| Hotline: 0983.970.780

Sinh sản nhân tạo giống cua đinh

Thứ Tư 08/02/2012 , 10:18 (GMT+7)

Sinh sản cua đinh phức tạp và khó hơn ba ba rất nhiều. Tuy cùng họ nhưng đặc tính, sự sinh trưởng của chúng đều khác nhau.

Những năm gần đây phong trào nuôi cua đinh (ba ba gai) khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên việc cho sinh sản và tăng đàn không phải ai cũng làm được.

Mới đây, trang trại cua đinh của anh Nguyễn Văn Huệ (số 31, tỉnh lộ 9, ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM) đã cho sinh sản thành công giống cua đinh, chủ động cung cấp giống cho thị trường.

Mày mò gây giống

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Huệ cho biết, trước đây anh đã từng nuôi ba ba, rùa, trăn, nhím… nhưng trong quá trình nuôi anh thấy nuôi con gì cũng được một thời gian rồi giá cả không ổn định; khi nuôi nhiều, thị trường thường bị bão hòa. Anh nghĩ đến chuyện phải nuôi con gì khó nuôi, ít người làm được, nhưng hiệu quả kinh tế phải cao.

Anh đã lặn lội tìm kiếm thông tin trên sách báo. Tình cờ một hôm đọc trên báo thấy người phụ nữ đầu tiên ở miền Tây Nam bộ cho sinh sản nhân tạo giống cua đinh. Sáng hôm sau anh dắt lưng được một ít tiền và bắt xe đò xuống tận tỉnh Hậu Giang để tìm gặp người phụ nữ đó và hy vọng mua được ít con giống về nuôi thử.

Anh Huệ kể, hôm đó cũng hên, vừa xuống tới nơi gặp ngay đoàn kiểm tra của Sở NN- PTNT Hậu Giang ghé tham quan, nếu không một mình tới chắc họ không cho vô coi. Thế là anh cũng nhập ké đoàn vào thăm trang trại, trong khi tham quan anh cũng học hỏi được một số kinh nghiệm.

Khi chuẩn bị ra về, anh đặt vấn đề mua một ít con giống về nuôi thử và được chủ trang trại đáp lại bằng một lời từ chối xanh rờn: “Khách đã đặt hàng 5- 6 tháng nay nhưng không có hàng để bán, anh thông cảm!”. Anh đành ra về và ôm mối thất vọng.

Về tới nhà mà lòng vẫn cứ ấm ức mãi, đúng là mua cua đinh giống còn khó hơn mua vàng. Năm 2009 trong một lần đi thăm một người bạn ở tỉnh Bình Phước, trên đường về anh gặp người đồng bào dân tộc gạ bán 2 con ba ba vừa bắt được ở suối với giá 500.000 đ/2 con, mỗi con nặng khoảng 3- 4 kg. Mới nhìn anh đã phát hiện ra đây là giống cua đinh quý hiếm mà mình đã từng lặn lội về Hậu Giang cũng không mua được.

Như bắt được vàng, anh liền mua và mang về âm thầm nuôi và cho sinh sản. Nhờ chịu khó cần cù, lại có nhiều kinh nghiệm, kiến thức nuôi ba ba thường, anh nhanh chóng áp dụng sang nuôi cua đinh, chẳng mấy chốc cua đinh đã sinh sôi nảy nở đầy đàn. Cua đinh đẻ ra anh nuôi và gây giống bố mẹ. Hiện nay trại của anh có 200 con cua đinh bố mẹ, 50 cua đinh hậu bị, mới đây có thêm 6- 7 cặp đẻ được 100 con.

Anh Huệ cho biết, sinh sản cua đinh phức tạp và khó hơn ba ba rất nhiều. Tuy cùng họ nhưng đặc tính, sự sinh trưởng của chúng đều khác nhau. Muốn nuôi được cua đinh, trước hết phải biết phân biệt giữa cua đinh và ba ba thường: Cua đinh là loại động vật hoang dã, có tính chống chịu rất cao, ít bệnh tật, tăng trưởng rất nhanh; con lớn ở ngoài thiên nhiên trọng lượng lên tới 50- 60 kg/con. Đầu cua đinh có bông vàng, bề mặt của mai xù xì, vòng mai xung quanh cổ có các đầu nhô ra giống đầu đinh. Chính vì vậy người dân Nam bộ gọi là cua đinh. Còn ba ba thì bề mặt của mai nhẵn, đầu không có bông, vòng mai không có đầu đinh nhô ra.

