| Hotline: 0983.970.780

Siết quản lý giết mổ gia cầm bừa bãi

Thứ Bảy 28/11/2020 , 07:01 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, ngành chức năng TP Quy Nhơn (Bình Định) quyết tâm chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia cầm bừa bãi trên địa bàn…

Nhiều hộ dân ở khu vực chợ Đầm thuộc phường Thị Nại (TP Quy Nhơn, Bình Định) tận dụng vỉa hè làm nơi giết mổ gia cầm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều hộ dân ở khu vực chợ Đầm thuộc phường Thị Nại (TP Quy Nhơn, Bình Định) tận dụng vỉa hè làm nơi giết mổ gia cầm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn (Bình Định), đến nay, hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn đã đi vào nề nếp. Các hộ giết mổ gia súc ở Quy Nhơn đã được vận động vào 2 nhà máy giết mổ gia súc - gia cầm tập trung ở khu vực 3 phường Nhơn Bình và khu vực 9 Phường Trần Quang Diệu hoạt động.

“Từ năm 2018, tất cả các hộ giết mổ heo nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư đã được đưa vào các nhà máy giết mổ tập trung. Thành phố còn bố trí cho những hộ giết mổ gia súc ở các huyện ngoài vào hoạt động”, ông Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia cầm bừa bãi trên địa bàn thành phố này vẫn còn tồn tại. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, hiện trên địa bàn thành phố này có 31 hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư và 35 hộ mua bán gia cầm sống tại các chợ nhỏ, tập trung tại các phường Trần Quang Diệu, Thị Nại, Nhơn Phú, Ngô Mây, Lý Thường Kiệt, Bùi Thị Xuân, Hải Cảng, Trần Phú, Đống Đa, Quang Trung.

“Số lượng gia cầm sống mua bán mỗi ngày chúng tôi không thống kê được, nhưng số lượng gia cầm giết mổ mỗi ngày đêm trên địa bàn TP Quy Nhơn có đến 2.000 con; những ngày lễ, tết tăng đến 5.000-6.000 con”, ông Tuấn cho biết.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ thường tận dụng vỉa hè để hành nghề. Chất thải, nước thải từ hoạt động giết mổ gia cầm được thải thẳng ra hệ thống thoát nước công cộng, thậm chí xả thẳng ra lòng đường.

Hoạt đổng giết mổ gia cầm kiểu này vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động mua bán gia cầm sống cũng diễn ra ngay trên vỉa hè, thậm chí còn bày bán cả trên lòng lề đường gây mất trật tự và an toàn giao thông. Tập trung nhiều nhất tại đường Hoàng Hoa Thám thuộc phường Thị Nại, con đường nằm bên hông chợ Đầm.

Nước thải, chất thải từ hoạt động giết mổ gia cầm nhỏ lẻ được xả thẳng vào hệ thống thoát nước công cộng, thậm chỉ xả thẳng ra lòng đường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nước thải, chất thải từ hoạt động giết mổ gia cầm nhỏ lẻ được xả thẳng vào hệ thống thoát nước công cộng, thậm chỉ xả thẳng ra lòng đường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhằm chấm dứt tình trạng giết mổ gia cầm bừa bãi trên địa bàn, đầu tháng 10, UBND TP Quy Nhơn đã phê duyệt phương án di dời các hộ hành nghề giết mổ gia cầm nhỏ lẻ đến nhà máy giết mổ động vật tập trung đã xây dựng tại phường Nhơn Bình và cơ sở chuyên giết mổ gia cầm Thanh Lang - Bình Minh nằm ở khu vực 9 phường Nhơn Bình; đồng thời di dời, bố trí cho các hộ mua bán gia cầm sống đến chợ Dinh để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bão nên việc thực hiện phương án di dời bị gián đoạn.

Những ngày giữa tháng 11, đi qua các chợ nội thành Quy Nhơn, chúng tôi nhận thấy hoạt động giết mổ và mua bán gia cầm sống đã không còn. Riêng tại chợ Đầm thuộc phường Thị Nại, hoạt động giết mổ và mua bán gia cầm sống vẫn tồn tại.

Nguyên nhân tồn tại của hoạt động giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại khu vực chợ đầm được bà Thu ở đường Hoàng Hoa Thám (phường Thị Nại), giải thích: “Tôi tuổi già sức yếu, ai có nhu cầu đến thuê tôi giết mổ gia cầm thì tôi tận dụng vỉa hè trước nhà để làm, thu nhập cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình qua ngày. Số lượng gia cầm tôi giết mổ hàng ngày không nhiều, ai thuê mới làm, nên tôi không về cơ sở giết mổ tập trung để hoạt động”.

Hoạt động mua bán gia cầm sống sẽ được ngành chức năng TP Quy Nhơn (Bình Định) di dời lên chợ Dinh (phường Nhơn Bình). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hoạt động mua bán gia cầm sống sẽ được ngành chức năng TP Quy Nhơn (Bình Định) di dời lên chợ Dinh (phường Nhơn Bình). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, chính quyền thành phố đã tổ chức cuộc họp nhằm tái khởi động công tác vận động các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn di dời hoạt động về các nhà máy, cơ sở giết mổ động vật tập trung. Tại cuộc họp này, lãnh đạo chính quyền thành phố lắng nghe ý kiến của các ngành liên quan và của các địa phương về những vướng mắc khi thực thi việc di dời và đã có những chỉ đạo tiếp theo.

“Phần lớn các hộ dân mua bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ đều thống nhất với chủ trương của thành phố. Những hộ di dời hoạt động giết mổ gia cầm sẽ được thành phố hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng, đây là chi phí tháo dỡ lò giết mổ gia cầm thủ công. Hộ mua bán thì được hỗ trợ 3 triệu đồng để đưa gia cầm đến chợ Dinh (phường Nhơn Bình) hoạt động.

Hiện tại, cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại phường Nhơn Bình có khu giết mổ gia cầm riêng, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho người dân hành nghề. Các hộ đưa gia cầm vào đây giết mổ chỉ đóng phí 3.000 đồng/con.

Còn tại chợ Dinh, thành phố cũng đã bố trí khu mua bán gia cầm rộng 150m2 nền bằng xi măng, có mái che bằng tôn và hệ thống điện chiếu sáng để người dân tiếp tục kinh doanh, mua bán gia cầm”, ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, cho biết.

(Kiến thức gia đình số 48)

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.