Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP), hiệp hội thành viên gồm nhiều bên liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê, hiện nay đang thực hiện một số chương trình, hoạt động thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam, trong đó có sáng kiến hợp tác về "Sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong ngành cà phê Việt Nam" (Sáng kiến CAI).
Mục tiêu chính của sáng kiến này là đưa ra các khuyến nghị và hướng dẫn người nông dân sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm, thân thiện với môi trường, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Vừa qua, Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) đã tổ chức buổi Tọa đàm "Sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong ngành cà phê Việt Nam" tại Đăk Nông với thành phần tham dự là đại diện các cơ quan ban ngành liên quan cấp trung ương và tỉnh, các cơ quan/đơn vị liên quan trong ngành cà phê (các nhà rang xay, công ty kinh doanh, các tổ chức quốc tế và đơn vị thành viên GCP, nông dân, v.v.. )
Mục tiêu chính của sự kiện này là chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm của Sáng kiến đã được triển khai tại Tây Nguyên trong 4 năm qua. Sáng kiến tập trung vào việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất cà phê bền vững thông qua việc cải thiện quản lý cỏ dại và sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm nhằm giúp đảm bảo các yêu cầu của các nước nhập khẩu, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Sáng kiến cũng tập trung nâng cao nhận thức của nông dân về quản lý cỏ dại trong sản xuất cà phê và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate, cũng như nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc thu gom và quản lý chất thải nông nghiệp một cách có trách nhiệm.
Buổi tọa đàm cũng là cơ hội cho các cơ quan quản lý nhà nước và các tác nhân chủ chốt trong chuỗi sản xuất và cung ứng cà phê chia sẻ và thảo luận những vấn đề về tình hình hiện tại cũng như những thách thức trong hoạch định chiến lược và quản lý sản xuất cà phê nhằm xác định các giải pháp dài hạn đảm bảo sản xuất cà phê bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm của các thị trường lớn và truyền thống, đặc biệt là các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như EU.
Cuộc tọa đàm cũng đi sâu vào các giá trị và kết quả của các hành động tập thể và cách tiếp cận tiền cạnh tranh mà GCP đang thúc đẩy giữa các bên liên quan đến cà phê nhằm tận dụng các nguồn lực khan hiếm đồng thời giảm thiểu rủi ro.