Huyện có trên 500 ha rừng sim
Một chuyến công tác về xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định), tôi được ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn dắt đi ngắm những đồi sim đang mùa ra hoa.
Nhìn rừng sim rộng đến hơn 100 ha nằm trên địa bàn thôn 1 (xã An Toàn), anh Nam bảo: “Sim bây giờ không còn là loài hoa dại để ngắm chơi, mà quả sim đang mang lại cho đồng bào dân tộc thiểu số sống cạnh rừng một nguồn thu kha khá, ổn định hàng năm đấy".
Theo ông Nam, hàng năm, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7 dương lịch là quả sim trên rừng chín rộ. Đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương lũ lượt mang gùi lên rừng hái sim. Mỗi vụ, rừng sim ở thôn 1 cho sản lượng khoảng gần 30 tấn quả.
Sim được bà con hái về tập trung số nhiều rồi bán cho thương lái. Giá sim có lúc tăng đến 15.000 - 20.000 đ/kg, nhưng giá bình ổn thường là 10.000 - 12.000 đ/kg. Người hái giỏi 1 ngày được 50 kg, ai hái dở cũng được 20 kg. Vào mùa sim chín, mỗi ngày vào rừng trở về là người dân xã An Toàn kiếm được từ 300.000 - 600.000 đ/người, một khoản thu nhập không nhỏ đối với người dân vùng cao.
“Năm nay dù dịch bệnh hoành hành nhưng giá sim được thương lái thu mua tại An Toàn vẫn ổn định với giá 10.000 - 12.000 đ/kg, khi về đến Thị trấn An Lão thì giá tăng lên 15.000 đ/kg. Do dịch bệnh Covid-19, năm nay thương lái ở xa không đến thu mua số nhiều để về chế biến rượu sim được nên sim được bán lẻ cho người dân địa phương”, anh Nam cho hay.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, hiện An Lão đang có hơn 500 ha rừng sim tự nhiên nằm trong đất lâm nghiệp. Trong đó, tại Tiểu khu 37 xã An Toàn có gần 200 ha; tại Tiểu khu 33, khu vực giữa xã An Tân và An Quang có trên 320 ha.
Để bảo tồn và phát triển cây sim tại Tiểu khu 33, UBND huyện An Lão đã đề ra chủ trương giao diện tích các đồi sim tự nhiên cho người dân địa phương quản lý, thu hoạch trái sim dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập kinh tế nông hộ.
Đồng thời, An Lão kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim, từng bước xây dựng thương hiệu “Rượu sim An Lão”, nhằm phục vụ phát triển du lịch và tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn tới tại địa phương.
“Xác định bảo tồn và phát triển cây sim rừng kết hợp làm du lịch là hướng đi mới, nên UBND huyện An Lão đã xây dựng 2 đề án về phát triển lâm nghiệp bền vững và phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm phát huy lợi thế của huyện về đất rừng và tài nguyên rừng theo đúng định hướng của tỉnh”, ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.
Trồng sim xen vườn cây ăn quả
Ngoài làm các dịch vụ cung cấp vật tư, cây giống, tư vấn thiết kế mô hình chuyên về cây ăn quả; giới thiệu liên kết bao tiêu đầu ra và ứng dụng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiện HTX Nông nghiệp Thành Công ở xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang (Gia Lai) còn làm dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn.
Để phát triển dịch vụ du lịch, bà Trần Thị Cảm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công đã manh nha ý tưởng đưa sim rừng về trồng xen trong những diện tích trồng cây ăn quả của HTX để vừa làm cảnh quan, vừa thu hoạch quả chế biến rượu sim, xi rô sim và mật sim.
Cách đây 2 năm, HTX Nông nghiệp Thành Công mua 400 cây sim giống do người dân địa phương đào trên rừng về bán với giá 15.000 đ/cây để trồng xen trong những diện tích đã trồng ổi, chanh, sầu riêng, mít, sapoche, dứa không mắt, dừa…
Sau 1 năm trồng, nhận thấy sim rừng sinh trưởng, phát triển tốt trên đất vườn, HTX tiếp tục mua thêm 600 cây sim nữa về nhân rộng mô hình. Hiện HTX Nông nghiệp Thành Công đã trồng được 1.000 cây sim xen trong vườn cây ăn quả, trong đó có 400 cây sim trồng trước hiện đã cho thu hoạch rộ.
“Trồng sim không khó, chủ yếu chỉ tưới nước. Có cây sim mỗi lần hái được đến 1kg quả, mỗi cây hái đến hơn 10 lần mà hiện vẫn còn cho quả. Với 400 cây sim đang cho thu hoạch, chúng tôi hái từ tháng 4 dương lịch đến nay vẫn chưa hết quả, đến giờ này sản lượng ước đạt gần 4 tạ.
Quả sim thu hoạch được chúng tôi dùng để chế biến rượu sim, xi rô sim và mật sim. Nếu bán lẻ thì sim quả ở đây có giá đến 50.000 đ/kg. Nếu sản xuất thử nghiệm rượu, xi rô và mật từ quả sim thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng diện tích trồng sim trên địa bàn để làm nguồn nguyên liệu, nếu thiếu thì về An Lão (Bình Định) thu mua thêm để tiến tới sản xuất theo dây chuyền công nghiệp”, bà Cảm chia sẻ.
Cũng theo bà Cảm, gần đây có một doanh nghiệp ở Đà Nẵng lên KBang tham quan mô hình trồng sim của HTX, đặt vấn đề nếu HTX nhân rộng diện tích trồng sim lên 10 ha thì doanh nghiệp sẽ hợp đồng liên kết, chuyển giao công nghệ chế biến rượu sim tại HTX, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, do 2 năm qua dịch Covid-19 hoành hành nên chưa thực hiện được.
“Năm ngoái, có một khách hàng ở miền Bắc chuyên thu mua hoa sim sấy khô để xuất khẩu liên lạc, đề nghị HTX hái hoa, sấy khô rồi gửi mẫu ra để họ test chất lượng, nếu đạt thì họ sẽ thu mua hoa sim sấy khô với giá 3,5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, chúng tôi thấy làm hoa mạo hiểm quá, lỡ mình hái hết hoa, sấy khô xong họ không thu mua thì mình công cốc, mất cả vụ quả”, bà Trần Thị Cảm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công chia sẻ.