Tại cuộc họp báo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 21/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Gám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, qua theo dõi của Sở Công Thương thấy rằng, giá cả hàng hóa tại TP.HCM trong thời gian qua cũng như thời điểm hiện tại tương đối ổn định.
"Giá có tăng hơn so với trước đây, tuy nhiên không có tình trạng lúc tăng lúc giảm. Giá cả ở các kênh bán hàng chính thống, siêu thị lớn có tên tuổi, giá vẫn ở mức ổn định", ông Phương cho hay.
Ông Phương lấy ví dụ, giá ngày 21/9, mặt hàng cải bẹ xanh ở Bách Hóa Xanh TP.HCM là 23.000 đồng/kg, trong khi đó ở Đồng Nai 17.100 đồng/kg, Tiền Giang 14.400 đồng/kg, Cần Thơ 25.000 đồng/kg;
Rau cải ngọt của Bách Hóa Xanh ở TP.HCM 23.000 đồng/kg, Đồng Nai 16.000 đồng/kg, Tiền Giang 14.100 đồng/kg, Cần Thơ 25.000 đồng/kg;
Rau dền ở TP.HCM 23.000 đồng/kg; Đồng Nai 18.500 đồng/kg, Tiền Giang 18.500 đồng/kg, Cần Thơ 25.000 đồng/kg;
Bắp cải ở TP.HCM là 25.000 đồng/kg, ở Đồng Nai là 19.500 đồng/kg, Tiền Giang là 17.800 đồng/kg, Cần Thơ là 30.000 đồng/kg.
"Như vậy, có thể thấy rằng, giá cả hàng hóa ở TP.HCM, có cao hơn ở các vùng nguyên liệu là điều chắc chắn, nhưng so với một số tỉnh thành trong khu vực thì giá tại TP.HCM rất tốt", ông Phương khẳng định.
Do đó, với việc đội ngũ shipper hoạt động trở lại với số lượng lớn, được chạy liên quận thì năng lực cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối sẽ được tăng cường. Do đó, người dân có thể đăng ký mua ở các hệ thống phân phối lớn, có thương hiệu thì chắc chắn sẽ có giá đảm bảo, phù hợp.
Trong trường hợp, phát hiện có dấu hiệu trục lợi, nâng giá không đúng, có thể thông tin tới Sở Công thương hoặc Quản lý thị trường, cơ quan về giá để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời.
Nói về các giải pháp để hạ nhiệt giá thực phẩm, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, cách tốt nhất là làm sao để đưa được hàng hóa về nhiều nhất, các hệ thống phân phối được phát triển mở rộng nhiều nhất.
"Hiện các hệ thống chợ, các địa phương bắt đầu có phương án từng bước mở lại chợ an toàn để cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm. Tôi nghĩ rằng khi mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng, cùng với lượng hàng hóa được đưa về điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại ba chợ đầu mối nhiều hơn thì giá cả sẽ từng bước giảm nhiệt", ông Phương chia sẻ.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, đến ngày 20/9, tổng nhu cầu đăng ký "đi chợ hộ" tại TP.HCM là 50.567 hộ, giảm 10,81% (tương đương giảm 6.126 hộ) so với ngày hôm trước.
Số lượng hộ đăng ký “đi chợ hộ” giảm sâu cho thấy, Thành phố đang dần mở cửa hoạt động trở lại hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu, với việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân, tùy theo tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn cụ thể, có nhiều lựa chọn để mua hàng hóa thiết yếu.