| Hotline: 0983.970.780

Sông ơi, đừng chết!

Chủ Nhật 06/12/2020 , 06:30 (GMT+7)

Quê tôi có con sông Thương. Tôi xa quê xa sông chừng bốn mươi năm có lẻ...

Sông Thương

Sông Thương

Đời tôi nay cũng đã chớm ngả sang chiều. Và đời sông, có phải nay cũng theo người mà già héo…

Hôm rồi, tôi có dịp trở về làng. Sau bữa cơm tối, tôi cùng mấy anh chị tôi nay cũng đã già và vài ba đưa cháu đã ngấp nghé trung niên quây quần bên hiên nhà.

Trăng thượng tuần rất sáng, soi tỏ mảnh vườn, khoảng sân. Bóng mấy cây cau đen thẫm, cao vút lên nền trời, mấy tàu lá như nô giỡn với trăng thanh. Không hiểu do đâu, tôi bỗng hỏi: “Bây giờ còn có ai tắm sông không nhỉ?”.

Bà chị tôi nhanh nhảu: “Có mà đố dám. Đến cả trâu bò tắm sông còn bị sủi mụn khắp người, có con không chữa khỏi, lăn ra chết kia kìa, nói chi đến người…”. Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Tại sao lại có thể như thế được?”. Đứa cháu tôi cười: “Sao? Có mà sao trên trời. Chú tính, sông bây giờ đâu có sạch như ngày xưa nữa…”.

Sớm hôm sau tôi rủ thằng cháu con ông anh thả bộ ra sông. Từ mặt đê xuống mép sông là triền đê cao, dốc đứng, có chỗ đã lở từng mảng. Đê bên làng tôi thuộc bên hữu, bờ Tây. Khi gió đông thổi, sóng đánh sang, nên bờ Tây thuộc bên lở.

Còn bờ phía tả, bờ Đông không bị gió thổi sóng đánh, chân đê ít khi bị lở, trừ những vụ nước lụt to, còn thường ngày được phù sa bồi ấm chân đê. Ngàn đời nay đã có câu ca: “Sông Thương bên lở bên bồi/Bên lở thì đục, bên bồi thì trong” là vì thế.

Sông đang vào cữ cuối thu, như mọi năm nước sông trong vắt, bóng tre in thẫm dọc triền sông. Nhưng không, nay tất cả đổ sang một màu trắng đục theo kiểu “lờ lờ nước hến”. Từ bé tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy nước sông như vậy.

Trên mặt sông, lều bều những củi rác chen lẫn rất nhiều túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp. Đi dọc triền sông một đoạn, thỉnh thoảng lại thấy xác chết mấy con vật đã bốc mùi hôi thối, có thể là mèo, chó, lợn, gà…, ruồi nhặng bâu đầy.

Tôi thắc mắc về nước sông màu trắng đục, được thằng cháu cho biết nước bị ô nhiễm trầm trọng. Do lưu lượng nước sông lớn, lại là sông thủy triều, nên nước không đến nỗi bị đổi sang màu đen như một số con sông chứa nước thải sinh hoạt ở Hà Nội. Nhưng nó chứa muôn loại nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước của các khu trang trại chăn nuôi, nước hòa tan của các thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… đổ vào.

Khi tiếc nuối, xót xa, thường những kỷ niệm ngọt ngào xưa cũ hiện về. Ngày còn bé, lũ trẻ chúng tôi sáng đi học, chiều nhất loạt dắt trâu bò ra chăn ở triền đê, rồi rủ nhau xuống sông tắm mát. Chúng tôi thi nhau ngụp lặn, thi xem đưa nào bơi xa, thi đuổi bắt, thi lặn lâu dưới nước, thôi thì đủ trò, có phen suýt chết đuối...

Nhiều lần, lũ bạn gái sai đám con trai chúng tôi đi hái lá găng, thứ cây mọc đầy triền đê, rồi hái cả lá sen dưới đầm lên để cho chúng làm thạch.

Ban đầu, chúng vò lá sen cho nát ra, rồi hòa với nước sông, sau đó dùng lá sen đục thủng lỗ như vòi hoa sen để lọc; cuối cùng ra được những đùm nước thạch lệt sệt đựng trong lá sen thơm mát. Như giao kèo trước, mỗi đứa chỉ được ghé miệng vào lòng lá sen uống một ngụm thôi. Ôi chao là thơm, là mát, như thể xóa tan hết cái nóng nực chiều hè…

Làng tôi nằm sát chân đê sông Thương. Xưa rất nghèo. Nay vẫn chưa hết nghèo, nhưng đời sống có phần nhỉnh hơn đôi chút. Như phần đông các làng quê khác, bây giờ lớp thanh niên, trừ số ít đi học cao đẳng, đại học, còn lại phần lớn, kể cả lớp trung niên nhao đi làm cho các công ty đủ loại do người Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapor… làm chủ.

