| Hotline: 0983.970.780

Suýt chết vì rối loạn nhịp tim chậm

Thứ Sáu 28/06/2019 , 16:16 (GMT+7)

Người đàn ông 38 tuổi đột ngột bị chóng mặt, đau ngực trái, khó thở, được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát hiện bị nhồi máu cơ tim biến chứng nhịp chậm block nhĩ thất độ 3.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Ngày 28/6, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận cấp cứu và điều trị kịp thời, cứu sống bệnh nhân Đ.Q.O (38 tuổi) bị rối loạn nhịp tim chậm.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, kèm chóng mặt gây choáng, vã mồ hôi, khó thở. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện anh O bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành sau gây biến chứng nhịp chậm 40-43 lần/phút.

Nhận định đây là một trường hợp bệnh cần xử trí cấp cứu, các bác sĩ lập tức khởi động quy trình Code Stemi và quyết định đặt máy tạo nhịp khẩn cấp để cứu sống người bệnh.

Tiếp đó, chụp mạch vành và can thiệp để giải quyết nguyên nhân nhịp chậm. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy, huyết khối gây tắc hoàn toàn nhánh thất sau quặt ngược.

Các bác sĩ đã hút huyết khối trong lòng mạch vành, sau đó kiểm tra thấy động mạch vành đã phục hồi dòng chảy, không còn tình trạng tắc nghẽn và mạch máu không bị xơ vữa, nên quyết định không đặt stent và điều trị nội khoa.

Sau can thiệp, người bệnh đã hết khó thở, hết đau ngực, sức khỏe phục hồi tốt và đã được ra viện.

Hình ảnh huyết khối gây tắc động mạch.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân (khoa Tim Mạch, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết: “Trường hợp của anh O là vô cùng khẩn cấp, nhờ tiếp cận nhanh và xử lý chính xác theo quy trình Code Stemi đã cứu sống được người bệnh. Ở trường hợp này, người bệnh khá trẻ, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, dù khám sức khỏe và điều trị định kỳ tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim biến chứng loạn nhịp chậm block nhĩ thất độ 3, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trong trường hợp này là yếu tố quyết định giúp người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch”.

Theo các chuyên gia, nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút (trừ vận động viên hoặc người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể có nhịp tim dưới 60 lần/phút). Ở một người khỏe mạnh, nhịp tim bình thường dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần/phút. Nếu nhịp tim trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh, còn dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể làm người bệnh có cảm giác đau ngực, hồi hôp, có những trường hợp ngất do máu cung cấp lên não không đầy đủ.

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch trẻ tuổi ngày càng tăng. Các bạn trẻ khi gặp những triệu chứng như đau tức ngực trái dữ dội, hồi hộp, khó thở…(dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) không nên chủ quan, cần đến ngay phòng cấp cứu của các bệnh viện. Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị kịp thời ngay trong thời gian vàng sẽ giảm được biến chứng sau nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ đột tử.

“Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh… Đồng thời, việc tích cực tập luyện thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm stress… cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm nguy cơ bệnh tim mạch", BS Nhân khuyến cáo.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.