| Hotline: 0983.970.780

Chuyển mình vùng đất khó

Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới...

Thứ Hai 31/01/2022 , 07:00 (GMT+7)

SƠN LA Có câu ca khi nói tới huyện Sốp Cộp (Sơn La): "Bao giờ nước chảy ngược non, đèn không hao bấc để con hết nghèo...".

Những chập chững ban đầu với cây cà phê

Lần đầu tiên vượt gần 120km bằng xe máy từ thành phố Sơn La lên huyện Sốp Cộp, mảnh đất mà trước đây được ví như "nơi con chim bay bạc đầu chưa tới", tôi hình dung sẽ là chuyến đi đầy gian nan. Mọi thông tin có được về Sốp Cộp chỉ là một huyện đặc biệt khó khăn, được tách ra từ huyện Sông Mã năm 2004, có diện tích tự nhiên hơn 146.800ha, gồm 8 xã.

Trung tâm huyện Sốp Cộp ngày càng phát triển, mang dáng dấp của một đô thị nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Trung tâm huyện Sốp Cộp ngày càng phát triển, mang dáng dấp của một đô thị nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Đặt chân đến Sốp Cộp, những gì được chứng kiến trái ngược hoàn toàn với hình dung ban đầu. Trung tâm huyện hiện ra trong làn sương mờ, mang dáng dấp của một đô thị nhỏ.

Trên khắp những vạt đồi miên man, máy cày rồ ga, nhả khói, thay thế cho sức người, sức kéo trâu bò. Những đồi cà phê, dứa, cây ăn quả thênh thang, xanh bạt ngàn trên những đồi trọc trước đây, không còn thấy cảnh từng quả đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô, sắn...

Diện mạo đời sống đổi thay đáng kể đến với nhiều bà con vùng sâu, vùng xa ở Sốp Cộp từ năm 2012 - 2013, khi UBND huyện Sốp Cộp phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân triển khai thực hiện dự án trồng cà phê phục vụ nguyên liệu cho chế biến trên địa bàn huyện.

Cây cà phê đã thay đổi phận nghèo ở vùng sâu huyện Sốp Cốp. Ảnh: Trung Quân.

Cây cà phê đã thay đổi phận nghèo ở vùng sâu huyện Sốp Cốp. Ảnh: Trung Quân.

Dồm Cang là xã hiện có diện tích trồng cà phê nhiều nhất huyện với 255ha (chiếm 60% diện tích cà phê toàn huyện). Ông Vì Văn Ngoãn, Trưởng bản Pặt Pháy (xã Dồm Cang) bảo rằng trước đây, bà con ở Dồm Cang chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn, củ khoai. Có được căn nhà kiên cố, mua được chiếc xe máy tàu đã là mơ ước lớn.

Ông Ngoãn kể: Ban đầu, huyện đưa dự án trồng cây cà phê về bản với chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật… nhưng đa phần người dân đều nghi ngại, từ chối tham gia vì chưa trồng cây dài ngày bao giờ, hiệu quả không biết ra sao, trong khi phải giành thời gian học tập kỹ thuật...

Không nản lòng, ông cùng nhiều cán bộ dùng cách nêu gương tiên phong trồng trước. Gia đình ông đã chuyển 1ha trồng ngô, sắn sang trồng cà phê, khi thu hoạch đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các cây trồng trước đây. Tiếng lành đồn xa, người dân trong bản, trong xã cũng dần tự tìm đến đăng ký học tập trồng theo.  

Đến năm 2021, tất cả 184 hộ trong bản Pặt Pháy đều trồng cà phê với diện tích hơn 230ha, giá bán 70.000 - 75.000 đồng/kg cà phê khô, thu nhập trung bình từ 150 - 700 triệu đồng/hộ. 

Người trồng cà phê ở Sốp Cộp cải tạo vườn, chuẩn bị chăm sóc cho vụ mới. Ảnh: Trung Quân.

Người trồng cà phê ở Sốp Cộp cải tạo vườn, chuẩn bị chăm sóc cho vụ mới. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ cây cà phê, những ước mơ trước đây tưởng chừng xa vời giờ đã là hiện thực. Không còn cảnh phải đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động trồng cà phê, người dân đã tự ươm giống, có quỹ đất trống là tăng diện tích trồng, từ đó nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Tới thăm vườn cà phê của ông Vì Văn Thơm ở cùng bản Pặt Pháy, ông vừa nhanh tay kiểm tra thùng ươm giống, vừa giới thiệu về kỹ thuật, cách trồng cà phê như một chuyên gia thực thụ.

Ông Thơm cho biết, gia đình hiện trồng hơn 2ha cà phê. Trồng cà phê lúc đầu còn lóng ngóng, nhưng khi đã nắm vững kỹ thuật thì việc chăm sóc cây cũng không quá khó khăn. Ban đầu chỉ vất vả giai đoạn cây con, đến khi cây trưởng thành sẽ nhàn hơn, không tốn nhiều công chăm sóc.

"Cây càng lớn, độ che phủ càng cao thì không cần phải làm cỏ nhiều, việc bón phân cũng chỉ thực hiện 2 - 3 lần/năm. Điều cốt lõi khi trồng loại cây này là phải tuân thủ kỹ thuật, bón phân đúng chu kỳ, liều lượng” ông Thơm chia sẻ.

Nhờ cây cà phê, đời sống nhiều bản làng ở Sốp Cộp đã thoát cảnh quẩn quanh đói nghèo. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ cây cà phê, đời sống nhiều bản làng ở Sốp Cộp đã thoát cảnh quẩn quanh đói nghèo. Ảnh: Trung Quân.

Năm 2021, người trồng cà phê ở Sốp Cộp càng vui hơn khi giá cà phê đã tăng cao trở lại sau giai đoạn dài ở mức thấp. Cụ thể, giá cà phê khô có thời điểm lên tới 70.000 - 75.000 đồng/kg, bình quân 40.000 - 70.000 đồng/kg.

Với giá này, năm nay, gia đình ông Thơm thu được hơn 6 tấn cà phê khô, sau khi trừ đi các chi phí, ông thu về hơn 200 triệu đồng.

Những năm qua, Sốp Cộp đã chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị sản xuất thấp sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như vùng sản xuất lúa nếp tan; vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Mường Và Nậm Lạnh, Mường Lạn; vùng trồng cà phê tại xã Dồm Cang… cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Cà phê ở Sốp Cộp có hương vị đặc trưng của cây cà phê chè Sơn La, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, rất nhiều thương lái, doanh nghiệp ở khắp các tỉnh tìm về thu mua, đặt vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu.

Khai mở tiềm năng cây ăn quả

Từ khi Quốc lộ 4G nối thẳng vào trung tâm huyện, hoạt động giao thương với các huyện, tỉnh thành khác cũng trở nên nhộn nhịp hơn.

Thành viên HTX nông nghiệp Nam Phượng chăm sóc diện tích dứa nguyên liệu liên kết với DOVECO. Ảnh: Trung Quân.

Thành viên HTX nông nghiệp Nam Phượng chăm sóc diện tích dứa nguyên liệu liên kết với DOVECO. Ảnh: Trung Quân.

Tiềm năng về nông nghiệp của Sốp Cộp hiện cũng đang chuyển mình, được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư khai mở. Từ năm 2020, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cũng đã khởi động chương trình đầu tư, liên kết với nhiều hợp tác xã ở Sốp Cộp để phát triển vùng nguyên liệu dứa.

DOVECO đang nhắm tới tiềm năng mở rộng vùng nguyên liệu dứa tập trung tại Sốp Cộp bởi theo đánh giá, đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của vùng này rất phù hợp với cây dứa, nhất là khả năng đưa cây dứa "thế chân" hàng chục nghìn ha sắn tại huyện này.

Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phượng ở bản Ban, xã Sốp Cộp là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn huyện liên kết trồng dứa nguyên liệu với DOVECO.

Giám đốc Nguyễn Duy Phượng cho biết, năm 2020, hợp tác xã đã được huyện Sốp Cộp chọn trồng thí điểm dứa nguyên liệu với diện tích 5ha. UBND huyện đã đầu tư trên 8 tỷ đồng hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ nilon… cho người dân trồng dứa. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa cho người dân. Nhờ đó đến nay, cây dứa sinh trưởng và phát triển rất tốt. 

Cây dưa đang mở ra tương lai mới cho đồng bào ở vùng sâu Sốp Cộp. Ảnh: Trung Quân.

Cây dưa đang mở ra tương lai mới cho đồng bào ở vùng sâu Sốp Cộp. Ảnh: Trung Quân.

DOVECO đã có cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá tối thiểu 4.800 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, công làm đất... (khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha), người trồng dứa có thể thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/ha ngay ở năm đầu tiên. Mức lợi nhuận này sẽ tăng lên cao hơn nhiều trong các năm tiếp theo do không còn phải đầu tư giống.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.