Đồng ruộng ở nhà neo người canh tác. Những người đi làm công ty, chờ ngày chủ nhật về, tranh thủ nháo nhào xuống đồng, đôi khi có các ông bà già và cả trẻ con đang độ tuổi đi học cùng phụ giúp. Họ tiến hành làm đất vội, chăm sóc vội, thu hoạch cũng vội.

Để khỏi phải làm cỏ, họ sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan. Thuốc trừ sâu cũng vậy, không được ai hướng dẫn, bà con tự mua, tự pha chế, tự phun, nhiều khi lạm dụng quá đà mà không hay; phun thuốc xong, vứt vỏ chai, lọ, túi ni lông đầy bờ ruộng. Rồi thì do thiếu người làm, nên các gia đình ít hoặc không nuôi gia súc gia cầm, nguồn phân hữu cơ không đủ, bèn mua phân hóa học là chính.

Đất đai cứ thế mà bạc màu, cằn cỗi dần. Một số gia đình có điều kiện, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, cũng sử dụng thực phẩm công nghiệp, thuốc tặng trọng tràn lan…

Tất cả những thứ dư thừa ấy tan trong nước, ngấm vào đất, xả ra đồng ruộng, ra ao hồ, sông suối. Bây giờ tuyệt không thấy những con niềng niễng, cà cuống, muồm muỗm…, những thứ ngày xưa rất sẵn. Một số loài côn trùng trong vai trò thiên địch cũng dần tuyệt diệt…

Con sông Thương chảy qua bìa làng bị thượng nguồn bức tử. Chính dân làng tôi cũng tham gia bức tử nó. Và lấy gì để bảo đảm hàng trăm làng quê khác sống dọc hai bên triền sông không tham gia cùng bức tử con sông mỗi ngày? Con sông bị đầu độc. Nó trở nên sống dở chết dở. Ngắc ngoải. Như báo hiệu… một ngày tàn không còn xa nữa.

Nhìn sông nay lại nhớ sông xưa. Ngày đó tôi chẳng có gì khoe người yêu, bèn lấy sông Thương để khoe em. Tôi kể, con sông Thương bắt nguồn từ xứ Lạng, đoạn đầu nguồn mang một cái tên rất đẹp: Suối Hoa Đào. Hẳn là hai bên bờ rất nhiều hoa đào, nên dân gian mới đặt cho một cái tên duyên dáng đến vậy. Khi chảy về tới Phủ Lạng Thương (TP Bắc Giang ngày nay), được đổi tên là Sông Thương. Tên sông đánh dấu một loại tâm trạng những thương cùng nhớ giữa người ở lại bờ nam tiễn người sang bờ bắc để rồi ngược lên biên ải chiến chinh.

Cái bến sông đợi chờ đẫm nước mắt “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” của bao đôi người yêu, bao đôi vợ chồng trẻ tuổi ấy có tên là bến Chia Li, bây giờ được đọc chệch là bến Chi Li, nay vẫn còn nguyên đó…

Từ bấy con sông Thương gói trong lòng nó một huyền thoại tình yêu đẹp đẽ. Cũng từ đấy, sông Thương nở ra những câu ca dao tình tứ và rất gợi: “Sông Thương nước chảy đôi dòng/Đèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào”, “Sông Thương nước chảy đôi dòng/Bên trong bên đục đau lòng hay chưa?”…

Lại nhớ, lần mới yêu nhau, tôi đưa người yêu về, cùng em ngồi trên chiếc thuyền thúng, cầm đôi mái chèo đưa em ra xa bờ một đoạn, em kêu lên hoảng hốt. Hôm ấy nước sông xanh biếc, em đứng sát rìa nước, vốc từng bụm nước rửa mặt rửa tay, mắt cười nhấp nhánh…

Thế mà… nay sông Thương đang bị thế này sao? Ai đã hủy hoại dòng sông? Ai đã đang tâm bức tử nó ngày ngày? Mà đâu chỉ có sông Thương quê tôi? Biết bao con sông nước Việt từ Bắc qua Trung vào Nam, thử hỏi có con sông nào đang còn lành lặn? Hỏi có con sông nào không bị nhiễm độc, bị bức tử bởi sự tàn độc, vô trách nhiệm của chính con người?

Sông ơi, sao sông phải chết?

Hà Nội, tháng10/2020

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm