Nông nghiệp bền vững, sản xuất hữu cơ, sản xuất các sản phẩm có giá trị đang dần trở thành một xu hướng tất yếu.
Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp đã hình thành ngày càng nhiều các vùng canh tác chuyên canh, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Thách thức với sản xuất nông nghiệp Việt nam khi vươn ra thị trường quốc tế hiện vẫn là năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu, vấn đề về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mức dư lượng thuốc BVTV.
Tỉnh Sơn La có trên 300.000 ha đất nông nghiệp, là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn.
Đa số đất đai còn màu mỡ, tầng canh tác dày, thuận lợi để thâm canh tăng năng suất cây trồng; có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.
Từ năm 2017, định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả trên đất dốc trong đó chú trọng đầu tư xây dựng và vận hành chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sạch và an toàn.
Tuy nhiên, trong xu thế sản xuất nông nghiệp an toàn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp cũng đang đặt ra nhiều thách thức, vấn đề về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ hiện đang là một trong những trở ngại lớn với uy tín hàng hóa, chất lượng sản phẩm nông sản.
Phần lớn nông dân sử dụng phân vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất hoặc khoáng chất do có ưu điểm nhanh, tiện lợi, với suy nghĩ “bón phân càng nhiều thì cây càng tốt”, nên lượng phân bón hóa học thường được bón tăng gấp 2-3 lần so với nhu cầu, chưa chú trọng đến cân bằng của các loại chất dinh dưỡng trong đất bằng các chất hữu cơ.
Thói quen sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy… đã gây nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thuốc BVTV (đặc biệt là thuốc trừ cỏ), gây nguy hại đến sức khỏe không những cho người sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước những vấn đề trên, nhằm hỗ trợ cho các vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị xuất khẩu nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV hướng đến xây dựng vùng sản xuất an toàn, tổ chức Croplife Việt Nam đã phối hợp với Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) triển khai Chương trình Sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại một số huyện của tỉnh Sơn La.
Chương trình được triển khai nhằm mục đích nâng cao ý thức việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm đối với người sử dụng thuốc và người tiêu dùng; phát triển mô hình quản lý sản phẩm tại cấp độ người sử dụng/ngườitrồng trọt; nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán của người trồng trong việc sử dụng thuốc BVTV.
Các hoạt động của dự án nằm trong vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu đã góp phần nâng cao chất lượng, tính an toàn về dư lượng thuốc BVTV cho sản phẩm quả, tạo được uy tín trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Hoạt động của dự án có tính ứng dụng cao, thực tế, hiệu quả, cần thiết đối với nông dân; đặc biệt là chú trọng đào tạo, tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng, an toàn và có trách nhiệm. Cung cấp giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng…
Việc triển khai dự án có sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
Đánh giá cao dự án trong 3 năm qua, ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý thuốc BVTV, Cục BVTV, nhận định: “Chương trình này rất thiết thực vì tất cả hoạt động đều dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân. Các hoạt động ấy không mang tính chất lợi ích tức thời mà chủ yếu là công cụ giúp người dân vận dụng lâu dài, từ đó sẽ tiết kiệm được chi phí, mang lại hiệu quả và giá trị cao nhất”.