| Hotline: 0983.970.780

Sẽ xây hồ chứa lớn chống hạn

Thứ Hai 14/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Với ba mặt giáp biển, vùng đất tận cùng Tổ quốc đang bị mặn đã xâm nhập sâu gây nhiều thiệt hại trên diện rộng. Tỉnh Cà Mau đã có những giải pháp ứng phó cụ thể.

Thiệt hại diện rộng

Về vùng ngọt hóa bắc Cà Mau những ngày này, chúng tôi ghi nhận tình trạng “đồng khô đất cháy” rất khắc nghiệt. Đi dọc tuyến hành lang ven biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, một vùng trồng lúa mới thấy cái khó của người dân.

Hầu kết kênh, rạch tại đây đã cạn nước, đoạn kênh Bờ Đê trải dài từ hòn Đá Bạc đến giáp thị trấn Sông Đốc (thuộc 2 xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây) chơ đáy phơi nắng ngay ngắt cả tháng nay.

Ông Trần Văn Lịch, ngụ ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải cho biết: Hơn 2 tháng trước nước kiệt, giao thông đường thủy đã bó tay rồi. Năm nay hạn dữ quá, năng suất lúa bà con quanh đây đều bị ảnh hưởng, ước giảm trung bình từ 40 - 50%.

Tại các cống ngăn mặn Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây), Kênh Tư (xã Khánh Hải), cửa van các cống đang gồng mình chống chịu áp lực của nước mặn nhăm nhe vùng ngọt. Khi chúng tôi đến, tuy không phải đỉnh thủy triều nhưng mực nước trong và ngoài cống bỏ bậc nhau đến khoảng 2m. Người dân địa phương cho biết, ở đỉnh thủy triều, mực nước cách nhau có thể lên đến gần 3m.

Đã nhiều tháng nay, để ngăn mặn xâm nhập, hệ thống cống kéo dài toàn tuyến đê biển Tây đóng mít cửa và được gia cố để chống rò rỉ, bảo vệ cho hàng ngàn nông hộ làm lúa. Tuy nhiên, mọi việc cũng chỉ dừng ở mức hạn chế.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Cà Mau, kênh mương nội đồng đã cạn nước, mực nước tại các sông trung bình chỉ còn khoảng 0,8m; mực nước trong và ngoài cuống, đập chênh lệch hơn 2,5 m; giao thông đường thủy vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, U Minh đã bị tê liệt.

09-34-33_1-hien-kenh-muong-noi-dong-ti-c-mu-d-ket-nuoc
Kênh mương nội đồng tại Cà Mau đã kiệt nước

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã đề nghị các cơ quan chức năng tính toán năng lực vốn của địa phương để đề xuất Trung ương hỗ trợ triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ người dân. Chúng tôi sẽ không thể để cho người dân đói, khát, sẽ có hỗ trợ kịp thời, phát triển sản xuất. Về lâu dài, các giải pháp chuyển đổi quy hoạch SX nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nắng nóng, xâm nhập mặn làm thiệt hại 49.343 ha lúa; ảnh hưởng sinh trưởng 15.000 ha cây trồng. Khu vực rừng tràm U Minh Hạ đứng trước nguy cơ cháy rừng cao, 43.000 ha rừng dự báo cháy tăng rất nhanh. Nắng nóng, độ mặn tăng cao gây dịch bệnh gần 2.700 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, tăng hơn 300% so với cùng kỳ. Đặc biệt, triều cường tăng cao đạt mức kỷ lục, đợt tiều cường cuối năm 2015, nước mặn tràn ngập 94 km, làm bể 400 m đê bao…

Giải pháp

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: "Trước mắt chúng tôi đã duy tu sửa chữa hệ thống đê bao, các cống ngăn mặn để hạn chế mặn xâm nhập sâu; kế hoạch nạo vét kênh tăng cường trữ nước phục vụ SX đã được thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh. Về lâu dài, khi cống Cái Lớn, Cái Bé hoàn thành, Cà Mau có thể chủ động đưa nước ngọt về”.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau thông tin, Sở đã chỉ đạo chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo bà con chuyển đổi giống cây trồng, phương thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch ban đầu, Cà Mau được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn khoảng 20 triệu USD để xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt. WB đã thống nhất địa điểm xây hồ tại vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ với mức hỗ trợ kinh phí 10 triệu USD. Vì vậy, quy mô của hồ nước ngọt cũng sẽ được điều chỉnh thiết kế còn một nửa so với ban đầu, tức rộng khoảng 100ha.

09-34-33_3-ho-nuoc-ngot-se-duoc-xy-ti-vung-dem-rung-u-minh-h-thuoc-x-khnh-n-huyen-u-minh-nh-thi-binh
Hồ nước ngọt sẽ được xây tại vùng đệm rừng U Minh Hạ, thuộc xã Khánh An, huyện U Minh (Ảnh: Thái Bình)

Khi công trình hoàn thành địa phương sẽ chủ động được hơn 5 triệu m3 nước phục vụ cho hơn 250.000 hộ dân trong mùa khô. Trong tương lai, nếu đấu nối được với nguồn nước từ sông Hậu dẫn về sẽ đảm bảo được lượng nước ngọt phục vụ người dân quanh năm.

Theo đánh giá, khi hồ nước ngọt hoàn thành sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết nước trong vùng ngọt của Cà Mau. Bên cạnh đó, cũng góp phần rất lớn trong việc phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô tại rừng U Minh Hạ.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.