Trả lời tờ New York Post, Cảnh sát trưởng Sở Cứu hỏa New York Daniel Flynn cho biết rằng cơ quan này đã ghi nhận 30 vụ hỏa hoạn liên quan đến pin lithium trong năm 2019, con số này đã tăng lên 104 vào năm 2021 và tăng vọt lên 268 vào trong năm 2023. Trong hai tháng đầu năm 2024, 31 vụ cháy tương tự đã được ghi nhận, khiến 26 người bị thương và 1 người thiệt mạng.
Nhà báo người Ấn Độ Fazil Khan đã thiệt mạng hồi tuần trước khi một quả pin lithium ion bốc cháy ở hành lang khu căn hộ ở Harlem. Cư dân ở các tầng cao hơn bị mắc kẹt bên trong tòa nhà khi vụ cháy xảy ra, 18 người bị thương trong vụ hỏa hoạn trên.
Xe máy và xe đạp điện đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến ở Mỹ trong đại dịch Covid-19, khi nhiều người sử dụng loại xe này để đi giao hàng trong thành phố, ông Flynn giải thích.
"Nhiều người đã mua các loại phương tiện này khoảng 3 năm trước, và bây giờ chúng đã xuống cấp nhiều", ông Flynn nói, chỉ ra rằng việc sửa chữa và thay từng viên pin riêng lẻ, thay vì toàn bộ quả pin, làm tăng nguy cơ gây hỏa hoạn chết người.
"Chúng tôi đã phát hiện nhiều người thậm chí còn cố tự sửa chữa, độ chế loại pin này, hay mua pin thay thế từ các cửa hàng không được cấp phép. Chúng tôi khuyên mọi người không nên mua các loại pin thay thế giá rẻ và hãy bảo dưỡng tại các cơ sở chính hãng", ông Flynn nói.
Pin Lithium-ion có thể bắt lửa nếu quá nóng hoặc vỏ pin bị thủng. Lithium có thể cháy dữ dội khi tiếp xúc với không khí và một khi bắt đầu, đám cháy từ pin lithium không thể dập tắt một cách dễ dàng. Thậm chí, nếu dùng nước để chữa cháy thì có thể gây nổ, do nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro.
FDNY cũng thành lập "Lực lượng Đặc nhiệm Lithium-ion" để ứng phó với mối nguy này. Các sĩ quan sẽ thường xuyên kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp đề nghị sửa chữa từng viên pin riêng lẻ, mà không thay cả quả pin.