Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy định quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi tổ chức ngày 17/11, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành chăn nuôi nước ta đóng góp trên 25% vào GDP ngành nông nghiệp, đồng thời giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 5-6%/năm suốt thời gian qua.
"Với vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, bảo đảm sinh kế cho gần 10 triệu người, chăn nuôi góp phần giúp ngành nông nghiệp thành trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, ngành chăn nuôi hiện có hệ thống thể chế, pháp luật tương đối hoàn thiện, sát với yêu cầu thực tiễn sản xuất và mang tính hội nhập cao. Cụ thể, Việt Nam đã có Luật Chăn nuôi, 03 Nghị định, 05 Thông tư, 01 Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045, 01 Chiến lược phát triển bền vững ngành NN-PTNT. Cùng với đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng đây là hệ thống thể chế quan trọng để vận hành ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật, giúp toàn ngành nâng cao giá trị gia tăng, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Một loạt văn bản quy phạm pháp luật này cùng với Nghị định 13/2020/NĐ-CP, Nghị định 46/2022/NĐ-CP, Nghị định 14/2021/NĐ-CP và Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT... giúp ngành chăn nuôi nói chung và lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi nói riêng tạo lập môi trường đầu tư tốt và cạnh tranh minh bạch cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Dương Tất Thắng nhận định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung thường có độ trễ và đôi khi còn những điểm còn hạn chế so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Điều này đúng trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Do đó, việc rà soát, điều chỉnh pháp luật để tăng tính hiệu quả, hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết. Điều này giúp tạo tập, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi phát triển, đồng thời phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã thực hiện rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, đồng thời tiếp thu kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chăn nuôi nói chung và quản lý thức ăn chăn nuôi nói riêng.
Cụ thể, Cục đã tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 13/7/2022); trình Bộ ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2021 về sửa đổi 01:2021 QCVN 01-190:2020/BNNPTNT (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021). Thời gian tới, Cục cam kết sớm trình ban hành sửa đổi Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT và sửa đổi QCVN 01-183:2016.
Ở địa phương, người dân hiện khá chủ động khi tự phối trộn thức ăn cho lợn, gà để giảm chi phí. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính tự phát, chất lượng cũng như sản lượng chưa đảm bảo. Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã khuyến cáo, bà con tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững, đồng thời làm tiền đề để cho việc hình thành các vùng nguyên liệu lớn cho thức ăn chăn nuôi.
Hợp tác cùng phát triển
Bà Sanne Hoj Andren, Tham tán Nông nghiệp - Thực phẩm, Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, năm 2015 Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Chương trình “Hợp tác chiến lược ngành về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn” (SSC) do Đan Mạch khởi xướng. Đến nay, SSC đã thu hút sự tham gia của 18 quốc gia, với tổng số khoảng 40 dự án được thực hiện.
Trong giai đoạn 1, từ tháng 2/2017 đến tháng 12/2019, chương trình SSC tại Việt Nam đã hỗ trợ Cục Chăn nuôi xây dựng được dự thảo chương mới về quản lý thức ăn chăn nuôi cấp trang trại trong Luật Chăn Nuôi.
Giai đoạn 2 đang triển khai, từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2023, chương trình dự kiến hỗ trợ dự thảo hướng dẫn thanh tra nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Giai đoạn 3, dự kiến triển khai từ năm 2024 đến 2026 sẽ mở rộng đến việc truy xuất trong chuỗi giá trị thịt lợn.
"Các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch không ngừng đầu tư trang thiết bị và giải pháp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp giảm tiêu tốn nước và năng lượng hơn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ mới với Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh hiệu quả, bền vững”, bà Sanne Hoj Andren chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện Phòng Thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi giới thiệu một số điểm chính trong Dự thảo sửa đổi Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019.
Theo đó, tại Khoản 4 Điều 4, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm, thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ nếu chứa thành phần kháng sinh hoặc thuốc thú y không phải kê đơn theo quy định thì đều phải ghi rõ tên, hàm lượng, mục đích sử dụng thuốc, cũng như hướng dẫn sử dụng cụ thể trên tem, mác.
Dự thảo bổ sung Khoản 5 vào Điều 4, trong đó yêu cầu thức ăn chăn nuôi đã công bố hợp quy thì phải thể hiện dấu hợp quy trong tài liệu kèm theo, hoặc trên nhãn, bao bì sản phẩm một cách rõ ràng. Trên đó, ghi rõ tên cơ sở chịu trách nhiệm, địa chỉ sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Điều 5 được sửa đổi, bổ sung theo hướng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, theo đơn đặt hàng phải báo cáo tình hình sản xuất về Cục Chăn nuôi hoặc Sở NN-PTNT địa phương từ ngày 16 đến ngày 25 của tháng thuộc kỳ báo cáo. Sở NN-PTNT có trách nhiệm thông báo kết quả thanh, kiểm tra về Cục Chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN-PTNT từ ngày 16 đến 25 của tháng cuối quý.
Những nhãn sản phẩm thức ăn chăn nuôi chứa thuốc thú y đã in trước ngày ra Thông tư thì tiếp tục được phép sử dụng đến ngày 31/12/2024.
Một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về thức ăn chăn nuôi cũng được thông báo, trong đó người chăn nuôi phải đặc biệt lưu ý đến các giới hạn tối đa về hàm lượng độc tố nấm mốc, kim loại nặng và vi sinh vật trong thức ăn hỗn hợp.
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cảm ơn các đại biểu đã góp phần lan tỏa, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là các văn bản mới ban hành đến các cơ quan địa phương, hội, hiệp hội, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay giống một diễn đàn, giúp các cơ quan có cơ hội trao đổi, phản hồi về quy định của pháp luật trong quản lý thức ăn chăn nuôi. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ tiến tới chuẩn hóa các quy định để cùng nhau thực hiện một cách có hiệu quả hoạt động quản lý và thanh tra thức ăn chăn nuôi.
Trong nhiều cuộc họp với khối chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đều nhấn mạnh việc tìm mọi cách để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, bởi thức ăn chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Bộ trưởng lưu ý, cán bộ khối chăn nuôi nghiên cứu các công thức phối trộn, bổ sung các loại phụ phẩm từ ngành trồng trọt, thuỷ sản, chăn nuôi để thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả thức ăn tinh, đạm và thức ăn bổ sung.