Lên thăm “cụ" chè Shan tuyết nghìn tuổi
Chủ tịch UBND xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) Đặng Văn Chung tiếp chúng tôi bằng ấm chè Shan tuyết quê mình. Không giống như chè trung du, chè Shan tuyết có nước vàng óng sóng sánh tựa mật ong. Uống vị đậm đà, thơm chát sau ngọt hậu và rất được nước. Nếu chè trung du chỉ pha được khoảng 2 nước, chè Shan tuyết đến nước thứ 5 mà vẫn còn vị và độ đậm đặc.
Ngoài trời mưa vẫn nặng hạt, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ hỏi: Mưa thế này có đi rừng không? Đường trơn đấy và vắt nhiều vô kể? Tôi gật đầu, chắc nịch: Đi chứ ạ!
Các làng bản ở xã Cao Bồ như sợi chỉ vắt mình chạy quanh lưng chừng dải Tây Côn Lĩnh. Cây chè cũng theo hơi người mà mọc khắp núi rừng.
Từ trung tâm xã Cao Bồ lên các thôn con đường dài khoảng 6km đi mất 30 phút đồng hồ. Từ các thôn lên cây chè cổ thụ gần 1.000 năm tuổi mất khoảng nửa ngày đường. Dù đã được cảnh báo trước về cái lạnh của vùng cao nguyên cao hơn 1.500m, dù đã mặc 2 chiếc áo ấm nhưng hơi lạnh vẫn chạy qua từng lớp áo. Cũng may, khi đến giữa làng Lùng Tao thì cơn mưa cũng tạnh và hành trình lên vùng chè cổ của chúng tôi được tiếp tục. Chiếc áo mưa giấy mỏng tang khoác tránh mưa rách tả tơi cũng là lúc cây chè cổ thụ nằm trọn trong mắt chúng tôi.
Cây chè cổ thụ nghìn tuổi nằm trên đỉnh núi Cô Sẩu cao gần 1.500m. Đây là cây chè có độ tuổi và đường kính cao bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Cây chè cao khoảng 14m, gốc to 2 người ôm mới hết. Thân cây vạm vỡ không thua kém các cây cổ thụ quanh cánh rừng; thân và cành chè tạo nên tán rộng chắc khỏe, các lá to màu xanh sáng, có mũi lá nhọn dài, chiều dài lá 18 - 20cm, búp mập to có nhiều lông bạc như tuyết.
Từ những đoàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến các thương nhân khi nhìn thấy những cây chè cổ thụ ở Cao Bồ đều tỏ lòng kính phục sự trường tồn và sức sống bền bỉ của cây chè. Cây chè cổ thụ này trở thành cây di sản vô giá biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của giống chè và văn hóa, phong tục tập quán của vùng cao nguyên đá.
Chủ tịch Đặng Văn Chung cho biết, cây chè cổ thụ này mỗi năm cho thu khoảng 70kg chè búp tươi. Cây chè thuộc hộ gia đình ông Đặng Văn Nguyên quản lý. Nhưng nó cũng là cây chè di sản quý báu, là tài sản của quốc gia cần được bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt.
Ở Cao Bồ, những người làm chè giỏi và thưởng trà là những cụ cao niên, nhưng những người quảng bá phát triển thương hiệu chè lại là lớp trẻ. Đặc biệt khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc bán hàng online nở rộ. Hiện nay toàn xã Cao Bồ có 1 Công ty cổ phần Trà hữu cơ Cao Bồ; 1 hợp tác xã chè Shan tuyết Cao Bồ và 12 hộ chế biến kinh doanh chè Shan tuyết.
Chè Cao Bồ đã có nhiều sản phẩm đi khắp các vùng miền của cả nước và xuất khẩu cả sang châu Âu. Trung bình mỗi năm cây chè cho xã Cao Bồ tổng sản lượng là 1.600 tấn chè búp tươi.
Chè Shan tuyết búp tươi ở Cao Bồ được phân ra thành nhiều loại với giá khác nhau. Loại 1 tôm 2 lá giá 30.000 đồng/kg; 1 tôm 3 lá 20.000 đồng/kg; 1 tôm hơn 200.000/kg, thời kỳ cao điểm 300.000 đồng/kg... Sản phẩm chè Shan tuyết khô nơi đây có giá từ 300.000 đến 1 triệu đồng/kg. Cá biệt các loại chè như chè móng rồng, bạch trà... giá từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng/kg.
Cội nguồn của xứ chè Shan tuyết
Có đến cả 10 đời nay, người Dao áo dài ở xã Cao Bồ sinh sống trên dải Tây Côn Lĩnh. Trong các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng và trong đời sống kinh tế, cây chè luôn đồng hành cùng họ từ đời này qua đời khác. Mỗi người dân sinh ra lớn lên đã thấy những cây chè Shan tuyết đứng sừng sững giữa núi rừng. Ngoài làm thức uống hảo hạng, chè còn có các chất như kháng sinh, chống ung thư, tăng tuổi thọ... bảo vệ sức khỏe rất tốt cho con người.
Anh Xìn Thanh Quyết, Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang dẫn đường cho đoàn chúng tôi thăm vùng chè cổ thụ ở Cao Bồ. Anh Quyết cũng là người thường xuyên đồng hành cùng các nhà khoa học đi tham quan, nghiên cứu giống chè quý ở Hà Giang nên những con đường dẫn đến các cây chè cổ thụ nằm gọn trong đầu ánh; vốn kiến thức về các giống chè và lịch sử tuổi đời của nó anh cũng nắm kha khá.
