Nguồn cung thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ không đủ cầu do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. |
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề, nhu cầu về các mặt hàng thực phẩm của người tiêu dùng ắt sẽ tăng cao. Theo đó, thị trường thực phẩm sẽ rất sôi động. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh này, các ngành chức năng ở Bình Định đang nỗ lực tăng cường công tác quản lý thị trường thực phẩm trên địa bàn.
Không để các mặt hàng thực phẩm nằm ngoài vòng kiểm soát
Đầu tháng 12 này, Bình Định bắt đầu triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn dịp cuối năm, thời điểm mà lễ hội, tiệc tùng sẽ diễn ra rất dày, nhu cầu về các loại thực phẩm của người tiêu dùng sẽ tăng cao. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 3/2020, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của Bình Định sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) các mặt hàng thực phẩm, nhằm ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Theo cho biết của ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Định, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, trong tháng 12 này sẽ có 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh với sự tham gia của các ngành Y tế, NN-PTNT, Công Thương, KH-CN, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan ra quân kiểm tra đồng loạt hoạt động SXKD thực phẩm. Công tác này cũng sẽ được triển khai cả ở cấp huyện và cấp xã.
“Công tác kiểm tra sẽ tập trung ở những cơ sở SXKD, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn; chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Riêng các đoàn kiểm tra cấp huyện, xã sẽ kiểm tra những cơ sở SXKD thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn”, ông Trung cho hay.
Theo dự báo của ngành chức năng, trong thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sức tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng từ 15 - 20% so với ngày thường, nhất là nhóm hàng bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát và rau củ quả các loại. Trước bối cảnh này, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được các cấp ngành chức năng ở Bình Định đặt lên nhiệm vụ hàng đầu.
“Công tác kiểm tra sẽ đặc biệt chú trọng đến các cơ sở SX thực phẩm nhỏ lẻ trong khu dân cư; chợ đầu mối và các chợ ngoại thành; hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật, vận chuyển thực phẩm”, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP Bình Định nói.
Mặt hàng thịt heo trong “tầm ngắm”
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, sau nửa năm dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) hoành hành, đàn heo của tỉnh này đã hao hụt số lượng lớn, dự báo Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nguồn cung thịt heo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua ngành chức năng tỉnh này vẫn đang kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn heo, chỉ cho phép các trang trại kín, đảm bảo an toàn sinh học tái đàn, khiến nguồn cung càng thiếu hụt. Đáng quan ngại là hiện DTLCP vẫn “quanh quẩn” đe dọa đàn heo ở Bình Định.
Mặt hàng thịt heo nằm trong “tầm ngắm” trong công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP. |
Trong bối này, các ngành chức năng ở Bình Định đang đưa mặt hàng thịt heo vào “tầm ngắm” nhằm ngăn chặn nạn vận chuyển, mua bán thịt heo kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu hành trên thị trường.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền thành phố Quy Nhơn đã rất nhiều nỗ lực trong công tác đưa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vào cơ sở giết mổ tập trung tại phường Nhơn Bình để kiểm soát nguồn thịt cung ứng ra thị trường đảm bảo an toàn.
“Đến nay, chính quyền thành phố Quy Nhơn đã phối hợp với các địa phương vận động, dẹp bỏ 27 lò giết mổ gia súc thủ công nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Đồng thời, phối hợp Sở NN-PTNT đôn đốc tiến độ xây dựng nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu sớm đi vào hoạt động”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, đơn vị này đang phối hợp các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tăng cường kiểm tra hoạt động quản lý kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm; quản lý chặt nguồn thịt cung ứng thị trường. Đặc biệt kiểm soát tình trạng heo, bò bị bơm nước trước khi mổ, hoặc dùng các chất an thần, chất tạo nạc Salbutamol trong quá trình nuôi.
“Thời điểm cận Tết Nguyên đán canh Tý 2020, nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm tăng cao, do đó việc quản lý và kiểm soát nguồn thịt càng phải được tăng cường, nhằm ngăn chặn nguồn sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu hành trên thị trường”, ông Quốc kiên quyết.