Muốn cho cua đinh sinh sản phải biết phân biệt con đực và con cái. Riêng đối với cua đinh thì rất khó phân biệt, thời gian nuôi từ 2 năm trở nên mới phân biệt con đực, con cái. Chính vì vậy nhiều người không có kinh nghiệm,  nuôi cua đinh được 8 tháng hay 1 năm đã chọn giống bố mẹ, không may chọn phải toàn con cái hoặc lựa phải toàn con đực, nuôi hoài cứ mập ra và không đẻ được.

Anh Huệ bật mí, cách nhận biết con đực con cái bằng cách lật ngửa con cua đinh lên thấy đuôi dài, gai sinh dục lồi ra khỏi mai, đầu dài hơn là con đực. Con cái đầu và đuôi ngắn và mập, thân hình tròn, dầy hơn, đầu gai sinh dục tròn và ngắn. Muốn nuôi cua đinh để sinh sản hiệu quả, môi trường nuôi (ao nuôi, hồ nuôi) cũng phải thay đổi theo từng giai đoạn.

Kỹ thuật nuôi

+ Hiện nay thị trường tiêu thụ cua đinh rất mạnh, đặc biệt là các nhà hàng đặc sản ở TP HCM, Hà Nội đặt hàng rất nhiều; chưa nói thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính vì vậy con giống anh Huệ sản xuất ra vẫn không đủ bán. Giá bán cua đinh giống loại bằng miệng ly là 500.000 đồng/con, loại bằng miệng chén 1 triệu đồng/con, cua đinh giống bố mẹ (từ 3 năm trở lên) 1,5 triệu đồng/kg.

+ Sau khi mở trang trại nuôi và sinh sản cua đinh, nhím, kỳ đà, khỉ, rắn, heo rừng, mỗi năm gia đình anh Huệ thu nhập ngót tỷ đồng. Anh đã xây được nhà kiên cố, mua xe hơi đời mới. Ngoài ra anh còn hỗ trợ con giống cho Tỉnh đội Trà Vinh, Quân khu 9 để thả vào rừng sinh thái Duyên Hải…

Thông thường giai đoạn đầu cua đinh nuôi ở bể ương. Giai đoạn hai nuôi ao đất, thời gian nuôi khoảng 2 năm. Giai đoạn ba, sau khi cua đinh đã thành thục, tiến hành chọn con đực con cái và bắt lên bể đẻ theo tỷ lệ 1 đực, 3 cái, nuôi nhốt chung. Thường thả cua đinh bố mẹ vào tháng 7- 8 âm lịch thì tháng 12 âm lịch bắt đầu cua đinh đẻ. Một năm cua đinh đẻ từ 3- 4 lứa (tùy theo mức độ chăm sóc), mỗi lứa 1 con cái đẻ được 15- 16 trứng, cua đinh hay đẻ từ 4- 5 giờ chiều, nên căn chiều hôm sau thu gom trứng cho vào nhà ấp.

Theo anh Huệ, nhà ấp cũng rất quan trọng, bởi vì tỷ lệ trứng nở cao hay thấp là do nhiệt độ trong nhà ấp có đảm bảo hay không, có thông thoáng không, có địch hại không? Trong nhà ấp thường xây các bể ấp dài từ 1- 2 m, chiều rộng 50 cm, chiều cao 20 cm, xung quanh có làm máng nước vừa để ngăn ngừa kiến vừa để khi cua đinh nở, chúng bò xuống nước, không bị chết. Dưới đáy đổ một cát khô dầy 12 cm, sau đó xếp trứng cua đinh vào và phủ một lớp cát dầy 8 cm. Thời gian ấp khoảng 105- 110 ngày là trứng nở.

Khi trứng nở hết, bắt cua đinh con cho vào chậu nhựa, hai ngày sau tiến hành cho cua đinh con ăn. Thức ăn cho cua đinh con giai đoạn này là bo bo, trùn chỉ, tôm, tép, cá long tong băm nhỏ, ngày cho ăn 1- 2 lần. Nuôi trong chậu 1 tháng để cua đinh cứng cáp mới mang thả vào bể ương, qua bể ương nuôi thêm 2 tháng rồi mới thả xuống ao đất. Thức ăn cho cua đinh giai đoạn này chủ yếu là cua, ốc bươu vàng, cá biển, phụ phẩm lò mổ…

"Cua đinh là động vật bò sát, bộ rùa, ít bệnh, tăng trưởng rất nhanh, giá trị dinh dưỡng rất cao, dễ nuôi, nhiệt độ thích hợp để nuôi cua đinh từ 25- 32 độ C. Với nhiệt độ và điều kiện tự nhiên như vậy thì các tỉnh miền Đông Nam bộ, ĐBSCL đều nuôi được và phát triển tốt", anh nói.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm