| Hotline: 0983.970.780

Sức mua dịp Tết tại chợ đầu mối dự báo tăng 4 - 5 lần

Thứ Hai 22/01/2024 , 07:00 (GMT+7)

TP.HCM Tại các chợ đầu mối, sức mua dự báo tăng 4-5 lần trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các chợ này đều có phương án, sẽ đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Đủ nguồn cung, giá thành giảm

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM, mỗi ngày cung cấp 3.500 - 4.000 con heo, gần 2.000 tấn rau củ và 1.000 tấn trái cây cho người dân thành phố.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản như củ kiệu, cà chua, đọt su… có giá bán thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, giá bông bí từ 45.000 đồng/kg giảm còn 25.000 đồng/kg; bông xanh Đà Lạt 35.000 đồng/kg giảm 18.000 - 20.000 đồng/kg; đọt su 30.000 đồng/kg giảm còn 16.000 đồng/kg…

Nguồn hàng nông sản dịp Tết tại các chợ đầu mối tại TP.HCM dự kiến tăng 4 - 5 lần ngày thường, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Ảnh: Lê Bình.

Nguồn hàng nông sản dịp Tết tại các chợ đầu mối tại TP.HCM dự kiến tăng 4 - 5 lần ngày thường, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Ảnh: Lê Bình.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn (Công ty chợ Hóc Môn) đã chuẩn bị từ hai tháng trước.

Năm nay, lượng hàng nhập về chợ dự kiến khoảng 75.000 tấn, tăng khoảng 8% so với bình quân của năm 2023. Đặc biệt, từ ngày 25 - 30/12 Âm lịch, lượng hàng đạt khoảng 3.500 tấn/ngày đêm (tăng 50% so với ngày bình thường).

Đối với ngành hàng rau củ, quả, trái cây, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty chợ Hóc Môn cho hay, để đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy khi có sự cố về cung ứng, các thương nhân có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh xung quanh chợ, xe container lạnh lưu đậu tại bãi xe và kho lạnh trong chợ, nguồn hàng này sẽ được luân chuyển bổ sung mới thường xuyên.

Năm nay, kinh tế khó khăn khiến cho tình hình buôn bán tại chợ đầu mối này gặp nhiều khó khăn, nguồn hàng tiêu thụ chậm. Do đó, chợ Hóc Môn cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm kích cầu, hỗ trợ các tiểu thương để có thể thuận tiện trong việc buôn bán.

“Chúng tôi tiếp tục giảm 2% phí VAT ở các mặt hàng theo quy định, đảm bảo về phòng, chống cháy nổ, tăng cường nhân sự để lên và xuống hàng nhanh chóng cho tiểu thương kịp đưa ra thị trường…”, ông Lê Văn Tiển nói.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (Chợ đầu mối Bình Điền) là nơi tiêu thụ sản lượng lớn nông sản của đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung, để cung cấp cho thị trường hơn 10 triệu dân ở TP.HCM.

Các chợ đầu mối tại TP.HCM đã lên phương án chuẩn bị hàng Tết từ tháng 6/2023 nên không lo nguồn hàng bị đứt gãy, thiếu nguồn cung. Ảnh: Lê Bình.

Các chợ đầu mối tại TP.HCM đã lên phương án chuẩn bị hàng Tết từ tháng 6/2023 nên không lo nguồn hàng bị đứt gãy, thiếu nguồn cung. Ảnh: Lê Bình.

Sản phẩm thế mạnh của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền là thủy hải sản. Đây là lợi thế mà 2 chợ đầu mối còn lại là chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn không có. Tổng sản lượng hàng hóa nhập chợ bình quân 2.500 tấn/ngày đêm; giá trị luân chuyển hàng hóa bình quân đạt 120 tỷ đồng/ngày đêm.

Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Chợ Bình Điền, để chuẩn bị cho hàng hóa dịp Tết, các đơn vị đã lên phương án nhập hàng Tết từ tháng 6/2023 và bắt đầu thực hiện kế hoạch từ khoảng tháng 10/2023. Do đó, nguồn hàng cung cấp cho những ngày Tết được đảm bảo.

“Dự kiến, lượng hàng đổ về chợ Bình Điền trong những ngày Tết có thể tăng gấp 3 đến 5 lần. Chúng tôi cũng đã có phương án cụ thể để lượng hàng hóa được lưu thông tốt, tránh ùn ứ và kiểm soát kĩ lưỡng để các đối tượng xấu không trộn lẫn hàng kém chất lượng để tiêu thụ”, ông Nguyễn Đăng Phú thông tin.

Dự báo, với những sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, giá bán có thể biến động do sức mua tăng cao như cá lóc, tôm sú, mực tươi, thịt heo, rau củ, quýt đường, hoa huệ, cẩm chướng…

Về giá cả, các mặt hàng nông sản năm nay được dự báo sẽ rẻ hơn so với các năm. Ảnh: Lê Bình.

Về giá cả, các mặt hàng nông sản năm nay được dự báo sẽ rẻ hơn so với các năm. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài rau củ quả, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền còn cung cấp khoảng 30 - 35% thịt gia súc gia cầm cho thành phố. Trong những ngày Tết, mặt hàng này cũng dự kiến tăng mạnh về số lượng. Ngược lại, một số mặt hàng thủy sản có xu hướng giảm đi so với những mặt hàng khác.

Tương tự, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức), tiểu thương cũng tất bật chuẩn bị hàng hoá phục vụ người dân. Để phục vụ Tết, tại chợ đầu mối Thủ Đức sẽ có khu kinh doanh tập trung đối với mặt hàng củ kiệu để tiện cho việc mua bán.

Chị Nguyễn Ánh, tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết: "Thời điểm này mặt hàng củ kiệu về chợ tăng cao, chủ  yếu được nhập từ các tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, các tỉnh miền Tây... Năm nay, giá củ kiệu tăng cao hơn năm ngoái từ 15.000 - 25.000 đồng/kg".

Chợ đầu mối Thủ Đức hiện hoạt động chủ yếu vào ban đêm gồm 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa. Tổng lượng hàng nhập chợ ước tính trong năm 2023 là hơn 900.000 tấn.

Siết chặt công tác an toàn thực phẩm

Tại 3 chợ đầu mối, công tác kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh môi trường được các đơn vị thực hiện thường xuyên. Đồng thời, các tiểu thương cũng được thường xuyên nhắc nhở tuyệt đối không sử dụng các hóa chất, chất bảo quản... trên trái cây, rau củ quả.

Đội Quản lý số 10, thuộc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đóng chốt tại chợ Bình Điền liên tục kiểm tra, lấy mẫu, test hàn the tất cả mặt hàng khi nhập vào chợ. Trong năm 2023, Đội Quản lý đã lấy 2.276 mẫu tại Chợ Bình Điền để kiểm tra chất cấm. Trong đó, có 1.300 mẫu test nhanh trên hải sản, rau củ và 974 mẫu trong phòng thí nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Sắc, Đội trưởng Đội Quản lý số 10 cho biết: "Trong năm, chúng tôi đã luôn cố gắng siết chặt công tác an toàn thực phẩm bằng những kiểm tra, test mẫu thường xuyên. Do đó, dịp Tết với hàng hóa tăng cao không thể lơ là. Không thể để bà con mất Tết vì thực phẩm kém chất lượng, mất an toàn”.

Mới đây, đoàn công tác liên ngành của Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại chợ đầu mối Bình Điền.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh: “Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vấn đề an toàn thực phẩm cần được đặt lên mức cao nhất.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng và ATTP dịp Tết tại Chợ Bình Điền. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng và ATTP dịp Tết tại Chợ Bình Điền. Ảnh: Lê Bình.

Thời điểm này, thực phẩm được vận chuyển từ các tỉnh, thành lân cận đổ về với số lượng lớn. Đây cũng là dịp mà chất lượng sản phẩm nông sản dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, trà trộn nguồn hàng không đảm bảo vào để tiêu thụ”.

Hiện, nguồn thịt heo nhập về chợ Bình Điền đều được gắn vòng truy xuất nguồn gốc với mã QR và có dấu mộc của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM. Đây là yêu cầu bắt buộc với nguồn thịt gia súc, gia cầm. Công ty Chợ Bình Điền cũng đang tiến hành thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc cả trên rau củ và hải sản.

100% nguồn thịt heo, gà được nhập về các chợ đầu mối đều có vòng truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận kiểm dịch của các cơ quan chuyên môn. Ảnh: Lê Bình.

100% nguồn thịt heo, gà được nhập về các chợ đầu mối đều có vòng truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận kiểm dịch của các cơ quan chuyên môn. Ảnh: Lê Bình.

Tại Chợ đầu mối Hóc Môn, Đội quản lý số 9 cũng thường xuyên tuyên truyền kiểm tra, giám sát hàng hóa nông sản thực phẩm nhập chợ rất chặt chẽ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo ông Võ Văn Hòa, Đội trưởng Đội quản lý số 9: “Các xe chở thịt, quầy sạp, dụng cụ trang thiết bị kinh doanh, chế biến của thương nhân đều được vệ sinh tiêu độc khử trùng hàng ngày. Tất cả các hộ kinh doanh tại chợ đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP hoặc có bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”.

Đối với ngành hàng rau, củ, quả, trái cây, phía chợ cùng Đội luôn duy trì công tác kiểm tra chứng từ hóa đơn, chất lượng hàng hóa, lấy mẫu kiểm tra giám sát việc sử dụng các hoạt chất cấm để hàng ra thị trường luôn sạch và an toàn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết các đơn vị của Sở cũng đang tăng cường, quyết tâm truy vết, không để “lọt” các thực phẩm kém an toàn đến tay người tiêu dùng. Trong đó, công tác kiểm soát tại các chợ đầu mối được đặt lên hàng đầu. “Kiểm soát tốt công tác an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối là đã thực hiện được hơn 50% nhiệm vụ”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM còn tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho tiểu thương trong chợ. Hỗ trợ thương nhân ký lại 114 bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đã hết hạn.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.