Anh Quyết cho biết, ở Hà Giang có 3 vùng chè nổi tiếng là chè Lũng Phìn ở huyện Đồng Văn, chè Phìn Hồ ở huyện Hoàng Su Phì và chè Cao Bồ ở huyện Vị Xuyên. Nhưng nếu nói khởi tích của cây chè ở xứ sở cao nguyên đá thì người ta nhắc nhiều đến địa danh Cao Bồ. Bởi nơi đây có cụ chè lớn tuổi nhất vùng chè cả nước. Đó là cụ chè trên đỉnh núi Cô Sẩu với gần 1.500 tuổi.
Cao Bồ cũng là địa danh được các nhà khoa học chọn để nghiên cứu về nguồn gốc và các đặc tính sinh trưởng của cây chè từ cá thể để nhân rộng ra thành quần thể. Nơi đây cũng có 2 giống chè Shan tuyết quý được nghiên cứu đó là Chất Tiền và Tham Lè. Từ Cao Bồ, cây chè cứ mọc rộng chạy khắp cánh rừng ở huyện Vị Xuyên rồi bao phủ quanh dãy Tây Côn Lĩnh gồm các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Hàng năm cây chè Shan tuyết ở Cao Bồ nói riêng và Hà Giang nói chung có từ 3 đến 5 đợt sinh trưởng búp, bình quân mỗi cây hái được khoảng từ 16 đến 18 kg/vụ. Chè Shan tuyết Hà Giang có các đặc điểm về hình thái và chất lượng nổi bật, có thể dễ dàng nhận biết chè Shan tuyết Hà Giang đồng đều về màu sắc và kích thước, búp chè xoăn chặt, non, thô, bạc cánh (có tuyết), cánh chè to, tròn. Khi pha chè, nước chè sánh, màu xanh vàng bắt mắt, mùi thơm tự nhiên, vị chát dịu và có vị ngọt hậu dễ chịu.
Qua điều tra, đánh giá, theo dõi của các nhà khoa học thì tất cả các cây chè Shan tuyết ở Hà Giang đều thấy có xuất hiện lông tuyết ở tôm, đây là đặc trưng của chè Shan tuyết nói chung. Dịp đầu vụ xuân và cuối vụ thu khi nhiệt độ không khí giảm, có mây mù nhiều hơn thì trên búp chè có nhiều lông tuyết và có biểu hiện dày hơn; giữa vụ hè lông tuyết chỉ tập trung chủ yếu ở tôm chè, lá 1 lá 2 có ít hoặc không có.
Chiều cao cây chủ yếu từ 2,2 đến 3,3m, tuy nhiên cũng có những cây cao từ 8 đến 9m (tỷ lệ thấp), độ cao phân cành trung bình từ 1,0 đến 1,1m, có từ 2 đến 4 cành cấp 1.
Cần bảo vệ trước sự tấn công của “chè tặc”
Năm 2008, những bản người Dao ở Cao Bồ xôn xao chuyện có nhóm người lạ mặt đến làng. Họ hỏi thăm về cây chè rồi cất công leo lên tận đỉnh núi Tây Côn Lĩnh để ngắm rừng chè Shan tuyết cổ thụ. Một thời gian sau, khi họ quay lại thì những gốc chè cổ thụ được họ trả cả mấy chục triệu đồng. Một số người tham tiền đã bán, nhưng phần lớn dân làng tiếc giống cây gắn bó với họ từ đời này sang đời khác nên không bán.
Sợ mất những gốc chè Shan tuyết tuổi lớn bằng mấy đời người, chính quyền xã mời công an huyện về, Trưởng các thôn cũng vào cuộc cam kết phải giữ bằng được những cây chè cổ, không thể để mất.
Chuyện cây chè ở Cao Bồ bị kẻ xấu lăm le đánh cắp lắng xuống được hơn 11 năm. Tới năm 2019, “chè tặc” một lần nữa quay lại đe dọa tấn công rừng chè di sản. Những thương lái được cho là người Trung Quốc vào địa bàn, tự ý thỏa thuận với người dân thôn Lùng Tao, Tham Vè thuê cây chè cổ thụ với thời gian từ khoảng 20 đến 30 năm, sau đó gắn biển hiệu bằng tiếng nước ngoài rồi thuê người dân mặc quần áo nước họ để quay phim, chụp ảnh. Có gốc chè Shan tuyết cổ thụ đã được họ làm hợp đồng thuê giá trị lên đến 50 triệu đồng.
Khi biết tin, chính quyền xã khẩn cấp báo mời lực lượng an ninh vào cuộc, yêu cầu người dân gỡ hết những biển ghi chú bằng chữ Trung Quốc xuống. Đến nay mọi việc đã lắng xuống, rừng chè đã được yên bình trở lại.
Diện tích rừng có chè Shan tuyết ở Cao Bồ lên đến cả nghìn ha, trong đó có 220 cây chè được công nhận cây di sản. Tỉnh Hà Giang cũng là địa phương có diện tích chè được công bố công nhận cây di sản lớn nhất cả nước với hơn 1.600 cây.