| Hotline: 0983.970.780

Sau Tết nông dân hào hứng ra đồng

Thứ Ba 08/02/2022 , 09:29 (GMT+7)

Do thời tiết thuận lợi, sau Tết Nguyên Đán, nông dân các tỉnh phía Nam hào hứng khẩn trương vào việc, hy vọng năm mới cây trồng sẽ tươi tốt, khởi sắc hơn mọi năm.

Nông dân hối hả ra đồng sản xuất

Ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Phước, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất phấn khởi khoe: “Vừa ra Tết, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch lứa mít đầu tiên, được 5 tấn bán giá cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Hiện tôi mới chỉ thu hoạch được khoảng 1/3 sản lượng mít trong vườn, dự kiến vụ mít năm nay sẽ thu hoạch lai rai đến tháng 5 mới dứt điểm nên trong những ngày Tết vừa qua tôi vẫn phải bám vườn chăm cây, dưỡng trái”.

Sau Tết nông dân trồng mít phấn khởi vào vụ thu hoạch, bán được giá cao hơn gấp đôi so với trước Tết. Ảnh: Minh Sáng.

Sau Tết nông dân trồng mít phấn khởi vào vụ thu hoạch, bán được giá cao hơn gấp đôi so với trước Tết. Ảnh: Minh Sáng.

Theo anh Phước, gia đình anh trồng được 4 ha mít (khoảng 1.500 gốc), do trước Tết gần như thị trường Trung Quốc bị “đóng băng” nên nhiều mặt hàng trái cây tươi không tiêu thụ được, khiến giá mít cũng bị rớt thê thảm, bán xô chỉ 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau Tết giá mít đã tăng lên 10.000 đồng/kg (loại 1); loại 2 cũng được 5.000 đồng/kg, khá khởi sắc cho mùa vụ thu hoạch mít đầu năm mới.

Chính vì giá trái quá rẻ nên anh Phước cũng như nhiều bà con trồng mít ở địa phương chấp nhận cả năm qua bỏ vụ không lấy trái để tập trung dưỡng cây và “canh me” thị trường. Đúng theo dự đoán, sau Tết giá mít đã nhích lên, nông dân đang tập trung thu hoạch lứa mít đầu xuân mới. “Cho đến nay mình vẫn chưa thể thay đổi được nền nông nghiệp “canh me”, trồng cây trái gì cũng cần phải dự đoán trước thị trường. Nếu không biết “canh me” để trúng mùa, được giá thì thu hoạch sẽ bị thua lỗ”, anh Phước bộc bạch.     

Theo các nhà vườn, cứ thu hoạch xong diện tích nào thì bà con lại tiếp tục phải chăm sóc bón phân hữu cơ để giúp cây nhanh phục hồi. Ngay trong dịp Tết vừa qua, nhiều bà con vẫn phải thường xuyên thăm vườn và tưới bón dưỡng cây. Nhiều năm qua nông dân TP.Long Khánh tận dụng được lợi thế xây dựng “cánh đồng lớn” cây ăn trái để phát triển du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Lãnh đạo đia phương này cũng khẳng định, các xã đều tăng cường tuyên truyền cho bà con nông dân trong dịp Tết vừa qua cần sắp xếp thời gian thăm đồng hợp lý để bảo đảm sản xuất đạt kết quả tốt nhất trong năm mới. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, yêu cầu bà con nông dân thực hiện tốt nguyên tắc “5K” trong quá trình sản xuất.

Nhiều năm qua nông dân TP.Long Khánh tận dụng được lợi thế xây dựng 'cánh đồng lớn' cây ăn trái để phát triển du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Minh Sáng.

Nhiều năm qua nông dân TP.Long Khánh tận dụng được lợi thế xây dựng “cánh đồng lớn” cây ăn trái để phát triển du lịch sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Chí Hội Sây - người sở hữu 1,5 ha vườn chôm chôm và mít thái theo chuẩn VietGAP (tại xã Bình Lộc) từ trước Tết ông đã tập trung dọn vườn, chăm sóc dưỡng cây trái nhằm thu hút khách trong đầu năm mới. “Năm trước vườn cây trái của gia đình tôi được giải khuyến khích cuộc thi vườn cây kiểu mẫu của TP.Long Khánh. Năm nay, tôi tiếp tục đầu tư chăm sóc kỹ hơn cho vườn cây để đạt chất lượng, hoa nhiều, trái cũng có lớn hơn phục vụ du khách đến tham quan thưởng thức”.

