Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 20/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã thông tin về phương án hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM với gói hỗ trợ thứ 3.
Theo ông Hoan, gói hỗ trợ thứ 3 xuất phát từ thực tiễn gói hỗ trợ 1 và 2. Danh sách hỗ trợ gói 3 lấy từ cơ sở danh sách của gói 1, gói 2 và cập nhật bổ sung các trường hợp khó khăn. Đảm bảo nguyên tắc những người khó khăn đều được chăm lo.
"Lập danh sách không bỏ sót, không trùng lặp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; và đặc biệt cán bộ cơ quan nhà nước hoặc người dân không được lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân", ông Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố cố gắng chậm nhất ngày 24/9 có thể hỗ trợ người dân nằm trong gói thứ 3.
4 nhóm đối tượng hỗ trợ trong gói thứ 3 gồm:
- Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. "Như vậy, gói này hỗ trợ theo người thay vì theo hộ", ông Hoan nói.
- Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…). "Những người đã về quê sẽ không được nhận hỗ trợ", ông Hoan lưu ý.
- Người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
- Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Ông Hoan cho biết nhóm này là những người tình cờ có mặt tại TP.HCM trong thời gian giãn cách. Gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được người sử dụng lao động trả lương của tháng 8/2021.
Điều kiện để được hỗ trợ
Ông Hoan cũng cho biết, số lượng dự kiến hỗ trợ là 7.347.116 người, với mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người từ nguồn ngân sách Thành phố, với tổng số kinh phí dự kiến gói 3 là trên 7.347 tỷ đồng. Cách thức hỗ trợ bằng tiền mặt, hoặc chuyển thẳng vào tài khoản người dân (tùy theo nhu cầu của người nhận hỗ trợ).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, mỗi gói hỗ trợ đều có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn riêng. Gói hỗ trợ thứ nhất dựa trên Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM và Chỉ thị 15, do đó chỉ tập trung vào lao động tự do có hộ khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn TP.HCM, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người. Công tác tổ chức gói này rất cơ bản, dễ dàng.
Do sự thay đổi về tình hình nên tình trạng người nghèo, khó khăn gia tăng khi TP.HCM triển khai Chỉ thị 16 và 16 tăng cường. "Hộ nghèo, cận nghèo và một bộ phận hộ lao động gặp khó khăn ở trong khu dân cư xuất hiện ngày càng nhiều.
Trên cơ sở đó, TP mở rộng đối tượng cho những người đã nhận gói 1 được tiếp tục nhận gói 2; và bổ sung thêm một số lao động tự do không nằm trong Nghị quyết 09, đồng thời bổ sung thêm hộ nghèo, cận nghèo, lao động gặp khó khăn. TP thống kê thêm 1,3 triệu hộ lao động nghèo gặp khó khăn. Trong gói 2, đối tượng hỗ trợ chia làm 2 loại: người lao động tự do; và hộ nghèo, cận nghèo và hộ lao động nghèo, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng", ông Hoan phân tích.
Tuy nhiên, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách kéo dài, người dân gặp quá nhiều khó khăn, nên Thành phố tiếp tục gói hỗ trợ thứ 3. "Mục tiêu cuối cùng của chính quyền Thành phố là chăm lo làm sao để càng làm càng cụ thể, càng thiết thực, tránh những bất công trong cách tổ chức, sao cho nhiều người được hưởng chính sách này", ông Hoan nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, TP cố gắng phủ hết nhưng vẫn có thể có thiếu sót. "Nếu đúng đối tượng thì phải cập nhật, nếu không đúng đối tượng thì phải giải thích để người dân hiểu. Ngoài ra, địa phương có thể tận dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân", ông Hoan lưu ý.
Nhằm hạn chế tình trạng trục lợi chính sách, ông Hoan cho rằng, cần phải có cơ chế. Cấp phường, xã phải có hội đồng xét duyệt; Khu phố cũng có tổ kiểm tra, rà soát danh sách từng địa bàn và trình UBND quận/huyện/TP Thủ Đức xem xét phê duyệt.
"Thành phố sẽ lấy cơ chế tập thể làm cơ sở quyết định các vấn đề dân sinh, và là cơ sở để hạn chế đến mức thấp nhất cá nhân, cán bộ, công chức có thể sai sót, có thể vô tình ảnh hưởng đến chính sách. Nếu cán bộ cố tình trục lợi trong các gói hỗ trợ này sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính còn nếu vô ý, không có động cơ cá nhân thì thôi”, ông Hoan cho hay.
Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết, hiện Thành phố sử dụng trường dữ liệu của bảo hiểm xã hội để lọc hết những người trong danh sách có hưởng lương tháng 8. Còn người chưa có trong danh sách của BHXH sẽ do địa phương xem xét, phân tích đánh giá.