| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế vùng bãi ngang Quảng Bình: (Bài 2) Nuôi ếch trong bể xi măng

Thứ Tư 12/08/2020 , 07:00 (GMT+7)

Người dân các xã biển bãi ngang ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đang đẩy mạnh việc nuôi ếch trong bể xi măng, tăng thêm thu nhập và làm giàu.

Bà Võ Thị Nở: 'Lứa nuôi này hai hồ cũng được 9-10 tạ ếch thịt, giá bán là 40 ngàn đồng/kg'. Ảnh: N.Tâm.

Bà Võ Thị Nở: "Lứa nuôi này hai hồ cũng được 9-10 tạ ếch thịt, giá bán là 40 ngàn đồng/kg”. Ảnh: N.Tâm.

Bà Võ Thị Nở (65 tuổi, ở thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy, Quảng Bình) mang thức ăn cho bể nuôi ếch sắp đến kỳ thu hoạch.

Bà Nở bảo: “Ao này của tôi đến khi xuất bán cũng ngót được 9-10 tạ ếch thương phẩm. Thương lái họ cũng đặt cọc tiền rồi. Chỉ cần tôi gọi điện là họ mang ô tô đến chở hàng đi. Nhờ nuôi ếch, mỗi năm gia đình tôi cũng dành dụm được từ 80-100 triệu đồng”.

Nuôi ếch không khó

Gia đình bà Nở thuộc diện họ nghèo. Chồng bà là lao động chính đi biển với bạn chài nhưng lại sức khỏe yếu nên thu nhập không được nhiều.

Cách đây hơn ba năm, mô hình nuôi ếch do Trạm Khuyến nông huyện và Hội Phụ nữ đưa về cho bà con vùng biển để tạo kế sinh nhai. Bà Nở xung phong đi đầu làm mô hình.

Từ một phụ nữ miền biển chỉ biết ra vào góc bếp, bà Nở không ngại việc đi họp tập huấn, đọc, ghi chép tài liệu về việc nuôi ếch. Với số vốn được hỗ trợ 20 triệu đồng, bà kêu người xây 3 bể nuôi (mỗi bể khoảng 25m2). Tuần đầu thả giống, ngày, đêm nào bà cũng căng mắt nom ếch có lớn được không.

“Nhà nghèo, vay nợ 20 triệu đồng là quá sức tui rồi. Từ nhỏ đến giờ đã có khi mô tay cầm được tiền triệu. Nên giờ mấy chục triệu đồng nằm ở hồ xây và đám ếch bé tẹo thì hỏi tui ngủ làm sao yên”- bà Nở nắc nỏm nhớ lại.

Vậy rồi, qua hơn hai tháng nuôi, ếch trong hồ lớn bằng nắm tay và đến lúc thu hoạch. Nhờ mấy người ở Trạm Khuyến nông hỗ trợ kêu người về mua chứ bà thì biết đâu mà lần. Đêm hôm đó, ôm cả bọc tiền bà lại không hề chợp mắt.

Nửa đêm, bà ngồi dậy thắp đèn loay hoay tính toán lại chi phí thức ăn, xây bể. Đối chiếu với tiền thu được thì thấy dôi ra đến gần hai chục triệu đồng. Nhà nghèo, không có được cái tủ, cái rương gì cả, bà đành moi cát dưới nền nhà để chôn bọc tiền xuống cất kẻo sợ mất. Hôm sau bà moi tiền lên, tất tả đi mua giống về thả tiếp đợt hai.

Nuôi ếch có vốn đầu tư ban đầu thấp, tạo được thu nhập cao phù hợp với những vùng còn nhiều khó khăn. Ảnh: N.Tâm

Nuôi ếch có vốn đầu tư ban đầu thấp, tạo được thu nhập cao phù hợp với những vùng còn nhiều khó khăn. Ảnh: N.Tâm

Bây giờ mô hình nuôi ếch của bà đã phát triển thêm 6 bể. Bà bảo, thả ếch giống khoảng một tháng là lựa chọn để tách ra. Loại vượt đàn cho ở bể riêng, loại chậm một chút cho ở cùng nhau. Nuôi thêm tháng nữa lại chọn và tách chia ra theo trọng lượng của ếch.

“Làm như thế thì ếch mới phát triển đồng đều được. Vì khi cho ăn, ếch khỏe sẽ lấn lướt con yếu sinh ra con lớn, con còi cọc. Chia tách ra như vậy cũng là để tăng giảm thức ăn tùy theo mỗi bể nuôi. Vả lại, bể nuôi vượt đàn có thể bán trước và lần lượt bán các bể ếch tiếp theo”- bà Nở chia sẻ.

Hôm chúng tôi đến, bà Nở mang thức ăn cho ếch. Thấy tiếng động quen thuộc, lũ ếch đang “thảnh thơi” thì chồm dậy, lao đến tranh mồi. Có nhiều con cứ nhảy bổ vào ôm quanh chân bà nhìn cũng vui mắt. Theo bà Nở, nuôi ếch không khó, chỉ chuyên cần chăm sóc là được. Nước trong bể nuôi phải được thay mỗi ngày để tránh bệnh cho ếch.

Ở bể ếch lớn, bà Nở cho hay, mỗi lứa nuôi thu được khoảng 9-10 tạ ếch thương phẩm. Ngày mai là có thương lái đến mua hết luôn.

