| Hotline: 0983.970.780

Sĩ quan Venezuela từng gặp quan chức Mỹ để bàn về đảo chính

Chủ Nhật 09/09/2018 , 07:22 (GMT+7)

Quan chức Mỹ bí mật gặp sĩ quan quân đội Venezuela để bàn kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro nhưng cuối cùng quyết định không giúp đỡ.

Tổng thống Venezuala Nicolas Maduro phát biểu trước các quan chức chính phủ tại Caracas ngày 4/8. Ảnh: Reuters.

New York Times dẫn lời 11 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ, cùng một cựu chỉ huy quân sự Venezuela đã tham gia vào các cuộc họp bí mật, cho biết ít nhất ba phe phái trong quân đội Venezuela đã lên kế hoạch chống lại Tổng thống Nicolas Maduro.

Một trong số đó liên lạc với chính phủ Mỹ thông qua đại sứ quán Mỹ tại thủ đô của một nước châu Âu. Chính quyền Trump cử một nhà ngoại giao đến họp nhưng chỉ để lắng nghe chứ không phải để đàm phán.

Sau cuộc họp đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài vào mùa thu năm 2017, nhà ngoại giao Mỹ đánh giá rằng phe nổi dậy Venezuela không có kế hoạch chi tiết, mà thay vào đó hy vọng chính phủ Mỹ sẽ hướng dẫn hoặc gợi ý.

Cựu chỉ huy quân sự Venezuela cho biết các sĩ quan không mong muốn Mỹ can thiệp quân sự: "Tôi chưa bao giờ đồng ý, họ cũng không đề xuất", ông nói.

Trong cuộc họp thứ hai vào năm ngoái, các sĩ quan Venezuela yêu cầu được cung cấp radio mã hóa để liên lạc an toàn. Tuy nhiên, Mỹ từ chối đáp ứng.

Cuộc họp thứ ba được sắp xếp vào đầu năm nay nhưng không dẫn đến hứa hẹn nào về hỗ trợ vật chất hay dấu hiệu rõ ràng rằng Washington ủng hộ kế hoạch của phe nổi dậy. Các quan chức Mỹ cuối cùng quyết định không hỗ trợ kế hoạch đảo chính.

Nhà Trắng từ chối trả lời chi tiết về các cuộc đàm phán. Họ nói trong một tuyên bố với New York Times rằng điều quan trọng là phải tham gia vào "đối thoại với tất cả những người Venezuela chứng minh mong muốn dân chủ" để "mang lại sự thay đổi tích cực cho một quốc gia đã phải chịu đựng quá nhiều dưới thời Maduro".

Từng là nước giàu nhất Mỹ Latin, Venezuela đã lao dốc vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, nơi người dân sống trong tình trạng thiếu lương thực, bệnh viện quá tải, lạm phát cao và bất ổn chính trị. Khủng hoảng khiến nhiều người rời khỏi Venezuela để đến các nước láng giềng.

Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela đã căng thẳng trong nhiều năm. Hai bên không trao đổi đại sứ kể từ năm 2010. Sau khi Trump nhậm chức đầu năm 2017, Mỹ đã tăng lệnh trừng phạt chống lại các quan chức Venezuela hàng đầu, bao gồm cả Maduro và phó tổng thống. Trong khi đó, Maduro thường xuyên cáo buộc Mỹ cố tình gây bất ổn cho nước này để chiếm nguồn dầu mỏ.

Tháng 8/2017, Trump công khai nói rằng ông sẽ không loại trừ sử dụng "phương án quân sự" để chấm dứt tình cảnh hỗn loạn ở Venezuela. Tổng thống Maduro sau đó yêu cầu quân đội tập trận để đáp trả cảnh báo, nhấn mạnh rằng "Venezuela sẽ không bị đe dọa".

Ngày 4/8, sau khi Maduro bị ám sát hụt bằng máy bay không người lái tại Caracas, ông đã đổ lỗi cho Mỹ, Colombia và những đối thủ trong nước. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh chính phủ Mỹ không liên quan đến vụ tấn công.

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.