| Hotline: 0983.970.780

Sự trở lại dòng máu thuần chủng của gà Mía

Thứ Hai 02/10/2017 , 08:26 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học với quy mô 50.000 con trên địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất...

Nếu trước đây nuôi con gì, trồng cây gì người ta cũng muốn lai tạo, cải tạo giống để cho năng suất cao hay rút ngắn thời gian sinh trưởng. Gà Mía - một giống gia cầm đặc sản của Hà Tây (cũ) mà nay là Hà Nội từng đi theo xu hướng ấy nhưng không mấy thành công trên thị trường, bởi vậy nay nó đã trở lại với dòng máu thuần chủng nổi tiếng của mình…

 

13-22-37_dsc_9477
Gà Mía ở độ tuổi hơn 3 tháng trong mô hình

Mô hình hợp thời

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học với quy mô 50.000 con trên địa bàn các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Hoài Đức, Thường Tín và TX Sơn Tây.

Điều khác với những mô hình trước đây thường dùng gà lai, lần này dùng gà thuần chủng để đón đầu xu hướng người tiêu dùng hiện đại là không còn quan tâm đến chuyện ăn no, mặc ấm mà đòi hỏi cao hơn phải ăn ngon, mặc đẹp…

Mô hình được xây dựng đa mục tiêu: Bảo tồn, phát triển gà Mía trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cung cấp cho thị trường để giải quyết nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô đối với giống gà Mía đã có thương hiệu. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, thú y và quản lý đàn để phát huy hết tiềm năng của giống (chất lượng thịt dai thơm ngon, năng suất thịt và rút ngắn thời gian nuôi để tăng chu kỳ sản xuất) nhằm tạo hướng đi mới cho người chăn nuôi. Tổ chức cho hộ nông dân tới tham quan, học tập, thực hành về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học.

Điều kiện để hộ nông dân được tham gia mô hình rất chặt chẽ. Cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo tính pháp lý theo quy định (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thầu khoán hoặc giấy xác nhận diện tích chăn nuôi... do UBND cấp xã nơi triển khai mô hình xác nhận). Diện tích chuồng nuôi đáp ứng mật độ nuôi 8 - 10 con/m2 nền chuồng, vườn thả 1 - 3m2/con, có đơn xin tự nguyện tham gia mô hình và cam kết thực hiện các điều kiện yêu cầu của mô hình.

Nông dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà Mía thả vườn theo hướng an toàn sinh học; mỗi hộ được hỗ trợ 500 - 1.000 con gà Mía 1 ngày tuổi đã được tiêm phòng vắc xin Marek, được hỗ trợ 30% thức ăn hỗn hợp.

Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, cán bộ kỹ thuật và cán bộ chỉ đạo mô hình hướng dẫn tận tình các hộ chăn nuôi từ khâu chuẩn bị chuồng trại để vào giống. Trước khi nuôi phải đảm bảo chuồng trại đã được vệ sinh sát trùng và thời gian trống chuồng cần thiết. Máng ăn máng uống đảm bảo đủ mật độ, chuồng úm chuẩn bị sẵn sàng trước khi thả gà giống 1 ngày tuổi.

13-22-37_dsc_9468
Đàn gà Mía ở độ tuổi hơn 3 tháng trong mô hình

Trong giai đoạn úm, nông dân được hướng dẫn và kiểm tra sát sao kỹ thuật cho ăn, uống, vệ sinh và nhiệt độ điều chỉnh theo ngày tuổi của gà, đảm bảo mật độ quây úm. Hết giai đoạn úm, kết hợp chăn thả ngoài vườn, tăng thời gian thả dần dần cho đàn gà thích nghi. Thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại, định kỳ phun sát trùng.

Về vấn đề môi trường, các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học phải theo dõi, ghi chép đầy đủ các chỉ tiêu sản xuất (khả năng tăng trọng, ngày tiêm phòng), đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về chuồng trại thoáng mát, xa khu nhà ở, đủ diện tích vườn thả, nhiều nơi đồi gò diện tích vườn thả rộng thoải mái. Phải thực hiện tốt các quy định xử lý chất thải, phun sát trùng, rắc vôi bột... trong khu chăn nuôi, vệ sinh vườn thả thường xuyên đảm bảo dịch bệnh không lây từ ngoài vào cũng như không lây truyền bệnh từ bên trong chuồng trại ra ngoài.