“Bữa nay thì êm rồi. Thương lái họ cũng đoán thời gian xuất bán để chủ động gọi cho tui. Hoặc tui bấm điện thoại là họ đến ngay. Nuôi không kịp mà bán đó chứ”- bà Nở nói.

Trong năm, bà con ở đây chỉ nuôi ếch trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 là nghỉ vì thời tiết thất thường, ếch chậm lớn. Trung bình thời gian nuôi khoảng hai tháng rưỡi. Như vậy, mỗi năm, bể nuôi được hai lứa ếch. Tính toán lại, mỗi lần thả nuôi hai vạn con ếch giống, khi thu hoạch xuất bán cho lãi ròng khoảng 40 triệu đồng.

"Như vậy, trung bình mỗi năm thả nuôi hai lứa ếch cũng cho nhà tui có lãi trên 80 triệu đồng”- bà Nở vui vẻ nói.

Mấy bữa nay, bà Nở đang học cách nuôi ếch sinh sản để chủ động nguồn giống. Bà cho hơn 200 ếch bố mẹ cho nuôi ở bể riêng. Bà bảo: “Nếu tui làm giống thành công thì mỗi năm cũng có thêm lãi hơn 20 triệu từ tiền giống. Ngoài ra có thể bán cho bà con trong thôn nữa”.

Bà Trần Thị Kiêm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy Bắc cho hay, hiện có hơn 50 chị em phụ nữ nuôi ếch để cải thiện thu nhập. Từ nuôi ếch, nuôi cá lóc tạo thu nhập ổn định cho bà con vùng biển nghèo này.

Thu tiền tỷ nhờ con “chồm hỗm”

Về đến thôn Thượng Nam (xã Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), hỏi chuyện nuôi ếch làm giàu thì mọi người chỉ ngay đến nhà anh vợ chồng anh Ngô Văn Thuần và chị Nguyễn Thị Hằng.

Cũng như bạn chài khác, lớn lên xây dựng gia đình và theo bạn ra khơi. Sức trai trẻ cũng chỉ làm đủ ăn khiến anh Thuần suy tính đến việc có nghề mới thì mới có hy vọng đủ ăn và vươn lên làm giàu. Học hỏi mãi, anh quyết định làm mô hình nuôi ếch để tận dụng nguồn thức ăn tôm, cá vụn khai thác từ biển.

Trang trại nuôi ếch của gia đình anh Ngô Văn Thuần. Ảnh: N.Hải.

Trang trại nuôi ếch của gia đình anh Ngô Văn Thuần. Ảnh: N.Hải.

Ban đầu, anh xây 3 bể nuôi, bên trong hồ được lót bạt và chắn lưới xung quanh. Năm đầu tiên, anh Thuần nuôi hai vạn con ếch giống. Qua gần ba tháng, lứa ếch đầu tiên đã được thương lái đến tận nhà mua. Ngay vụ đầu, anh đã thu lãi được 20 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của việc nuôi ếch, vợ chồng anh Thuần quyết định mở rộng diện tích nuôi. Anh chọn vùng đất hoang thuê và đầu tư để có được trang trại nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến bây giờ, gia đình anh Thuần có 15 hồ bạt nuôi ếch, 2 ao nuôi cá để tận dụng các phụ phẩm từ nuôi ếch. Ngoài nuôi ếch thương phẩm, anh Thuần còn học hỏi và nuôi ếch sinh sản cung cấp giống cho bà con trong vùng.

Anh Thuần chia sẻ: “Trong năm ngoái, gia đình xuất bán 50 vạn con ếch giống, 10 tấn ếch thịt. Sau khi trừ chi phí, phần lãi cũng được trên 600 triệu đồng”.

Bước vào năm nay, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để có sản phẩm ếch sạch cung cấp cho thị trường. Từ đầu năm đến nay, trang trại cũng đã xuất bán được 50 vạn con ếch giống, thu lãi ròng 400 triệu đồng và dự kiến xuất bán khoảng 20 tấn ếch thịt, lãi khoảng 300 triệu đồng.

Anh Thuần cho biết: “Sang năm, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi ếch giống và ếch thịt. Cơ bản nhất là nghiên cứu làm sao để nuôi ếch được cả 12 tháng trong năm. Nếu được như vậy, thu nhập sẽ tăng cao hơn nhiều và cũng tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương”. Được biết, hiện trang trại của anh sử dụng 4 lao động thường xuyên có mức thu nhập cao và ổn định.

Trong thôn Thượng Nam còn có hô ông Ngô Văn Ngàn đầu tư nuôi ếch giống, ếch thịt. Mỗi năm, từ nuôi ếch, gia đình ông cũng thu lãi 500 triệu đồng.

Nuôi ếch tạo sinh kế cho người dân vùng biển bãi ngang ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: V.Hà.

Nuôi ếch tạo sinh kế cho người dân vùng biển bãi ngang ở huyện Lệ Thủy. Ảnh: V.Hà.

Việc phát triển mô hình nuôi ếch đã góp phần ổn định kinh tế cho vùng biển bãi ngang Ngư Thủy.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho hay, từ những mô hình ban đầu, trong ba năm qua, đã có gần trăm hộ nuôi. Có nhiều hộ nuôi ếch cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Qua đó làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế gia đình và tạo hướng đi mới, thu nhập mới ngoài khai thác biển cho bà con ngư dân.

Về định hướng tới, ông Hiến cũng mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho bà con vay vốn, cấp đất hoặc cho thuê đất lâu năm để người dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.

  • Tags:
Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.