| Hotline: 0983.970.780

Quản lý chặt ‘sát thủ’ tận diệt thủy sản ven bờ

Thứ Sáu 15/04/2022 , 10:37 (GMT+7)

Trong số những nghề đánh bắt thủy sản gần bờ mang tính hủy diệt, tàu giã cào được mệnh danh là ‘sát thủ’ đáng gờm nhất cần phải bị ngăn chặn.

Hoạt động bất minh của tàu giã cào

Để làm giảm áp lực cho nguồn lợi thủy sản ven bờ, qua thời gian Bình Định quy hoạch lại phát triển thủy sản, đến nay, nhóm tàu chuyên khai thác gần bờ đã được giảm đáng kể. Nếu như vào năm 2013 Bình Định có đến 2.236 chiếc tàu cá thuộc nhóm tàu dưới 20CV chuyên khai thác gần bờ, chủ yếu tại các vùng đầm, vùng biển ven bờ, hiện chỉ còn 1.407 chiếc. Trong đó, tàu hành nghề lưới rê có 340 chiếc, tàu hành nghề câu nhỏ có 177 chiếc, tàu hành nghề lưới lồng có 284 chiếc, còn lại 606 chiếc làm các nghề khác.

Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trong số những tàu đánh bắt gần bờ mang tính tận diệt, nhóm tàu hành nghề giã cào và tàu sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác là gây hại đến nguồn lợi thủy sản lớn nhất và khó ngăn chặn nhất.

Tàu của ngành chức năng Bình Định tuần tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt các tàu cá trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: ĐT.

Tàu của ngành chức năng Bình Định tuần tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt các tàu cá trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: ĐT.

Ngư dân các làng chài đánh bắt thủy sản bằng những nghề truyền thống mất chén cơm cũng do những đối tượng nói trên. Theo quy định, nghề giã cào nhỏ không được hoạt động gần bờ mà phải đánh bắt ở vùng biển cách bờ 6 hải lý. Những tàu hành nghề giã cào có công suất trên 90CV chỉ được đánh bắt tận vùng khơi. Tuy nhiên, hiện nhiều tàu hành nghề giã cào cả lớn cả nhỏ vẫn lén lút hoạt động ven bờ. Đây là mối lo lớn của ngành chức năng ở Bình Định, bởi, đó chính là những 'sát thủ' có sức hủy hoại lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

“Hiện trên địa bàn Bình Định có khoảng trên dưới 500 tàu hành nghề giã cào, tập trung ở TP. Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ là những địa phương ven biển. Còn những tàu sử dụng xung điện, xiếc máy hoạt động trên 3 vùng đầm, gồm: Đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ, đầm Đạm Thủy ở huyện Phù Cát và đầm Thị Nại ở TP.Quy  Nhơn và huyện Tuy Phước. Trong đó, đầm Thị Nại được mệnh danh là vườn ươm các loài thủy sản”, ông Dương cho biết.

Đáng quan ngại là hoạt động của các tàu giã cào rất bất minh. Phần nhiều các tàu giã cào hoạt động nhưng không thực hiện đăng ký xuất nhập bến tại các cảng cá để tránh kiểm tra, kiểm soát của Ban quản lý các cảng cá và ngành chức năng. Ví như ở Cảng cá Quy Nhơn hiện có đến 252 tàu giã cào đang hoạt động, trong đó có gần 90 tàu không đăng ký xuất nhập bến.

Tàu giã cào và sử dụng xung điện, xiếc máy vẫn lén lút hoạt động trên vùng biển và những vùng đầm ở Bình Định. Ảnh: ĐT.

Tàu giã cào và sử dụng xung điện, xiếc máy vẫn lén lút hoạt động trên vùng biển và những vùng đầm ở Bình Định. Ảnh: ĐT.

Nhiều tàu viết số đăng ký không đúng. Vi phạm phổ biến của các tàu giã cào hoạt động ở vùng biển Quy Nhơn là không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng khi vào cảng bán sản phẩm. Những tàu có chiều dài từ 12m trở lên thì chỉ đăng ký xuất nhập bến chứ không thực hiện việc ghi nộp nhật ký khai thác, làm ảnh hưởng đến nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU của địa phương.

“Những tàu giã cào chưa đầy đủ giấy tờ sau chuyến khai thác, cập bờ bán sản phẩm thường ra vào cảng vào giữa đêm, không chấp hành quy định báo trước cho đơn vị chức năng trước 1 giờ đồng hồ; thậm chí không đăng ký xuất nhập bến tại các cảng cá để tránh kiểm tra, kiểm soát của Ban quản lý cảng cá và ngành chức năng”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định-phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, cho hay.

Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, những tàu giã cào hoạt động không theo quy định đã gây trở ngại không ít cho những nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của tỉnh. Do đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo đơn vị này phải siết kiểm tra hoạt động của các tàu giã cào.

Hiện Bình Định còn đến 1.407 chiếc tàu cá đánh bắt thủy sản ven bờ. Ảnh: ĐT.

Hiện Bình Định còn đến 1.407 chiếc tàu cá đánh bắt thủy sản ven bờ. Ảnh: ĐT.

Cần giải pháp căn cơ

Theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, Ban quản lý cảng cá Bình Định tăng cường kiểm soát đối với những tàu giã cào trên địa bàn. Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp với các địa phương vận động các tàu giã cào chưa đầy đủ giấy tờ phải nhanh chóng hoàn thiện, nếu còn vướng gì thì ngành chức năng tạo điều kiện tháo gỡ. Tàu nào không đầy đủ giấy tờ thì Chi cục Thủy sản Bình Định không cho đi đánh bắt, nếu tàu nào bất chấp vẫn đi đánh bắt thì sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản Bình Định còn phối hợp với các đơn vị công an, bộ đội biên phòng thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các cửa biển Quy Nhơn và Đề Gi. Hiệu quả mang lại là nếu như trước đây những tàu giã cào ở TP. Quy Nhơn hoạt động rất bất chấp, ngành chức năng nói gì họ cũng không nghe, bây giờ thì đa số các chủ tàu đã chấp hành. Ví như chỉ sau 1 đợt ra quân kiểm tra mà đã có thêm 35 tàu giã cào lo thực hiện đăng ký xuất nhập bến tại cảng cá Quy Nhơn.

Tuy nhiên, nạn sử dụng xung điện, xiếc máy đánh bắt thủy sản trên các vùng đầm là vẫn còn tồn tại. Mới đây, theo chân 1 người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường ven đê đến vùng đầm Thị Nại nằm trên địa bàn xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định). Vừa đến nơi, lập tức chúng tôi nhìn thấy trên đầm có 2 chiếc ghe máy mang gọng xiếc chạy đi, chạy lại ngang nhiên cào ủi, khai thác thủy sản trong đầm theo kiểu tận diệt.

Theo cho biết của ông N.T.T. ở thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn), 1 ngư dân chuyên hành nghề khai thác thủy sản truyền thống trên đầm Thị Nại, lợi nhuận của việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện, xiếc máy và giã cào là khá cao, mỗi chuyến đánh bắt mỗi ghe có thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Do đó, những người chuyên làm nghề này bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng và khuyến cáo của chính quyền địa phương, cứ ngang nhiên vi phạm. Có thời điểm trên đầm có đến gần chục chiếc ghe mang gọng xiếc hoạt động.

Ngành chức năng Bình Định tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: ĐT.

Ngành chức năng Bình Định tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: ĐT.

Để chấn chỉnh những tình trạng trên, trong thời gian qua, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tham mưu cho Sở NN-PTNT nhiều chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Trong đó, nổi bật là phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; xây dựng kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động nghề cấm trong khai thác thủy sản; tuyên truyền rộng rãi công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng các mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

“Ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra xử lý vi phạm, trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho ngư dân phù hợp với trình độ, năng lực. Tiếp tục vận động ngư dân có hoạt động nghề cấm để khai thác thủy sản thực hiện chuyển đổi nghề theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định đã ban hành”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

“Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, ngoài nỗ lực ngăn chặn cần phải có giải pháp lâu dài. Trước tiên, cần phải giảm số lượng tàu đánh bắt thủy sản ven bờ. Thậm chí trong năm cần phải có quãng thời gian nhất định cấm không cho khai thác ven bờ để nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản. Muốn thực hiện điều này, cần phải có chính sách hỗ trợ cho ngư dân có tàu đánh bắt gần bờ trong thời gian họ dừng hoạt động. Thế nhưng những giải pháp nói trên chỉ trông chờ ngành chức năng cấp Trung ương thực hiện, chứ cấp tỉnh thì không đủ chức năng và nguồn lực”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.