5.500 - 6.000 con heo được giết mổ mỗi đêm
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 7 cơ sở giết mổ. Trong đó, 5 nhà máy giết mổ gia súc tập trung, công nghiệp; 1 cơ sở giết mổ gia súc tại huyện Cần Giờ (phục vụ người dân trong khu vực) và 1 Trung tâm giết mổ gia cầm.
Bình quân mỗi đêm, có khoảng 5.500 - 6.000 con heo, 10 con bò và 70.000 - 80.000 con gà được giết mổ tại 7 cơ sở này, chiếm khoảng 50-60% tổng nguồn cung thịt gà, thịt heo trên thị trường thành phố.
Để chuẩn bị nguồn sản phẩm gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng của người dân vào dịp Tết Nguyên đán, theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, khả năng lượng heo đưa vào giết mổ tại các nhà máy giết mổ trên địa bàn có thể sẽ tăng khoảng 30 - 70% so với nhu cầu thường ngày (khoảng 7.500 - 10.000 con/ngày).
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cũng đã có kế hoạch giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, yêu cầu các chủ nhà máy giết mổ đăng ký số lượng giết mổ, chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, đáp ứng tình hình giết mổ gia súc, gia cầm tăng cao trong dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ cho biết, từ 1/4 đến nay khi chuyển từ nhà máy giết mổ thủ công sang nhà máy giết mổ công nghiệp, hiện mỗi đêm nhà máy của An Hạ giết mổ khoảng 1.500 con heo (chiếm khoảng 50% công suất của nhà máy).
Nói về tình hình kiểm soát dịch bệnh tại nhà máy giết mổ của đơn vị, bà Thắm cho biết, mỗi đêm có khoảng từ 7-10 cán bộ thú y làm công tác kiểm soát thú y tại nhà máy, vì vậy mà công tác tiêu độc khử trùng trước khi xe ra vào nhà máy cũng như công tác kiểm soát thú y luôn được giám sát chặt chẽ.
"Việc kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM khi nào cũng làm tốt, kiểm soát chặt chẽ. Trước khi heo được đưa vào giết mổ, cán bộ thú y đều kiểm tra kỹ giấy kiểm dịch, kiểm tra lâm sàng, heo đạt mới được đưa vào giết mổ. Tôi chỉ lo thịt heo từ các tỉnh đưa về thành phố thôi, còn heo giết mổ tại thành phố luôn được giám sát chặt với các nhà máy giết mổ công nghiệp, máy móc hiện đại", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nói.
Ông Lê Anh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn cho biết, công suất giết mổ tại đơn vị khoảng 2.000 con heo mỗi đêm (cũng chỉ mới hoạt động 50% công suất nhà máy - PV). Dự báo, dịp Tết Nguyên đán có thể tăng lên khoảng 2.200-2.300 con.
Theo ông Phương, tình hình dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lò giết mổ công nghiệp khó có thể xảy ra, bởi luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thú y và các nhà máy giết mổ.
"Cán bộ thú y siết chặt từ đầu vào tại các trạm kiểm dịch, heo về đến nhà máy phải qua rất nhiều khâu kiểm soát. Mặt khác, lượng heo đưa về mỗi đêm đều được giết mổ hết, không có chuyện để lại tại lò mổ, nên không có tình trạng xảy ra dịch bệnh.
Không những thế, khi heo đưa về chợ đầu mối lại có một tổ kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm và các chợ, do đó độ an toàn cho người tiêu dùng là rất cao", ông Phương khẳng định.
Ngăn chặn dịch bệnh xảy ra, không để lây lan trên diện rộng
Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân Thành phố sẽ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi có dấu hiệu tái xuất hiện ở một số tỉnh thành trên cả nước đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay có 20 tỉnh, thành phố có động vật, sản phẩm động vật đưa vào Thành phố tiêu thụ, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Điều này, cũng làm tăng nguy cơ dịch bệnh lên đàn gia súc, gia cầm của Thành phố, nhất là đàn giống chất lượng cao.
Theo bà Lê Đinh Hà Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt heo, gà an toàn, chất lượng cho người dân Thành phố trong dịp Tết Nguyên đán 2024, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và ổn định tình hình kinh tế xã hội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên đàn gia súc, gia cầm của Thành phố; giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thuốc thú y đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, định kỳ vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm.
Đồng thời, Chi cục cũng đã triển khai công tác lấy mẫu giám sát các bệnh trên gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối… trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp dịch bệnh xảy ra, không để lây lan trên diện rộng; góp phần đảm bảo nguồn sản phẩm động vật cung cấp ra thị trường an toàn, chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cũng cử nhân sự tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Thành phố và tại các quận huyện, để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là tại khu vực giáp ranh với các tỉnh.
Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh có nguồn động vật, sản phẩm động vật đưa về thành phố tiêu thụ, để kịp thời cung cấp thông tin, nhằm chủ động triển khai các biện pháp phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật kịp thời và hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, phối hợp trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh về TP.HCM giết mổ, kinh doanh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM Lê Đinh Hà Thanh khuyến cáo người chăn nuôi động vật phải đảm bảo an toàn sinh học, con giống phải lựa chọn kỹ lưỡng, phải thực hiện đầy đủ các chương trình phòng bệnh, chữa bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y và nhà sản xuất thuốc.
"Việc bổ sung kháng sinh, vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng phải được sử dụng theo khuyến cáo nhà sản xuất, không sử dụng các thuốc tăng trọng trong quá trình nuôi dưỡng, việc ngưng sử dụng các loại thuốc phải đảm bảo đúng thời gian trước khi xuất gia súc ra khỏi cơ sở chăn nuôi để vào giết mổ, cung cấp sản phẩm thịt ra thị trường an toàn, chất lượng", bà Thanh nói.
Đối với người tiêu dùng, bà Thanh cho rằng, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; từ những cơ sở kinh doanh có uy tín, có đăng ký; sản phẩm được bày bán ở nơi đảm bảo vệ sinh và đã được kiểm dịch của cơ quan thú y, của Ban Quản lý An toàn thực phẩm; sản phẩm có bao bì, tem nhãn, còn hạn sử dụng; tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm bị biến đổi màu sắc, có mùi hôi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Khi mua sản phẩm động vật về cần phải bảo quản đúng cách ở nhiệt độ mát 0-4 độ C và thực hiện việc sơ chế sản phẩm thịt tươi ngay sau khi mua về và sản phẩm phải được chế biến chín trước khi sử dụng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, công tác kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm là công việc thường xuyên mà Ban cùng với lực lượng thú y, địa phương, các đơn vị liên quan chủ động phối hợp, thường xuyên thanh tra, kiểm tra. "Không phải gần tết chúng tôi mới đi kiểm tra, mà việc này anh em làm thường xuyên. Tuy nhiên, thời điểm từ 1 tháng trước tết và 2 tháng sau tết, các lực lượng sẽ tập trung kiểm tra tại các kho lạnh lưu trữ nguyên liệu, các lò giết mổ cũng như khâu phân phối: hệ thống các siêu thị hiện đại, chợ đầu môi,...", bà Lan nói và khuyến cáo, người dân cần lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở uy tín, không nên mua hàng trôi nổi trên thị trường.