Các ngôi nhà xây dưới lòng đất ở huyện Bình Lộ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily). |
Khi được hỏi gia đình ông đã sống trong ngôi nhà xây dưới lòng đất ở huyện Bình Lộ, tỉnh Sơn Tây, được bao nhiêu năm, Wang Shouxian, 70 tuổi, đưa ra một câu trả lời gây bất ngờ: “Hơn 300 năm”, theo Telegraph.
Không chỉ ông Wang mà cả cha ông, ông ông và cụ ông cũng đều sinh ra trong nhà xây dưới lòng đất. “Từng có một con đường quan trọng ở gần đây”, ông nói. “Vì thế, các cụ đi trước đã xây nhà dưới lòng đất để làm một nơi nghỉ chân cho những người qua đường mệt mỏi. Tất cả người lớn tuổi trong huyện đều biết đến khách sạn gia đình Wang chúng tôi”.
Trên bức tường đối diện giường ngủ của Wang gắn chi chít những bức ảnh đã phai màu từ nhiều thập kỷ trước, gợi nhớ cho ông về gia đình lớn của mình. Tuy nhiên, không ai trong số ba con trai hay các cháu của ông, hiện học tập và làm việc tại trung tâm huyện, muốn về quê sống trong những căn nhà dưới lòng đất mà tổ tiên đã dựng lên.
Vì vợ ông đã qua đời vài năm trước, Wang sống một mình trong ngôi nhà. Từng có hàng trăm ngôi nhà giống như vậy trước những năm 1980, nhưng hầu hết chúng đều đã sụp đổ vì những người trẻ đều rời quê đi nơi khác và người già thì nằm xuống.
Những ngôi nhà có niên đại hơn 4.000 năm và là duy nhất ở khu vực phía nam tỉnh Sơn Tây, nơi thiếu đá và đất rất giàu hoàng thổ, một loại trầm tích do sông Hoàng Hà mang tới từ sa mạc Gobi.
Sân của một ngôi nhà dưới lòng đất. (Ảnh: China Daily). |
Wang được chính quyền tỉnh phong là chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2008 bởi ông là một trong số rất ít người ngày nay còn biết cách xây nhà dưới lòng đất. Theo ông, việc xây nhà không khó nhưng để duy trì nó lại khá tốn kém.
Để xây nhà, thực chất là một hố có diện tích khoảng 200 m2 và sâu từ 7 đến 8 m, người ta phải đào đất trên một cao nguyên hoàng thổ bằng phẳng. Vị trí xây nhà được những bậc thầy phong thủy lựa chọn. Đáy của hố là phần sân, sau đó, những hang động được đào trên thành hố, tạo nên các phòng.
Một hành lang quanh co dẫn tới đáy hố là con đường duy nhất giúp vào và ra khỏi nơi cư trú đặc biệt, nhưng lối vào hành lang luôn được giấu kín để tránh những vị khách không mời hay những kẻ xâm nhập.
Trong sân nhà có một chiếc giếng, cũng là nơi người dân hứng nước mưa để sử dụng hàng ngày, và một hố nước thải ngầm. Trên phần mái bằng của nhà là hai con lăn bằng đá. Wang cho biết ông dùng các con lăn để nén đất, khiến chúng trở nên cứng và chắc. Cỏ mọc phía trên khối công trình luôn phải được nhổ sạch bởi rễ của chúng có thể ảnh hưởng tới cấu trúc nhà, gây hư hỏng nhà. Nếu công việc bảo trì không được thực hiện kịp thời, đất có thể trở nên lỏng lẻo, khiến các hang được đào trong quá trình xây dựng để làm phòng ở đổ sập, gây nguy hiểm.
Ngoài công việc thăm khám gia súc tại những ngôi làng lân cận, ông Wang dành phần lớn thời gian để sửa chữa và gia cố nhà.
Theo các nhà khảo cổ, dựng nhà dưới lòng đất hay trong các hang động là tập tục của loài người nguyên thủy. Các ghi chép cổ xưa cho thấy người dân địa phương nghĩ ra cấu trúc nhà ngầm này để tránh thú hoang cũng như gió thổi.
Ông Wang và vợ cho khách du lịch tới tham quan nhà họ từ những năm 1980. Họ có một quyển sổ ghi chép lưu giữ cảm nhận của những vị khách tới thăm. Một vị khách từ London, Anh, năm 2012 viết: “Cảm ơn vì đã gây thú vị cho chúng tôi với ngôi nhà tuyệt vời và đặc biệt của các bạn. Trước đây, tôi mới chỉ nghe về những nơi như thế này. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Một cuộc sống rất thoải mái ở đây”.
Căn phòng bên trong một ngôi nhà dưới lòng đất ở Bình Lộ. (Ảnh: China Daily). |
Wang Fang, người sinh ra tại Bình Lộ nhưng nay sống ở Thượng Hải hồi tháng 8/2014 viết: “Tôi từng lớn lên trong những ngôi nhà dưới lòng đất ở Bình Lộ. Nay, chúng chỉ xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Cảm ơn vì đã bảo vệ giấc mơ của tôi, ngôi nhà của tôi”.
Giờ đây, mối lo lắng lớn nhất của ông Wang Shouxian là ngôi nhà ông gìn giữ bao lâu nay có thể sẽ không còn nữa khi ông qua đời. “Không ai muốn học cách để xây nhà dưới lòng đất và sống bên trong chúng bởi quá trình xây dựng quá kỳ công và có rất nhiều việc phải làm.