Nợ 4,7 tỷ đồng BHXH của hơn 900 công nhân
Cuộc sống khó khăn của cán bộ, công nhân viên và người lao động các công ty thủy nông như Sông Nhuệ, Sông Đáy, Mê Linh, Hà Nội (trên địa bàn TP Hà Nội) cũng tương đồng với cảnh ngộ của 935 người lao động trong Cty ĐT-PT Thuỷ lợi Sông Đáy.
Công nhân thủy nông nạo vét các trục kênh thủy lợi
Ông Doãn Văn Kính – Chủ tịch kiêm TGĐ Cty Đầu tư Phát triển Thuỷ lợi Sông Đáy cho biết: Cty chúng tôi là một trong 5 doanh nghiệp thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích do TP Hà Nội đặt hàng gồm tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và xã hội trên địa bàn 6 quận, huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) và 1/3 quận, huyện (Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên) với tổng diện tích lưu vực khoảng 70.000 ha; quản lý vận hành 524 tuyến kênh với tổng chiều dài 900 km; số lượng cống và các công trình trên kênh là 6.367 công trình; 4 hồ chứa nước với tổng diện tích 1.346 ha; số lượng công trình đầu mối là 132 công trình.
Vị TGĐ cũng nhấn mạnh năm 2016, TP có quyết định phê duyệt đặt hàng tạm thời duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh xã hội theo mức miễn thuỷ lợi phí với 93 tỷ đồng (chỉ bằng 40 – 45% tổng kinh phí đặt hàng hàng năm giai đoạn 2013 - 2015). Trong khi đó, các khoản chi phí thực tế lớn hơn nhiều như chi phí điện năng, trích nộp BHXH cho người lao động theo Luật BHXH; chi phí liên quan đến thực hiện Bộ luật Lao động (khám sức khoẻ định kỳ, công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ).
Tính đến 31/12/2016, Cty còn nợ các cơ quan hữu quan gần 19 tỷ đồng. Trong đó nợ cơ quan BHXH khoảng 4,7 tỷ đồng; điện lực gần 14,1 tỷ đồng. Do nợ tiền điện, không có điện thắp sáng ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an toàn tài sản, máy móc, công trình; điều kiện làm việc của công nhân tại các trạm bơm rất khó khăn, thiếu nước sinh hoạt do không có điện bơm nước.
Khó khăn, chật vật
Năm 2016, hàng tháng, người lao động của Cty Sông Tích chỉ mới được tạm ứng tiền lương. Theo ông Kính, để đảm bảo mức thu nhập “ít ỏi” cho người lao động trung bình khoảng 3,9 triệu đồng/tháng, Cty đã phải vay ngân hàng và cá nhân trong, ngoài Cty khoảng 4,5 tỷ đồng. Nhưng tính đến nay, người lao động mới chỉ được ứng lương hết tháng 11 năm 2016; tháng 1 và 2/2017, mới được tạm ứng 5 triệu đồng/người để đảm bảo “nhà nhà có Tết”.
Đời sống người lao động trong Cty rất khó khăn, chật vật; tiền sinh hoạt hàng ngày thiếu, không có tiền để đóng học cho con; ốm đau, thai sản không có tiền trang trải thuốc men, viện phí, không được cơ quan BHXH thanh toán tiền lương do Cty đang nợ tiền BHXH. Tư tưởng của CBCNV lo lắng, không yên tâm và họ không biết đời sống, việc làm của bản thân và gia đình sẽ ra sao trong thời gian tới?
Bên cạnh đó, chi phí quản lý để duy trì hoạt động của Cty trong năm 2016 và quý I năm 2017 gần như không có. Do nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên năm 2016 thấp (khoảng 11 tỷ đồng) nên có nhiều công trình bị hư hỏng, cần được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời để phục vụ sản xuất đã không được sửa chữa, khắc phục; ảnh hưởng đến hiệu quả bơm tưới, tiêu nước, gây lãng phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Cty.
Muốn tinh giản lao động, cần lộ trình Những năm qua, nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, các công ty thủy nông rất muốn tinh giản lao động, nhưng việc này cần phải có lộ trình chứ không thể làm ngay một lúc được. Và, giảm bao nhiêu lao động cần phải tính toán thật kỹ, bởi nếu không duy trì được bộ máy cần thiết, Cty khó lòng đảm đương được nhiệm vụ khai thác, vận hành, bảo vệ, duy tu và bảo dưỡng hệ thống công trình quy mô lớn. |