Ngày 5/10, thông tin từ ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Hải Phòng cho biết, anh Phạm Thành Công, thủ quỹ Phòng giao dịch của ngân hàng tại KCN An Dương vừa giúp đỡ người dân phát hiện một vụ lừa đảo, khi khách hàng này đang thực hiện giao dịch chuyển tiền cho một đối tượng mới quen qua mạng xã hội.
Theo đó, người chuyển tiền là chị C.T.N., sinh năm 1992, trú tại huyện An Dương, người nhận tiền là Đồng Xuân Ngọc. Thông tin cho biết, Ngọc kết bạn với chị N. qua mạng xã hội và tự xưng là người quen của người nhà chị N. đang làm việc ở nước ngoài. Qua nhiều lần nhắn tin, khi thấy chị N. đã có sự tin tưởng nhất định, Ngọc nói được người nhà chị N. nhờ cầm hộ 20.000 USD về theo đường hàng không nhưng đang bị giữ lại tại sân bay nên yêu cầu chị chuyển chi phí để lấy gói quà trên.
Sau khi xoay xở được 73 triệu đồng, ngày 30/9, chị N. tới Phòng giao dịch nói trên để chuyển số tiền cho Ngọc. Quá trình giao dịch, nhận thấy bất thường qua trao đổi giữa chị N. và Ngọc, bằng các nghiệp vụ ngân hàng, anh Công đã trao đổi kỹ và tư vấn để chị N. kiểm tra lại thông tin. Sau đó, khi đã liên lạc được với người thân, chị N. mới biết mình bị lừa và không có chuyện người nhà nhờ bạn 'cầm hộ' 20.000 USD.
Được biết, hành vi lừa đảo như thế này vừa qua xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội, tại ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng cũng từng có một vụ lừa đảo tương tự nhưng được bảo vệ tại phòng giao dịch phát hiện và ngăn chặn. Hiện tại, vụ việc đã được báo cáo cho cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ.
Một số hình thức lừa đảo phổ biến qua mạng xã hội xuất hiện gần đây, được cơ quan chức năng cảnh báo:
– Giả mạo thương hiệu, website ngân hàng, ví điện tử với ứng dụng công nghệ cao gửi tin nhắn, email có chứa liên kết đến trang hoặc ứng dụng (link) lừa đảo yêu cầu khách hàng truy cập để giao dịch (mua bán online), nhận tiền từ nước ngoài (Western Union), nhận quà tặng, cho vay nhanh,….
– Giả mạo cán bộ ngân hàng, tổng đài chăm sóc khách hàng, gọi điện-Giả mạo thương hiệu, website ngân hàng, ví điện tử với ứng dụng công nghệ cao gửi tin nhắn, email có chứa liên kết đến trang hoặc ứng dụng (link) lừa đảo yêu cầu khách hàng truy cập để giao dịch (mua bán online), nhận tiền từ nước ngoài (Western Union), nhận quà tặng, cho vay nhanh,….
– Giả mạo cán bộ ngân hàng, tổng đài chăm sóc khách hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ,… để nhận tiền, nhận quà trúng thưởng.
– Giả mạo cơ quan chức năng (tòa án, công an,…) gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm và yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản gian lận để chạy án.
– Giả mạo người thân, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền, thanh toán chuyển khoản đến tài khoản gian lận do bị hack Facebook, Messenger, Zalo,…
– Giả mạo tài khoản, làm quen nhờ mở tài khoản/ thẻ/ đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc mua lại với giá cao để sử dụng vào mục đích lừa đảo.