Xây dựng vùng dứa nguyên liệu
Bên cạnh việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc, từ năm 2020 đến nay, huyện Sông Mã (Sơn La) đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong việc phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, trong đó phải kể đến việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO).
Theo Phòng NN-PTNT Sông Mã, tính đến cuối năm 2021, việc triển khai phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho DOVECO đạt 100% kế hoạch, trong đó dứa queen 50 ha, chanh leo 5 ha.
Đối với cây dứa queen, 50 ha được thực hiện tại bản Mo và Huổi Mo (xã Chiềng Khương) với 35 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 1,3 tỷ đồng. UBND huyện đã phân bổ từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện 700 triệu đồng hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, phân bón. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân huyện sử dụng quỹ Hội hỗ trợ cho các hộ gia đình trồng dứa vay với tổng vốn 1 tỷ đồng (định mức 20 triệu/ha).
Đối với cây chanh leo, 5 ha được thực hiện tại bản Puông, bản Chiềng Khương và bản Mo (xã Chiềng Khương) với 4 hộ tham gia. Nguồn kinh phí do các hộ tự đầu tư.
Ông Lò Văn Ngoan, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Huổi Mo, bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương (Sông Mã) cho biết: HTX là đơn vị tham gia trồng dứa nguyên liệu cho DOVECO với diện tích 50 ha. Ngày 15/1/2021, HTX bắt đầu xuống giống, đến hiện tại toàn bộ diện tích đều sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Theo ông Ngoan, giống dứa queen quả thơm, ngọt, giòn, khả năng chịu hạn tốt, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sông Mã. DOVECO đã cử cán bộ kỹ thuật vào hướng dẫn các hộ chăm sóc và xử lý ra hoa được 1 ha, diện tích còn lại đầu tháng 3/2022 sẽ tiếp tục xử lý ra hoa.
Dự kiến khi thu hoạch, sản lượng dứa sẽ đạt khoảng 40 tấn/ha, những quả có trọng lượng từ 350 gam trở lên sẽ được DOVECO thu mua toàn bộ với mức giá tối thiểu 4.800 đồng/kg để phục vụ nhà máy chế biến của DOVECO ngay tại Sơn La.
Tuy nhiên, theo ông Ngoan, các đồi trồng dứa có địa hình dốc nên việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, che phủ màng nilon gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đường vào các khu vực có thể trồng dứa hẹp và dốc, nên các phương tiện vận chuyển vật tư, giống cũng như vận chuyển dứa ra ngoài khi đến kỳ thu hoạch cũng sẽ gặp trở ngại…
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Mã chia sẻ: Việc phát triển kinh tế vườn đồi của huyện Sông Mã đã làm thay đổi tập quán sản xuất và phương thức canh tác của người dân, giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập khá, góp phần phát triển, ổn định kinh tế, xã hội ở địa phương… Bên cạnh đó, việc phát triển cây ăn quả, vùng nguyên liệu còn giúp tăng độ che phủ đất, chống xói mòn, điều hòa không khí.
Trong thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển chuỗi liên kết bền chặt với HTX, hộ sản xuất…
Mở rộng diện tích cây ăn quả
Huyện Sông Mã (Sơn La) có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, độ dốc lớn, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Trước thực tế đó, UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất… chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến… nhằm tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Mã cho biết: Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện hơn 37.100 ha (đạt 102,27% kế hoạch), tăng 3,66% so với năm 2020. Trong đó, diện tích cây ăn quả các loại hơn 10.200 ha (kế hoạch 10.000 ha), tăng 5,38% so với năm 2020, bao gồm nhãn hơn 7.400 ha, xoài 1.800 ha, cây ăn quả khác 973 ha.
Đến nay, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) đã đánh giá và cấp 43 mã vùng trồng, trong đó: 9 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với diện tích hơn 68 ha, sản lượng hơn 688 tấn; 23 mã vùng trồng xuất sang Trung Quốc với diện tích 606 ha, sản lượng trên 5.900 tấn; 11 mã vùng trồng xuất sang Úc, New Zealand với hơn 85 ha, sản lượng hơn 1.000 tấn.
Cũng theo ông Hải, trong năm 2022, huyện sẽ tập trung thâm canh diện tích nhãn, xoài và một số diện tích cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; trồng mới trên 70 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên hơn 10.300 ha.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, (Sông Mã) cho biết: HTX có 30 ha trồng nhãn, trong đó 25 ha đang cho thu hoạch. Vụ nhãn năm 2021, HTX đạt sản lượng 300 tấn, thời điểm đầu vụ việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi khi HTX xuất bán được khoảng 100 tấn quả nhãn tươi, với giá bán trung bình từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc tiêu thụ quả tươi gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên được sự hỗ trợ kinh phí xây lò sấy của UBND huyện, HTX đã chuyển 200 tấn nhãn tươi sang sấy làm long nhãn, nhờ đó tiêu thụ không bị đứt gãy, giá bán ở mức từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Theo ông Sơn, từ khi UBND huyện triển khai chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nhất là cây nhãn, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân trong bản thay đổi rõ rệt. Người dân không còn trồng độc canh cây ngô, sắn như trước đây, hầu hết những diện tích đất đồi để trống đã được phủ xanh bởi nhãn, cam…
“Đến thời điểm hiện tại, chưa có cây trồng nào mà người dân từng trồng mang lại giá trị kinh tế cao như cây nhãn. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống, nuôi dưỡng con cái… của người dân được nâng cao đều nhờ vào thu nhập từ việc trồng nhãn” ông Sơn cho hay.
Ông Sơn chia sẻ thêm: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với người trồng nhãn là khâu tiêu thụ. Những chương trình hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước rất thiết thực đã giúp người dân giải được bài toán tình thế. Tuy nhiên, nguồn lực về mọi mặt của HTX, hộ sản xuất… để duy trì ổn định việc tự tiêu thụ trong thời gian dài rất hạn chế, nhất là khâu thông tin, quảng bá sản phẩm.
Chính vì vậy, để việc phát triển cây ăn quả của người dân đạt được hiệu quả bền vững, giải pháp có tính lâu dài là cần quy hoạch được vùng trồng tập trung. Lấy HTX làm trọng tâm để phát triển những sản phẩm theo các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo cơ sở để mời, gọi các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.