Diện tích, sản lượng năm 2021 sẽ tăng 20% so với 2020
Tỉnh sơn La cho rằng, năm 2021, cần tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; xây dựng uy tín thương hiệu nông sản của Sơn La thông qua đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý nông lâm thủy sản theo Luật An toàn thực phẩm;
Phấn đấu 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn Sơn La được tiêu thụ ổn định, hình thành được thị trường nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, các địa phương trong cả nước và xuất khẩu, đồng thời kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, mục tiêu năm 2021, toàn tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục duy trì và phát triển ổn định 194 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phấn đấu tăng 30% số chuỗi so với năm 2020 trở lên;
Diện tích, sản lượng nông sản, thủy sản thực phẩm an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 20% so với năm 2020 trở lên; duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản tại thành phố Hà Nội và các tỉnh.
Đối tượng áp dụng phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2021 là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh Sơn La ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ
Để thực hiện các nội dung kế hoạch nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Sở NN-PTNN cùng các sở, ban, ngành liên quan duy trì và phát triển 263 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Trong khi đó tiếp tục củng cố phát triển 194 chuỗi hiện có, lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ 69 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp HTX xây dựng vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Tổ chức chứng nhận thẩm định, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương tự, hỗ trợ liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông, thủy sản an toàn được cấp Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi.
Đồng thời hỗ trợ 41 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn điện tử thông minh Qr Code... cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có 21 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Hỗ trợ các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã doanh nghiệp thuê 16 điểm bán sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia các tuần hàng hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm chuỗi nông sản, thủy sản trong và ngoài tỉnh; cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống thành chợ nông sản tại các huyện, thành phố, thị xã để thu hút giao dịch, tiêu thụ sản phẩm.
Sơn La cũng thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ và tăng cường năng lực quản lý cũng được triển khai như áp dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật để duy trì và bảo tồn nguồn gen quý của một số cây trồng, vật nuôi của địa phương đang có nguy cơ bị mai một.
Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ viên chức, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Sơn La sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nguyện vọng dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng cải tạo kết cấu hạ tầng hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản an toàn tập trung; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo dựng lòng tin vào hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.