Để phòng bệnh, họ chủ động phòng đủ vắc xin theo đúng lịch: 5 ngày tuổi nhỏ vắc xin Gumboro lần 1. 7 ngày tuổi nhỏ vắc xin Lasota lần 1 (nhỏ mắt, mũi) và chủng đậu. 10 ngày tuổi tiêm vắc xin cúm lần 1. 20 ngày tuổi nhỏ vắc xin Gumboro lần 2 và Lasota lần 2. 38 ngày tuổi tiêm vắc xin cúm lần 2. 42 ngày tuổi nhỏ Lasota lần 3. 54 ngày tuổi tiêm phòng Newcastle hệ 1.

Bởi vậy, qua 4 tháng nuôi các mô hình nuôi gà Mía thuần trên toàn thành phố đều cho kết quả tỷ lệ nuôi sống cao, tốc độ tăng trọng khá và nhất là thịt thơm ngon dù chưa đến giai đoạn gà trưởng thành thực sự để cho chất lượng tốt nhất. Dự kiến lợi nhuận thu được trên mỗi con gà sau 4 tháng nuôi là 25.000 - 35.000 đồng.

Nông dân muốn mở rộng

Chúng tôi đến xã Lại Yên, huyện Hoài Đức nơi có 9 hộ nông dân tham gia vào mô hình với tổng số 5.000 con. Chị Nguyễn Thị Hằng là một trong những chủ hộ nhận nuôi 500 con. Trước đây chỉ nuôi gà ta nên đây là lần đầu tiên chị tiếp xúc với giống gà mới cũng có đôi chút bỡ ngỡ. Tuy vậy, sau 4 tháng chăm sóc, gà Mía có tỷ lệ sống sót cao, chỉ có một số ít bị loại hay bị chết. Trong khu vườn rộng lớn, đàn gà đang tuổi ăn, tuổi lớn được thỏa sức chạy nhảy, rỉa lông, rỉa cánh hay vùi mình xuống đất mà “tắm bụi”.

Quan tâm đến chất lượng hơn là năng suất, sau khi nuôi úm, chị Hằng chỉ dùng các loại thức ăn tự nhiên như thóc, cám, ngô, thân chuối để chăn và dự định sau khi nghiệm thu mô hình sẽ giữ lại để chăm tiếp nhằm bán vào dịp tháng 11. Lúc đó thịt gà sẽ rất ngon lại đúng vào mùa cưới của năm sẽ được giá hơn.

“Giá gà ta nuôi theo cách dân dã kiểu này ở địa phương hiện tại đang bán 120.000đ/kg và bán rất chạy. Kể cả nếu không có sự hỗ trợ về giống, về thức ăn mà chúng tôi phải tự đầu tư tất cả thì sau 5 - 6 tháng nuôi, với 500 con gà vẫn có thể đem lại cho tôi mức lãi khoảng 15 triệu đồng trở lên”, chị Hằng chia sẻ.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, nói chung mô hình gà Mía thuần trên phạm vi toàn thành phố đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học, đúng yêu cầu, đúng tiến độ, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng đề ra ban đầu.

Mô hình thực tế có hiệu quả, mang lại lợi ích thực sự cho bà con, đặc biệt là miền đồi gò trồng cây kém hiệu quả thì thêm nghề chăn nuôi sẽ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mô hình giúp thay đổi nhận thức của người dân trong chăn nuôi là phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đặc biệt là khâu xử lý, đảm bảo môi trường cho sản xuất nói chung và môi trường sống nói riêng. Những hộ có vườn, đồi càng rộng thì khả năng chăn nuôi gà an toàn sinh học càng hiệu quả cao.

Gà Mía là một giống gà bản địa của Việt Nam, chúng có nguồn gốc từ ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tên gọi gà Mía gắn liền với những địa danh tiêu biểu của xứ Đoài cổ kính như chợ Mía, chùa Mía. Chúng có tầm vóc to và có ngoại hình thô với mình ngắn, đùi to và thô, đi lại chậm. Khối lượng cơ thể lúc mới sinh là 32g. Gà 6 tháng tuổi con trống đạt 3,1kg, con mái 2,4kg. Khi trưởng thành gà mái có thể nặng 2,5 - 3kg, gà trống có thể đạt tới 5kg, thịt rất thơm và ngon ngọt.

 

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm