| Hotline: 0983.970.780

Sống “chui” trong đất quy hoạch

Thứ Tư 03/12/2014 , 08:40 (GMT+7)

Từ bỏ làng quê, nhiều nông dân khắp nơi tìm về TP. HCM bắt đầu một cuộc mưu sinh mới. Họ lăn lộn, trải qua đủ thứ nghề từ làm công nhân, phụ hồ, bán vé số cho tới chạy xe ôm. Số phận đưa đẩy, họ lại dạt về ở đậu trong những khu đất tại những dự án “treo”.

Xóm ngụ cư hay còn được gọi với cái tên “xóm cá” thuộc ấp 4, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè là một xóm nhỏ với hơn chục gia đình sinh sống, được hình thành từ cách đây gần chục năm bởi những người lao động nghèo từ khắp nơi đổ về.

Ông Lê Văn Lắm quê ở Vĩnh Long, năm nay gần 60 tuổi. Hồi còn sống, cha mẹ sinh được 6 người con, ông là con trai út trong nhà. Nhà nghèo, các anh chị lại đông, ở quê ruộng đất không đáng là bao nên cả gia đình thiếu trước hụt sau, quanh năm sống cảnh vay mượn. 

Không sinh sống được tại quê hương, cách đây chục năm, ông Lắm bán hết ruộng, gom góp dắt díu theo bốn đứa con, cháu nội, ngoại lên thành phố lang thang mưu sinh.

Sau một thời gian cất công tìm kiếm, ông cũng cất một cái nhà tạm bợ trong một khu đất trống nằm ở ấp 4, phường Phước Kiểng của một dự án đã được đền bù nhưng vẫn đang chờ giải tỏa.

Trong căn lều bằng lá xập xệ điện nước không có, thứ tài sản quý giá nhất có chăng chỉ là chiếc bình ắc quy được gia đình ông mua với giá gần 2 triệu đồng, dùng để chiếu sáng cho mấy đứa cháu học bài.

Cách đó không xa là một dãy lều của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng. Chị Phượng có chồng là anh Nguyễn Văn Danh, cả hai đều quê ở Bến Tre.

Cách đây 4 năm gia đình chị Phượng mua lại một điểm nuôi cá của một người dân trước đó cũng sinh sống trong khu vực này. Tiếng là sang nhượng lại nhưng chỉ là hình thức đưa tiền trao tay rồi dọn vào ở.

Trước khi đi người chủ trước không quên căn dặn: “Mình ở thì cứ ở, nuôi cá thì vẫn cứ nuôi, nhưng khi nào họ khởi công xây dựng thì mình phải dọn đi mà không được đền bù gì đâu”.

Nghe người ta nhắc nhở chị Phượng cũng không khỏi lo sợ nhưng chỉ cần tá túc được nửa năm thôi thì số tiền nhà trọ hai vợ chồng phải trả hằng tháng cũng hòa vốn nên chị cũng an tâm.

Thế rồi, chị kêu gọi thêm ba má, anh chị em khác trong gia đình vào chung. Rồi cứ như thế nhiều người khác cũng lần lượt kéo nhau về đây, nương nhờ, tá túc trên khu đất quy hoạch bỏ hoang này. Hiện tại xóm ngụ cư đã có gần 30 hộ gia đình cùng sinh sống.

Tại xóm ngụ cư còn có chàng trai tên Chinh, quê ở Sóc Trăng lên thành phố học hành từ quản trị kinh doanh đến kiến trúc. Ra trường được hơn 3 năm, lấy vợ xong không có chỗ ở cũng tìm về xóm ngụ cư hỏi thuê đất để nuôi cá tra, theo nghiệp truyền thống của gia đình.

Thấy vậy, nhiều người trong xóm ngụ cư can ngăn nhưng Chinh quyết tâm ở lại đào ao nuôi cá và trở thành hàng xóm của ông Lắm.

Trên vùng đất đầm lầy, quy hoạch nhưng đã để hoang nhiều năm của huyện Nhà Bè, Chinh thuê máy móc đào 3 cái ao rộng gần một mẫu để nuôi cá. Năm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm nuôi, Chinh lỗ hơn 50 triệu đồng, rơi vào cảnh nợ nần.

Chinh tiếp tục vay mượn, đầu tư thả nuôi cá vụ mới, mỗi ngày Chinh đi gom mua khoảng 40 thùng cơm thừa, xương bò, heo, phế phẩm từ các cơ sở kinh doanh ăn uống về cho cá ăn. Chính vì nguồn thức ăn hạn chế, chủ yếu để cá sinh trưởng theo tự nhiên nên đàn cá của gia đình lớn chậm.

15-51-10_nh2
Việc nuôi cá tra bằng phế phẩm động vật đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, sau gần 2 năm, thành phố đã thu hồi, hủy bỏ văn bản pháp lý 536 dự án (với diện tích hơn 5.395 ha) không khả thi hoặc chủ đầu tư không có năng lực thực hiện.
Đây là các dự án đã kéo dài thời gian gây lãng phí nguồn lực đất đai, đặc biệt là ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Cũng giống như Chinh, gia đình chị Phượng cũng có chung cách nuôi như vậy. Chị Phượng tính toán: “Nếu mình nuôi cá tra trong môi trường như ở đây thì cứ đầu tư 2kg cám sẽ được 1kg cá thương phẩm. Trong khi 2kg cám có giá 25.000 đồng thì 1kg cá tra thịt bán ra thị trường chỉ có 18.000 đồng, như vậy đã nắm chắc phần lỗ. Do đó, để nuôi cá có lời, gia đình tôi cũng chỉ có cách đi gom cơm thừa về để thả cho cá ăn”.

Cách đó không xa, ông Minh, một nông dân của phường Phước Kiểng ngày trước cũng có một mảnh ruộng lớn nhưng đã bị thu hồi để làm dự án. Ông được đền bù mấy trăm triệu đồng, không còn đất SX, không xác định được công việc khác nên tiền cũng đã tiêu hết từ lâu.

“Lúc thu hồi đất họ nói dự án sẽ triển khai nhanh lắm, mà lạ thật, chục năm trôi qua mảnh đấy ấy vẫn trơ trơ”, ông Minh bảo.

Thế là ông lại tìm về khu đất cũ, dự tính đào hai cái ao nhưng mới xong một cái thì chính quyền xã ngăn cản, thế là chỉ nuôi được một ao. Cánh đồng sau chục năm bỏ hoang, cây cỏ thi nhau mọc um tùm, ông lại đầu tư mua vài chục con dê về nuôi thả. Nhưng ở cái nơi hoang vắng này, đàn dê 40 con của ông cứ ít dần đi.

“Cuộc sống tạm bợ, biết mình đang làm chui trên đất đã quy hoạch nhưng cũng phải liều thôi. Nhờ mảnh đất làm chui ấy mà mỗi năm cũng thu được dăm ba chục triệu đồng, gia đình tôi cũng đỡ khổ”, ông Minh nói.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...