| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 30/09/2015

Sinh toàn con gái sẽ được hỗ trợ

Dự thảo Luật Dân số lần 3 đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này, có một đề xuất mới đang gây tranh cãi, đó là: Hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh con một bề là gái.

Đề xuất đó được đa số ủng hộ, bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn ngự trị khá nặng nề trong xã hội Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn.

Chính điều này đã khiến rất nhiều gia đình có đến bốn, năm con, thậm chí sáu, bảy con, chỉ vì những đứa đầu là gái, rồi cứ nhất quyết phải sinh thêm cho bằng được thằng cu “nối dõi tông đường”.

Tại nhiều nơi, người sinh con một bề là gái còn bị kỳ thị, phải “ngồi mâm dưới”, “ngồi chiếu dưới” trong những buổi tiệc tùng hay hội họp dòng họ. Rất nhiều vụ án do đánh lộn gây thương tích, thậm chí gây án mạng đã xảy ra, có nguồn gốc từ sự kỳ thị này.

Chính tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đó đã khiến không ít thai nhi là gái không được chào đời, và làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy: Do sinh nhiều con nên nghèo đói, những đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ, phải bỏ học sớm.

Kế hoạch dân số bị phá vỡ, tỷ lệ nam nữ mất cân bằng (hiện tại là 120 nam/100 nữ). Đã mất cân bằng, lại thêm mỗi năm có hàng ngàn cô gái đi lấy chồng ngoại. Và cứ đà này, thì đến một lúc nào đó, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ không thể lấy được vợ.

Vì vậy, việc hỗ trợ cho những gia đình sinh con một bề là gái, vừa mang tính nhân văn, vừa đề cao sự bình đẳng giới, vừa mang tính tôn trọng phụ nữ, như lời nhận xét rất chính xác của ông Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: “Tôi nhận thấy việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn, và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó có giá trị hơn tiền rất nhiều và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó”.

Việc hỗ trợ cho những gia đình sinh con gái, nước cạnh ta là Trung Quốc cũng đã làm rồi. Nước này không những thưởng tiền cho những hộ sinh con gái, mà còn cấp 600 NDT/tháng cho cha mẹ lúc về già không có lương hưu.

Phía không đồng tình với đề xuất trên của dự thảo cho rằng, tuổi sinh nở của người phụ nữ có thể kéo dài đến 49. Giả sử một phụ nữ lấy chồng năm 20 tuổi, và sinh con theo đúng kế hoạch, thì đến khoảng 27-28, họ đã có hai con rồi. Nếu sinh con một bề là gái, nhận tiền hỗ trợ rồi, mà họ vẫn tiếp tục sinh thêm thì sao?

Lúc đó có đòi lại tiền được không?

Điều đó rất có thể sẽ xảy ra. Nhưng không sao, đi kèm với sự hỗ trợ còn là sự tuyên truyền sâu rộng. Và điều quan trọng nữa là cùng với việc hỗ trợ, dự thảo luật cần đưa thêm vào phần chế tài xử phạt. Đối với những gia đình sinh con một bề là gái, nếu sau khi nhận tiền hỗ trợ mà còn sinh thêm, thì sẽ phạt, phạt nặng. Thưởng phạt phân minh, lại thêm vũ khí tuyên truyền hiệu quả, sẽ hạn chế được tối đa những trường hợp này.

Bởi việc xóa bỏ triệt để tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội, không phải là công việc của một sớm một chiều.