghèo không đủ tiền để thực hiện di dời. Hơn nữa, phong tục của đồng bào là làm nhà bằng gỗ, nhưng gỗ thì lại không được khai thác. Một nguyên nhân khác là khu tái định cư thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện nên nhiều hộ chưa muốn đến ở.

Các địa phương khác nơi có sông Ba chảy qua như huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), sự biến đổi dòng chảy đã cuốn theo rất nhiều diện tích đất sản xuất và đất ở, làm hư hại tài sản và đe dọa đến tính mạng của người dân sống bên lưu vực sông. Nếu không sớm triển khai các phương án di dời dân thì cuộc sống của những hộ dân sống hai bên bờ sông Ba, hàng ngày vẫn luôn bị đe dọa bởi những cơn lũ dữ vào mỗi mùa mưa Tây Nguyên.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...