| Hotline: 0983.970.780

Phát triển thị trường lao động để phục hồi nhanh kinh tế - xã hội

Thứ Năm 12/01/2023 , 14:07 (GMT+7)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Ngày 10/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện; quan hệ cung - cầu lao động gia tăng; chất lượng việc làm ngày càng cải thiện; lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên, đóng góp quan trọng vào những thành tựu về kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp; gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); nhiều lao động di cư trở về quê, khiến quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...

Để xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập tại các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, quản lý và điều tiết phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hiệu quả; tạo điều kiện để dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, giảm rủi ro, chi phí di chuyển lao động.

Xây dựng chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động.

Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát là thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.

Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm: Nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động như: (i) bổ sung, hoàn thiện các chính sách mang tính chủ động, phòng ngừa thất nghiệp; (ii) chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động; (iii) quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp.

Phục hồi và ổn định thị trường lao động: Bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trường khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động. Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động: Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Khẩn trương triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời trong cộng đồng.

Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.

Công tác truyền thông: Nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, địa phương, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động; đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh; báo cáo, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết vấn đề vượt thẩm quyền; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.