| Hotline: 0983.970.780

Số hóa thông tin thị trường lao động thành hệ thống cơ sở dữ liệu

Thứ Ba 07/03/2023 , 17:37 (GMT+7)

Việc số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động sẽ giúp các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động.

TS. Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội thảo.

TS. Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thông tin thị trường lao động phục vụ phân tích, dự báo nhu cầu lao động tại Việt Nam” vừa qua, TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, thông tin thị trường lao động là rất quan trọng đối với cả Chính phủ, các địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy việc xây dựng cơ sở dữ liệu là rất cần thiết.

“Hiện Cục đang tiến hành xây dựng và đề nghị các địa phương cũng sớm triển khai cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động. Các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông với nhau, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường, chuyên gia để xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động đảm bảo độ tin cậy, đồng thời phát huy hiệu quả của các cơ sở dữ liệu này”, TS. Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Việc làm, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động sẽ giúp các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được cung - cầu, những biến động để phân tích, dự báo sát; xây dựng hợp lý chính sách việc làm, chính sách hỗ trợ, kế hoạch, giải pháp, cũng như các cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp, tư nhân phát triển…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nắm bắt được những thông tin về thị trường lao động để có kế hoạch xây dựng dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động và người lao động biết được nhu cầu, việc làm phù hợp.

Các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông với nhau.

Các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông với nhau.

Theo Cục Việc làm, mặc dù đang phục hồi và phát triển nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Điển hình là hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nơi doanh nghiệp tìm người không ra, có nơi lại cắt giảm lao động.

Từ đó, Cục Việc làm đã nghiên cứu và xác định nhiều hạn chế trong việc kết nối cung - cầu lao động của cơ quan quản lý như: thu thập thông tin thị trường chưa kịp thời; ít hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu; tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thông tin thị trường thiếu và bị chia cắt…

Cục Việc làm cũng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là các giải pháp thực hiện liên thông thị trường, kết nối cung cầu lao động được chú tâm triển khai mạnh.

Mặc dù đang phục hồi và phát triển nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế.

Mặc dù đang phục hồi và phát triển nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và hạn chế.

Trong năm 2022, Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối và định hướng hoạt động cho các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh/thành.

Trung tâm triển khai mạnh hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu lao động thống nhất trên toàn quốc.

Từ đó, Trung tâm đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người để phục vụ các phiên giao dịch việc làm, phân tích dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương, hỗ trợ địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến…

Hội thảo “Thông tin thị trường lao động phục vụ phân tích, dự báo nhu cầu lao động tại Việt Nam" do Dự án Data4Policy Việt Nam thuộc Sáng kiến “Data4Policy” (Dữ liệu phục vụ cho chính sách) của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức. Hội thảo được Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) ủy quyền nhằm hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) sửa đổi Luật Việc làm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đồng thuận rằng cần tăng cường Hệ thống thông tin thị trường lao động và sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn thông tin này để cung cấp bằng chứng cho hoạch định các chính sách về lao động – việc làm và kỹ năng của Việt Nam.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan trong Hệ thống thông tin thị trường lao động để sử dụng tốt hơn các nguồn dữ liệu truyền thống, đồng thời khai thác các nguồn dữ liệu đổi mới như dữ liệu lớn về vị trí việc làm trực tuyến.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.