| Hotline: 0983.970.780

Sức trẻ nơi thượng nguồn sông Mã

Thứ Hai 07/02/2022 , 07:00 (GMT+7)

Với nghị lực, niềm đam mê nông nghiệp, chàng trai trẻ Tòng Văn Toản đã góp phần mang lại sức sống mới cho mảnh đất đầy gian khó nơi thượng nguồn sông Mã.  

Nếm “trái đắng”

Huyện biên giới Sốp Cộp (Sơn La), có tới 98% dân số là người đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, tự phát… đã ăn sâu bám rễ từ nhiều thế hệ, việc thay đổi nó tưởng chừng là điều khó có thể thực hiện. Tuy nhiên, khi các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều tại nơi đây, mảnh đất muôn vàn gian khó này như được khoác lên mình bộ áo tươi mới hơn.

Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX Toản Duyên, bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La) đã thành công trong việc phát triển chăn nuôi lợn tập trung. Ảnh: Trung Quân.

Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX Toản Duyên, bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La) đã thành công trong việc phát triển chăn nuôi lợn tập trung. Ảnh: Trung Quân.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có cơ hội đến thăm mô hình nông nghiệp tổng hợp của HTX Toản Duyên, bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La), do anh Tòng Văn Toản, 30 tuổi, dân tộc Thái làm giám đốc.

Anh Toản chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cuộc sống đều dựa vào sản xuất nông nghiệp, đi rừng là chính, nên từ bé anh đã có niềm say mê với các loại cây trồng, vật nuôi.

Sau nhiều năm làm nhân viên kinh doanh cho công ty buôn bán thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội, anh có cơ hội đi nhiều nơi, chứng kiến, học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích trong việc xây dựng và phát triển trang trại. Anh nhận thấy việc phát triển chăn nuôi tập trung sẽ mang lại giá trị kinh tế và sự phát triển bền vững hơn sản xuất nông hộ, tự phát. Từ đây, trong anh bắt đầu ấp ủ dự định về một trang trại do chính mình làm chủ.

Nghĩ là làm, anh vạy mượn bạn bè, người thân đầu tư xây dựng trang trại, mua 500 gà Lạc Thủy về nuôi. Lứa đầu tiên anh thắng lợi khi toàn bộ gà đều được thương lái thu mua với giá tương đối cao. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì chính “thắng lợi” đó đã khiến chàng trai trẻ Tòng Văn Toản, khi mới 26 tuổi phải nếm trái đắng.

Ngoài nuôi lợn, HTX phát triển được 18 ha xoài, 10 ha cam quýt. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài nuôi lợn, HTX phát triển được 18 ha xoài, 10 ha cam quýt. Ảnh: Trung Quân.

Anh Toản bộc bạch: Thu được lợi nhuận quá nhanh, khiến anh rơi vào trạng thái tự phụ, nghĩ mình có thể phát tài nhanh chóng nhờ nuôi gà. Do đó, những lứa gà sau anh rất tự tin nhập thêm với số lượng rất lớn, trong khi quy mô chuồng trại không được nâng cấp, không kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống. Sự non nớt về kiến thức chăn nuôi dần được lộ rõ khi gà liên tục bị mắc bệnh và chết.

“Khi đó hơn 5.000 gà nối đuôi nhau mắc bệnh, số thì chết, số còn lại thương lái không thu mua, làm đủ mọi cách mà không bán được con nào, toàn bộ vốn liếng đổ vào đàn gà phút chốc đều tan biến”, anh Toản ngậm ngùi.

Sau gáo nước lạnh đó, anh Toản gần như suy sụp, anh đã nghĩ đến việc buông xuôi, dự định bỏ đi biệt xứ vừa tránh nợ nần vừa tránh điều tiếng, dèm pha, châm chọc của nhiều người. Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của gia đình, anh quyết tâm gây dựng lại từ đầu.

Hướng đến phát triển theo chuỗi

Rút kinh nghiệm xương máu từ lần nuôi trước, anh đi tìm hiểu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, kiến thức chăn nuôi, quản lý… Anh nhận thấy nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân trong huyện rất lớn, trong khi cả huyện chưa có trang trại chăn nuôi lợn tập trung cung cấp thịt thường xuyên cho thị trường. Tại các chợ trong huyện, thịt lợn phần lớn được thương lái nhập hàng từ dưới xuôi lên. Nắm bắt điều này, năm 2018, anh thành lập HTX Toản Duyên, đánh liều vay thêm 300 triệu đồng đầu tư nuôi lợn.

HTX mở rộng chuồng nuôi thêm bò sinh sản, cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn toàn huyện. Ảnh: Trung Quân.

HTX mở rộng chuồng nuôi thêm bò sinh sản, cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn toàn huyện. Ảnh: Trung Quân.

Thời điểm đó, lợn rớt giá chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, anh mạnh dạn mua hơn 100 lợn thịt về nuôi. Không ngờ đến giai đoạn xuất bán giá lợn tăng phi mã lên 93.000/kg, sau khi trừ đi các chi phí, trung bình 1 con lợn anh lãi 5 triệu đồng.

Có vốn, anh tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng đàn nuôi. Bên cạnh đó, anh chuyển đổi diện tích đất đồi trồng ngô, sắn không hiệu quả của gia đình sang trồng cây ăn quả, vừa tăng thêm thu nhập vừa tận dụng được nguồn phân, nước thải từ chăn nuôi.

Đồng thời, anh mở rộng liên kết với các hộ dân trong vùng, trực tiếp cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng cây ăn quả, xây dựng vườn trồng mẫu theo đúng quy trình canh tác an toàn. Những vườn mẫu này giúp người dân có cơ sở học tập, so sánh với cách làm truyền thống, từ đó thay đổi tập quán sản xuất…

Trong thời gian tới, anh Toản sẽ đưa HTX phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Trong thời gian tới, anh Toản sẽ đưa HTX phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ sự nỗ lực, hiện tại HTX đã có 10 thành viên chính thức và 25 thành viên liên kết, chuồng nuôi lợn luôn duy trì 200 lợn thịt, 15 lợn nái. Ngoài ra, anh nuôi thêm 35 bò sinh sản, cung cấp giống cho người dân trong huyện, phát triển được 18 ha xoài, 10 ha cam quýt…

Anh Toản tính toán: Nếu cộng dồn thu nhập từ tất cả các loại cây trồng, vật nuôi, trung bình HTX thu về 4 tỷ đồng/năm (chưa trừ chi phí), tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động, thu nhập bình quân của các thành viên đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Toản cho hay: Anh sẽ đưa HTX phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, hữu cơ, đẩy mạnh liên kết chuỗi với các công ty để mở rộng quy mô, giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn…

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm