Du lịch phục hồi
Những tháng hè năm 2022 này, du lịch sông nước ở Vĩnh Long tiếp tục thu hút được một lượng khá lớn du khách từ các đô thị nội tỉnh cũng như các tỉnh bạn đến vui chơi giải trí, đặc biệt là du lịch sinh thái miệt vườn ở 4 xã cù lao An Bình, Hoà Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú (huyện Long Hồ) đã dần khởi sắc sau chuỗi ngày khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Phòng Văn hoá thông tin huyện Long Hồ, đến thời điểm hiện tại Long Hồ đã phát triển được trên 19 cơ sở lưu trú du lịch (homestay) có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN homestay, 6 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và 5 nhà nghỉ đạt chuẩn theo quy định, 5 cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch (không lưu trú) và trên 20 điểm tham quan vườn trái cây, cây giống.
6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm du lịch sinh thái của huyện trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng đáng kể, đạt khoảng trên 85 nghìn lượt khách (tăng 30% so cùng kỳ năm 2021) chủ yếu là khách nội địa và các địa phương lân cận (không có khách quốc tế). Tổng doanh thu ước đạt gần 21 tỷ đồng (tăng hơn 43% so cùng kỳ).
Ông Mai Hoàng Duyên, tại xã An Bình, huyện Long Hồ có 25.700m2 đất vườn trồng chôm chôm Thái, chôm chôm Java và nhãn xuồng cơm vàng. Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy hình thức du lịch sinh thái phát triển nên đã bàn bạc với gia đình mở cơ sở kinh doanh nhận khách đến tham quan. Với giá vé giao động từ 60.000 – 70.000 đồng/người, du khách được tham quan chụp ảnh, thưởng thức trái cây tại chỗ và nghỉ ngơi trong lều, võng… được miễn phí các dịch vụ như: karaoke, bơi xuồng, câu cá, câu ếch… Cơ sở cũng phục vụ thêm thức ăn, nước uống đặc trưng địa phương theo yêu cầu của du khách.
Ông Duyên cho hay, nhờ việc sản xuất trái chôm chôm và nhãn xuồng an toàn thực phẩm, chất lượng, ngon nên hầu hết du khách đến và đi đều rất hài lòng. Bên cạnh đó, ông cũng xử lý để cây chôm chôm cho trái nghịch vụ, rải vụ để thời gian cho trái được kéo dài.
Nhờ đó, những tháng hè cao điểm như thế này, vào dịp cuối tuần cơ sở Duyên Sương tiếp đón khoảng 400 du khách mỗi ngày. Những ngày còn lại cơ sở cũng đón tiếp khoảng 200 du khách.
Bên cạnh khai tốt tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn, các cơ sở du lịch ở 4 xã cù lao còn khai thác tốt giá trị làng nghề truyền thống như: cốm, kẹo… Ngoài ra, các nhà cổ, nhà có kiến trúc đẹp, độc đáo cũng được khai thác phát triển du lịch.
Tại cơ sở du lịch Nhà Dừa – Coco Home homestay ở ấp Hoà Quý, xã Hòa Ninh, ông Thưởng - chủ cơ sở cho biết: “Nhà dừa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ dừa từ 80 – 100 tuổi. Tổng cộng số cây dừa lên đến khoảng 4.000 cây, chi phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Nhà được cất theo kiểu nhà truyền thống Nam bộ xưa. Du khách đến đây chủ yếu để trải nghiệm nét kiến trúc độc đáo này”.
Chủ cơ sở còn cho biết thêm, cơ sở chủ yếu kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng và phục vụ các dịch vụ giải trí khác như: đờn ca tài tử, đi xe đạp, bơi xuồng, bắt cá, làm bánh truyền thống, ăn uống trên thuyền di chuyển trên sông… Hiện nay, mỗi ngày cơ sở này tiếp đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, giải trí.
Xứ cù lao sông nước đã khai thác tốt lợi thế phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tạo đà cho ngành dịch vụ địa phương phát triển tạo ra thị trường tiêu thụ trái cây tại chỗ và việc làm cho người dân địa phương.
Cô Hai Liễm, một nhân viên tại cơ sở Duyên Sương: “Tôi làm hồi đó giờ. Tới mùa mấy làm, nhất là hè dắt mấy cháu nhỏ ở Sài Gòn đi chơi vòng vòng vườn. Tôi rất yêu thích công việc này, chứ lớn tuổi rồi cũng không có làm công ty gì được”.
Liên kết vùng để đa dạng sản phẩm du lịch
Thời gian qua, để quảng bá xúc tiến thương hiệu du lịch Long Hồ đến với du khách trong và ngoài nước, huyện phối hợp với Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tăng cường đăng tải hình ảnh, thông tin về du lịch lên trang Vĩnh Long Tourism. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử Long Hồ có chuyên mục dành riêng cho quảng bá xúc tiến du lịch.
Cùng với đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo đài truyền thanh huyện và phối hợp với Báo Vĩnh long, Đài truyền hình Vĩnh Long xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các video clip phóng sự về du lịch đăng tải trên trang thông tin điện tử, trực tiếp phát thanh, phát hình trên đài truyền hình, trên trang mạng xã hội “YouTube, Facebook, Zalo…” thường xuyên. Những hoạt động này đã góp phần cung cấp, quảng bá những thông tin hữu ích, những hình ảnh tươi đẹp, hấp dẫn của du lịch Long Hồ để khách du lịch biết đến.
Nói về định hướng phát triển ngành du lịch của huyện Long Hồ trong thời gian tới, Ông Võ Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Với sản phẩm du lịch đặc trưng vốn có lâu nay, đặc biệt là các homestay, vườn trái cây, đờn ca tài tử,… Ngành du lịch huyện Long Hồ đang xúc tiến kết nối liên kết các vùng. Phía tỉnh có chỉ đạo địa phương liên kết các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ xây dựng tour tuyến đa dạng về dịch vụ, về sản phẩm. Du khách đến đây có cảm giác muốn ở lại và kéo dài thời gian tham quan du lịch tại ĐBSCL nói chung và trên địa bàn Vĩnh Long, Long Hồ nói riêng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cũng quan tâm quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Để từ đó, du khách có thể tìm thấy điểm thú vị khi tham quan, nghỉ mát tại Vĩnh Long”, ông Sơn cho biết thêm.
Về giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới, bà Phạm Thị Nở, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 3 Kế hoạch hoạt động phục hồi ngành du lịch tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án Di sản đương đại Mang Thít; phối hợp TP. Hồ Chí Minh tổ chức tốt, hiệu quả Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch từng bước phục hồi và phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 365 triệu USD, tăng 10,84%. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại tỉnh đạt 410.000 lượt khách, đạt 68% kế hoạch, tăng 73%. Doanh thu ước đạt 200 tỷ đồng, đạt 83% so với kế hoạch, tăng 18% so với năm trước.