Thời điểm này, bà con trồng bưởi da xanh xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ cũng đang tích cực theo dõi, chăm sóc để vườn trái phục hồi và phát triển tốt, mùa vụ tới cho trái đạt kích cỡ, đáp ứng tiêu chuẩn để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nông dân không có Tháng Giêng ăn chơi

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bà con nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cũng đã nhanh chóng ra vườn, xuống ruộng bắt tay vào việc bón phân, nhặt cỏ; thu hoạch rau và tiếp tục gieo những hạt mầm cho lứa rau mới…

Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã nhanh chóng ra vườn, xuống ruộng bắt tay vào việc thu hoạch rau. Ảnh: AV.

Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã nhanh chóng ra vườn, xuống ruộng bắt tay vào việc thu hoạch rau. Ảnh: AV.

Khoảng 6 giờ sáng mùng 6 Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Hiệp (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) đánh chiếc xe ô tô bán tải chở theo 100kg phân và đạm ra đồng để bón cho lúa. Đã gần 10 ngày không ra đồng nên sau Tết, ông Hiệp tranh thủ rải từng nắm phân đạm xuống đồng và đây là lần bón phân thứ 2 của vụ Đông Xuân. “Nhìn đồng lúa này tui đoán chắc vụ Đông Xuân này sẽ thắng lợi. Hy vọng, đầu năm mới này giá lúa tăng trở lại, bà con nông dân sẽ phấn khởi hơn”, ông Hiệp nói.

HTX nông nghiệp An Nhứt chính là vựa lúa lớn nhất của tỉnh BR-VT, hiện có 325 hộ với 1.085 thành viên đang sản xuất trên diện tích 222 ha. Giám đốc HTX nông nghiệp An Nhứt Phan Nhật Thành cho biết: “Nông dân mong mỏi năm 2022, nhà nước sẽ bình ổn được giá phân bón và giá lúa bán đầu ra. Làm được điều này thì chi phí sản xuất sẽ giảm, giá lúa cao thì lợi nhuận của nông dân sẽ tốt hơn. Từ đó khuyến khích nông dân bám ruộng, đồng và tích cực sản xuất những giống lúa tốt phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu nếu có điều kiện”.

Trên những cung đường về vùng nông thôn của BR-VT, những cánh đồng muối cũng đã được diêm dân cho nước lên bạt bắt đầu một vụ sản xuất mới. Ông Huỳnh Văn Thuyết, diêm dân xã An Ngãi (huyện Long Điền) cho biết: “Với diêm dân dường như không có ngày nào thôi mong mỏi ngoài đồng, công việc vất vả quanh năm chẳng bao giờ chúng tôi dám nghĩ đến “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Theo ông Thuyết, dù mùng 6 Tết mới chính thức bắt tay vào công việc nhưng từ mùng 1 Tết ông đã ra đồng muối thăm. Đầu năm mới ông cùng nhiều diêm dân ra ruộng muối sớm, làm một chén trà nước, bông hoa, bánh mứt… đặng cúng nghề, cúng ruộng, mong một năm nghề muối bội thu. Năm 2021, ông thu hoạch được 70 tấn muối sạch trên diện tích 3ha.

Ngày Tết, nông dân vẫn bám vườn ruộng, tích cực chăm sóc để năm mới kịp thời vụ thu hoạch cung ứng cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Ngày Tết, nông dân vẫn bám vườn ruộng, tích cực chăm sóc để năm mới kịp thời vụ thu hoạch cung ứng cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Vũ Văn Đam (ấp Phước Hải, xã Tân Hải) cũng tâm sự: “Năm qua dịch bệnh, rau trồng tại vườn không tiêu thụ được, vợ chồng tôi phải bán giá thấp. Hy vọng năm mới thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, nông dân sẽ thắng lợi hơn”.

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, nắng vàng đã trải dài trên những vườn cây trái, cánh đồng, ruộng muối, vườn rau… và những người nông dân khắp nơi vẫn cần mẫn, chăm chỉ lao động, sản xuất. Mặc dù công việc ruộng vườn, đồng áng còn nhiều vất vả, nhưng trên khuôn mặt của họ vẫn rạng rỡ và tràn đầy hy vọng về một năm mới sản xuất nhiều may mắn...

‘Bước sang năm 2022, sản xuất nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cây trồng, vật nuôi, nhưng với tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, nông dân ở nhiều địa phương đã sớm bắt tay vào sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân mới, với hy vọng mùa vụ bội thu’.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất